Nước sạch, lớp 10 công lập, và...
Sáng ngày ra xem chương trình truyền hình, tôi thấy cảnh một số nơi ở nước ta thiếu nước sạch, mới nhận ra mình sống ở thủ đô lâu nay dù thỉnh thoảng mất nước thì vẫn còn quá tốt. Nói là thỉnh thoảng nhưng có lẽ phải tính bằng vài năm một lần, mà mỗi lần cũng chỉ trong thời gian ngắn; dùng thì nhiều lúc quá lãng phí, trong khi hơi mất nước sạch sinh hoạt chút là đã kêu ca, phàn nàn…
Nhìn tivi đưa cảnh người dân không có nước sạch phải tìm mọi cách khắc phục như đào giếng, khoan giếng, mua hóa chất để làm sạch nước giếng khoan, tự bỏ tiền để làm đường ống để lấy nước sạch từ chỗ khác về, thồ nước, chở nước từ chỗ khác về hoặc có những nhà hảo tâm chở từng xe nước sạch đến cung cấp miễn phí cho người dân mới thấm thía nỗi khổ của người dân nơi không có nước sạch để sinh hoạt.
Những nơi thiếu hay nói chính xác hơn là không có nước sạch để dùng trước hết là vùng sâu, vùng xa. Nhưng ngay cả những nơi ở vùng đồng bằng, gần khu đô thị vẫn chưa có nước sạch thì cũng lại là sự lạ.
Các phóng sự trên truyền hình không bao giờ quên nêu những cố gắng của chính quyền địa phương có liên quan nhằm khắc phục tình trạng này. Chính quyền xã, huyện, tỉnh đều có liên quan. Rất nhiều cố gắng, rất nhiều chỉ đạo, rất nhiều kế hoạch… Cái khó đầu tiên vẫn là câu chuyện tài chính. Lấy tiền ở đâu để tạo nguồn nước sạch, xây bể chứa và đường dẫn về các hộ gia đình.
Những nỗ lực như vậy rất xứng đáng hoan nghênh, nhưng câu chuyện cần làm rõ hơn đầu tiên là chính quyền có trách nhiệm đến đâu trong cung cấp nước sạch cho người dân? Chừng nào chưa rõ câu trả lời thì chừng đó câu chuyện thiếu nước sạch cho dân sẽ không có câu trả lời triệt để, chưa đi đến tận cùng gốc rễ của vấn đề và đương nhiên chính quyền nào quan tâm thì vào cuộc, chính quyền nào đang bận quá, đang thiếu kinh phí quá thì cứ từ từ rồi sẽ giải quyết.
Tiếp cận vấn đề với tinh thần "của dân, do dân, vì dân" và dưới góc độ pháp lý, phải định rõ cung cấp nước sạch cho người dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương, thậm chí còn định rõ đây là trách nhiệm của chính quyền cấp huyện hay chính quyền cấp xã. Quy định rõ như vậy thì chính quyền địa phương mới ý thức được trách nhiệm của mình trong triển khai thực hiện, bắt đầu từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch cung cấp nước sạch trên địa bàn mình phụ trách và đương nhiên phải tính đến nguồn lực tài chính tương ứng.
Với một chế định pháp lý rõ ràng và cụ thể như vậy, hy vọng câu chuyện nước sạch cho người dân sẽ có lời giải căn cơ và cái cảnh năm nào cũng có phóng sự trên truyền hình về thiếu nước sạch đâu đó sẽ giảm dần theo năm tháng.
Đấy là câu chuyện nước sạch. Một vấn đề khác cũng liên quan chặt chẽ đến cuộc sống của đông đảo người dân là câu chuyện về lớp 10 công lập ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn. Mỗi năm cứ đến dịp tháng 5, tháng 6, chính quyền Hà Nội đều thông tin để người dân trên địa bàn biết tháng 9 tới các trường phổ thông trung học công lập của thành phố chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 60% số học sinh có nhu cầu vào học lớp 10. Điều đó có nghĩa là 40% số học sinh còn lại sẽ phải học tại các trường tư. Mà học trường tư thì chi phí khác hẳn trường công. Gánh nặng tài chính cho con học trường tư không phải gia đình nào cũng lo được.
Được biết, thành phố vẫn đã và đang xây thêm các trường trung học phổ thông công lập, nhưng nhìn chung do nhu cầu vào học lớp 10 khá lớn, nên khả năng của thành phố cũng chỉ đáp ứng được đến như vậy. Vấn đề này liệu có giống như câu chuyện nước sạch hay không? Trách nhiệm của chính quyền thành phố đến đâu? Quy định pháp lý đã thỏa đáng chưa? Một khi định rõ về mặt pháp lý trách nhiệm của chính quyền, người dân sẽ thấy ngay chính quyền hành động có đúng hay không, có tuân thủ hay không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Luật Giáo dục quy định nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở và nhà nước quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Như vậy, ở nước ta chưa thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông và điều đó nói một cách cụ thể có nghĩa là chính quyền thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước không có nghĩa vụ bảo đảm các điều kiện để đón 100% số học sinh muốn học lớp 10 công lập.
Tuy nhiên, cách thông tin, tiếp cận giải thích vấn đề cần được bảo đảm thực hiện sao cho xã hội hiểu đúng vấn đề. Đặc biệt là trên phương diện không có trách nhiệm không có nghĩa là buông bỏ, thế nào cũng được. Mà rõ ràng thực tiễn cho thấy chính quyền Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành vẫn đang cố gắng xây mới thêm trường trung học phổ thông công lập hàng năm nhằm khắc phục phần nào tình trạng thiếu chỗ cho học sinh lớp 10.
Từ câu chuyện nước sạch đến đầu vào lớp 10 công lập buộc xã hội, chính quyền và người dân cần suy nghĩ, thậm chí xem xét lại cách tiếp cận, cách giải quyết các vấn đề dân sinh dưới góc độ pháp lý.
Với điều kiện tiềm lực kinh tế, tài chính của ta còn ở mức độ thấp, có một thực tế là chính quyền địa phương không thể lo mọi thứ cho người dân, và cũng không nên quan niệm như vậy vì có những việc thị trường làm tốt hơn. Xã hội phát triển, nhu cầu người dân đa dạng hơn và đây là chỗ nên phát huy thế mạnh thị trường.
Nhưng với những dịch vụ cơ bản như nước sạch, giáo dục thì phải quy định trách nhiệm và chế tài rõ ràng. Hay nói cách khác là cần hết sức tránh tình trạng ban hành các quy định chung chung về trách nhiệm của chính quyền trên các nội dung cụ thể.
Đơn cử như có địa phương kêu thiếu đất xây trường học (cả công lập và trường tư) nhưng báo chí vào cuộc thì hóa ra "dư thừa" đất cho chung cư, biệt thự, trung tâm thương mại; thậm chí quy hoạch trường học, khu cây xanh vào đất nghĩa trang khiến việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Một mùa hè đang đến, và với những quy định pháp lý rõ ràng hơn, trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn, mong rằng câu chuyện nước sạch và lớp 10 công lập ở những nơi thiếu gay gắt sẽ dần hạ nhiệt.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!