Tâm điểm
Bích Diệp

Những cái "lắc đầu" và niềm tin trên thị trường chứng khoán

"Quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài), 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Tổng công ty và các đơn vị đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả đại dịch, từng bước tái cơ cấu nên cần thêm thời gian đối chiếu, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kế toán"...

Trên đây là một số lý do được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán HVN) đưa ra nhằm đề nghị cơ quan quản lý cho tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán năm 2022.

Đề nghị này của "ông lớn" ngành hàng không sau đó đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối. Theo Ủy ban, lý do Vietnam Airlines xin chậm công bố BCTC kiểm toán năm 2022 không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc các lý do bất khả kháng khác.

Những cái lắc đầu và niềm tin trên thị trường chứng khoán - 1

Nhiều doanh nghiệp lớn đang "nợ" cổ đông và nhà đầu tư báo cáo tài chính kiểm toán của năm 2022 (Hình minh họa: IT).

Vietnam Airlines không phải là trường hợp duy nhất chậm công bố BCTC kiểm toán năm và xin được gia hạn. Danh sách những đơn vị trễ hẹn với nhà đầu tư và cổ đông trong việc công bố thông tin BCTC kiểm toán lên tới hàng chục doanh nghiệp, bao gồm cả những cái tên đáng chú ý khác như Novaland (mã NVL), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), Đầu tư LDG (mã LDG), Tập đoàn Everland (mã EVG).

Loạt doanh nghiệp có lãnh đạo bị khởi tố và có biến động mạnh về nhân sự cấp cao như "họ" Louis, "họ" FLC… cũng bị nhắc nhở chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022.

Tương tự Vietnam Airlines, phần lớn doanh nghiệp đều có công văn "kêu than" với cơ quan quản lý để "xin" gia hạn. Tất nhiên, rất khó - nếu không muốn nói là sẽ không thể có ngoại lệ.

Nhiều cổ phiếu "họ" FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) do vi phạm quy định về chậm công bố thông tin (FLC, ROS, HAI), dù lãnh đạo các doanh nghiệp này liên tục gửi công văn trình bày cho rằng việc không tìm được công ty kiểm toán sau khi ông Trịnh Văn Quyết và nhiều các lãnh đạo cấp cao bị bắt là tình huống bất khả kháng.

Thực tế là trước khi bị đình chỉ giao dịch hay hủy niêm yết đối với một cổ phiếu nào đó, HoSE đều có công văn nhắc nhở để doanh nghiệp khắc phục. Do đó, nếu doanh nghiệp vì lý do này, lý do khác để lần lữa, xin khất mà không đưa ra được mốc thời gian cụ thể nào để cơ quan quản lý có cơ sở cho phép dời lịch công bố thì cái "gật đầu" gần như không thể xảy ra.

Bởi rằng, với những dữ liệu trong BCTC mà doanh nghiệp tự lập, bản thân các kiểm toán viên cũng bó tay hoặc gặp khó khăn trong việc phân tích, đưa ra ý kiến kiểm toán… vậy chẳng lẽ cổ đông, nhà đầu tư sẽ giao dịch cổ phiếu đó bằng niềm tin chăng?

Trở lại với trường hợp Vietnam Airlines, sở dĩ công chúng chú ý đến vấn đề chậm nộp báo cáo của doanh nghiệp này, bởi đây là "anh cả" trong lĩnh vực hàng không, là đơn vị cần phải nêu gương mẫu mực.

Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác.

Theo Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết trong các trường hợp gồm: lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Hồi tháng 2, HoSE từng cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines nếu tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Theo BCTC tự lập của công ty, trong năm 2022, Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng, sau khi đã lỗ lần lượt hơn 10.900 tỷ và hơn 12.900 tỷ đồng ở 2 năm liền trước đó. Tính đến 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm xấp xỉ 10.200 tỷ đồng.

Như vậy, nguy cơ hủy niêm yết với cổ phiếu HVN là hiện hữu. Không rõ tới đây có nội dung gì đặc biệt tại BCTC năm 2022 đã được kiểm toán của Vietnam Airlines hay không, mong rằng việc xin gia hạn thời gian nộp BCTC kiểm toán không chỉ là nước đi kéo dài thời gian(?).

Trong quá trình làm tin doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tôi thường nhận được mối băn khoăn của các độc giả rằng, nếu một doanh nghiệp bị hủy niêm yết trên HoSE thì nhà đầu tư có mất trắng hay không? Thực tế là, các doanh nghiệp khi rời sàn HoSE sẽ giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM (thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty chưa niêm yết) và cổ đông vẫn chuyển nhượng cổ phiếu bình thường.

Thậm chí, từng có những đơn vị tự nguyện xin hủy niêm yết để "xuống" UPCoM. Lúc này sẽ có 3 khả năng: Một là, doanh nghiệp sẽ nỗ lực khắc phục vấn đề để quay trở lại niêm yết; hai là, duy trì giao dịch trên UPCoM; ba là, tiếp tục vi phạm và bị hủy tư cách công ty đại chúng. Ở trường hợp thứ ba nhà đầu tư chịu rủi ro lớn bởi việc bán ra cổ phần trên thị trường phi tập trung (OTC) sẽ khó khăn; hoặc trường hợp xấu nhất là doanh nghiệp phá sản, lúc này xác định mất tiền!

Tôi không mong muốn bất cứ cổ phiếu nào bị "đuổi" khỏi HoSE (hay là HNX - Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội), nhưng với những doanh nghiệp không đủ chuẩn đương nhiên phải được phân loại sang một nhóm khác, giao dịch ở một môi trường khác và dành cho phân khúc nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, chứ không thể chấp nhận sự tồn tại của những khái niệm "cổ phiếu rác" hay "hàng móc cống". Đầu tư chứng khoán không nên coi là "đánh bạc", nhất là khi định vị của HoSE là sàn giao dịch "hàng hóa chất lượng cao".

Hoạt động giám sát, xử phạt phải công bằng, không ưu ái, thiên vị, có như vậy, HoSE mới lấy lại và củng cố được niềm tin của nhà đầu tư. Tới lúc đó hẵng bàn đến nâng hạng thị trường.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!