Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ "nhà giàu" Hà Nội

Phạm Hồng Hạnh Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Cá kho tại chợ Hàng Bè - khu chợ được mệnh danh là chợ "nhà giàu" ở Hà Nội - được chế biến kỳ công, có giá khá cao nhưng vẫn được nhiều thực khách ưa chuộng mua thưởng thức hoặc làm quà dịp Tết.

Sát Tết Ất Tỵ đặc biệt là ngày ông Công, ông Táo, các tuyến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi trước kia là chợ Hàng Bè tràn ngập thực phẩm sơ chế hoặc nấu sẵn phục vụ cho mâm lễ cúng của các gia đình.

Nhiều bà nội trợ mách nhau, muốn ăn ngon hay rảnh tay ngày Tết chỉ cần lên chợ Hàng Bè dạo một vòng là có đủ. 

Nồi cá kho tiền triệu đắt khách ở chợ "nhà giàu", kho qua 2 ngày mới bán (Video: Hồng Hạnh - Nguyễn Ngoan - Cẩm Tiên).

Nồi cá kho qua 2 ngày mới đạt chất lượng

Cá kho là một trong những món ngon đắt khách tại chợ Hàng Bè dịp Tết. Giống như nhiều mặt hàng khác, cá kho tại khu chợ được mệnh danh là chợ "nhà giàu" ở Hà Nội có mức giá cao hơn mặt bằng chung.

Song nhiều người vẫn chấp nhận xuống tiền mua bởi những miếng cá thơm ngon, chắc, dẻo, gia giảm nguyên liệu một cách hoàn hảo.

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 1

Khách hàng chờ mua cá kho tại chợ Hàng Bè (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Bà Nguyễn Tuyết Trinh (chủ cửa hàng cá kho số 5 ngõ Cầu Gỗ, chợ Hàng Bè) cho hay, món cá kho chợ Hàng Bè nổi tiếng là bởi được chế biến kỳ công, qua nhiều công đoạn với khâu lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng.

Bà Trinh bắt đầu bán cá kho từ năm 2014, công thức kho cá tại cửa hàng được bà hoàn thiện qua nhiều năm. "Thời gian đầu cũng có những lần tôi gặp thất bại, phải bỏ cả nồi cá. Tuy nhiên, dần dần từ kinh nghiệm nấu nướng, tôi tìm ra cách kho cá ngon nhất", bà Trinh cho hay.

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 2

Bà Trinh bên nồi cá kho đắt khách dịp Tết (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Theo bà Trinh, để kho một nồi cá hoàn chỉnh phải mất 2 ngày. Ngày thứ nhất bà cùng các nhân viên nhận cá, sơ chế rồi ướp cá với các gia vị trước khi đưa lên bếp đun. Sau khi nồi cá sôi một thời gian nhất định sẽ được cho thêm thịt, bì để tạo độ keo. Phần bì này sau đó bỏ đi chứ không tính vào phần cá đem bán.

Cá đun khoảng 6 tiếng thì được đưa xuống "nghỉ ngơi" để miếng cá khô, chắc. Sang ngày thứ hai, cá đưa lên bếp kho thêm khoảng 3-4 tiếng. Nồi cá chuyển màu cánh gián đẹp mắt, tỏa hương thơm đặc trưng thì để nguội và mang ra quầy phục vụ khách hàng.

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 3

Hàng chục bếp lò liên tục hoạt động để kho cá (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Trong căn bếp được bà Trinh trực tiếp quản lý, hàng chục bếp than đỏ lửa 24/24. Các nhân viên luân phiên nhau làm cá, ướp cá, canh thời gian sôi, căn lửa, cho thêm than...

Cá được kho trong nồi gang. Mỗi nồi cá gồm 15kg cá tươi khi kho lên bán ra thành phẩm khoảng 10kg. Giá bán 250.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi nồi cá có giá 2-3 triệu đồng. 

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 4

Nồi cá kho thành phẩm đem bán cho khách hàng (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, chỉ trong vài giờ, khách tấp nập xếp hàng đứng mua cá, nhân viên phục vụ không ngơi tay, 3 nồi cá kho đã bán hết veo. Có khách mua 1-2kg về ăn Tết, có người đóng cả chục ki-lô-gam làm quà biếu Tết. 

Khách hàng yêu thích món cá kho của bà Trinh không chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp nơi trên cả nước. Những ngày cận Tết, nữ chủ quán tất bật chuẩn bị đóng gói hàng chuyển vào TPHCM hay gửi xe đến các tỉnh thành khác. Món ăn này cũng được nhiều người đưa ra nước ngoài sau mỗi chuyến về nước.

Huỳnh Anh Thư (quận 1, TPHCM) cho biết, cô được nhiều người giới thiệu về món cá kho chợ Hàng Bè nên khi tới Hà Nội công tác cô đã chọn mua 3 hộp cá cùng 50 chiếc nem đóng gói mang về ăn và làm quà. "Dù chưa được thưởng thức nhưng nhìn qua tôi thấy món ăn ngon, đẹp mắt, chế biến vệ sinh. Đứng một lúc thôi tôi thấy có rất đông người mua", Thư nói.

Theo nữ chủ quán, cá kho được khách mua quanh năm nhưng Tết là dịp quán bán được nhiều hàng hơn cả. Ngoài để bày trên mâm cỗ cúng, cá kho được mua nhiều dịp Tết là bởi dễ bảo quản, phù hợp thời tiết, hương vị đậm đà, đưa cơm. 

Sức mua giảm so với năm trước

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 5

Chợ Hàng Bè có đủ món cho mâm cỗ Tết (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Ngoài cá trắm kho, chợ Hàng Bè có nhiều món ăn truyền thống khác như gà luộc, chim câu rán, xôi, nem rán, cá nục kho, thịt kho dừa, sườn chua ngọt... Đây cũng là các món ăn được ưa chuộng dịp Tết. 

Ghi nhận tại chợ Hàng Bè dịp lễ ông Công, ông Táo, sức mua có giảm so với năm trước. Khách hàng không phải chờ đợi quá lâu tại các quầy hàng.

Chị Tố Lan, chủ cửa hàng bán gà luộc và xôi cho biết, lượng khách giảm 30-40% so với năm trước. Từ rằm tháng Chạp, khách bắt đầu rải rác đến hôm qua và hôm nay mới nhộn nhịp lên. Chợ đông nhất những ngày từ 26 tới 29 Tết tháng Chạp. Dịp này nhiều hàng sẽ bán xuyên đêm.

Để phục vụ nhu cầu dâng lễ dịp ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán, chủ cửa hàng gà Hoàng Dung đã huy động nhiều nhân viên dậy từ 2h mỗi ngày sơ chế gà, luộc gà, nấu xôi.

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 6

Gà luộc bày bán tại chợ Hàng Bè (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).

Mỗi khách đến quán của chị Dung thường mua 1 bộ lễ gồm gà luộc, xôi gấc hoặc xôi vò, có khách mua thêm chim câu. "Giá bán vẫn bình ổn. Gà luộc ngậm hoa hồng từ 400.000 đến 600.000 đồng/con, xôi từ 30.000 đến 50.000 đồng/đĩa", chị này nói.

Ngồi canh sạp hàng cùng mẹ ở số 12 phố Gia Ngư, anh Đào Anh Duy cho biết, chợ năm nay vắng hơn mọi năm. 

"Tết thường là dịp chợ nhộn nhịp hơn nhưng năm nay có phần ảm đạm. Gia đình tôi cũng phải nghe ngóng tình hình để nhập lượng hàng vừa đủ bán, đảm bảo nguyên liệu tươi ngon mỗi ngày. Như mọi năm, gia đình tôi bán khoảng 3-5 tấn rau củ dịp Tết. Năm nay không rõ thế nào", anh Duy nói.

Cá kho tiền triệu đắt khách lễ ông Công, ông Táo ở chợ nhà giàu Hà Nội - 7

Anh Duy lựa chọn nguyên liệu nấu canh bóng cho khách (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Giá mỗi bát canh bóng, canh măng tại chợ Hàng Bè có giá từ 80.000 đến 120.000 đồng với đầy đủ nguyên liệu từ rau củ, mọc, bóng, trứng cút...  

Chị Nguyễn Thúy Mai (nhà ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gần nhà chị cũng có một số khu chợ tuy nhiên chị vẫn duy trì thói quen đến chợ Hàng Bè mua sắm vì các món ăn tại chợ có hương vị thơm ngon, gợi nhớ truyền thống.

"Chợ này được gọi là chợ "nhà giàu" bởi giá cả cao hơn các khu chợ khác, chinh phục nhiều khách sành ăn. Những ngày cuối năm, chợ rất tấp nập, đông vui, mang đậm không khí ngày Tết. Tới chợ mua sắm, tôi cảm nhận thêm niềm vui ngày cuối năm", chị Mai nói.

Ra đời từ thời Pháp thuộc, Hàng Bè không phải khu chợ chính mà chỉ là tập hợp các hàng thực phẩm, đồ ăn chế biến sẵn nằm trên mấy đoạn phố cổ Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè và ngõ Trung Yên. 

Khu chợ này được mệnh danh là "chợ nhà giàu" vì phần lớn phục vụ cho nhu cầu mua bán của người dân phố cổ Hà Nội. Theo đó, giá thành các mặt hàng ở đây tương đối đắt đỏ, chênh hơn các khu chợ khác từ 10-20%, việc mua bán diễn ra theo thói quen không mặc cả. Dù vậy, đồ ăn ở đây được đánh giá "đắt xắt ra miếng" (xứng đáng với đồng tiền bỏ ra).