Nhân ngày kiến trúc nói về nhà ở thôn quê
27/4 hàng năm là ngày Kiến trúc Việt Nam. Đây cũng là ngày thành lập Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, gắn với kỷ niệm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đoàn Kiến trúc sư nhân hội nghị họp tại Chiến khu Việt Bắc (27/4/1948).
Trong ngày vui này mà nói đến việc chưa làm được, tựa như một "món nợ" của giới KTS - theo góc nhìn cá nhân tôi - thì e hơi bất nhã. Nhưng với tinh thần nghĩ sao nói vậy, tôi xin nói về vấn đề nhà ở thôn quê.
Trở lại với bối cảnh năm 1948, là một trong những người Việt Nam hiếm hoi từ đầu thế kỷ trước dịch chuyển rất nhiều nơi trong nước và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận với rất nhiều nền kiến trúc đa dạng và đỉnh cao nên ý thức được trong số các vấn đề đặt ra từ nhu cầu phát triển đất nước, không thể không quan tâm đến không gian sống, trong đó có ngôi nhà của người dân và vai trò của kiến trúc sư.
Đoàn kiến trúc sư theo Cụ Hồ đi kháng chiến và tổ chức hội nghề khi đó mới có 8 người, đều được đào tạo trong nhà trường của Pháp nên năng lực liên quan đến kiến trúc đô thị đã thành thục, song e rằng có thể chưa quan tâm đủ nhiều đến một đối tượng xã hội đông đảo, cũng là một không gian sống rất rộng lớn là thôn quê và người nông dân…
Vì vậy, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng đề cập đến những vấn đề cơ bản và có giá trị lâu dài : 1. Ở (cũng như đi lại, ăn và mặc) là một việc "rất quan hệ" (được hiểu là quan trọng); 2. Mong Hội nghị (tức là giới KTS) đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai…". 3. Bức thư kết thúc bằng sự bày tỏ "Tôi mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới VẤN ĐỀ NHÀ Ở THÔN QUÊ, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền".
Chiến tranh không chỉ tàn phá các đô thị (trong đó có cả chủ trương tự tiêu thổ để kháng chiến) mà cả nông thôn - khu vực đã nghèo lại càng kiệt quệ, đã chịu đựng bom đạn, càn quét lại còn thường xuyên gặp bão lũ… Chiến tranh cũng cho thấy người nông dân đóng góp và hy sinh mất mát nhiều nhất nhưng thường dễ bị bỏ quên.
Không quên điều mình đã viết trong bức thư gửi Đoàn kiến trúc sư, nên mới hòa bình chưa được bao lâu, khi đất nước còn bị chia cắt, vào tháng 5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết nhắc nhở "Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà". Rồi trong nhiều bài tiếp theo, Cụ Hồ đưa ra những bài tính rất cụ thể, như nếu 14 triệu dân miền Bắc trong 5 năm mỗi người, mỗi nhà trồng mấy cây xoan, lại thêm một bụi tre… thì có thể đáp ứng căn bản vật liệu cho người nông dân làm lại hay sửa sang ngôi nhà của mình v.v…
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến khái niệm "Nông thôn mới" với nội hàm rõ ràng "việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở (của người nông dân) cho đàng hoàng".
Đã 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đoàn kiến trúc sư, chúng ta nói rất nhiều đến các đô thị đã và đang phát triển mạnh mẽ, đưa ra rất nhiều các thiết kế, giải thưởng được cho là thành công với các công trình hoành tráng ở đô thị hay khu công nghiệp... Chúng ta cũng nói đến một vài công trình "dính" đến nông thôn như trường học, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng…, nhưng tôi chưa thấy nói đến những mẫu nhà cho số đông người dân ở nông thôn, cho cả người nghèo và người khá giả hơn (trong đó có cả miền núi hay vùng sâu vùng xa) tương xứng với tầm mức như nội dung bức thư đã nhắc nhở và gửi gắm.
Điều trông thấy và phổ biến là số đông không gian rộng lớn ở nông thôn đang bị cơn lốc đô thị hóa cuốn hút và người dân hoàn toàn tự phát trong việc xây dựng. Ở nông thôn ngày nay có những người giàu lên, nhưng cũng chính sự giàu có này đôi khi lại phá hủy cảnh quan của nông thôn bởi những "kiến trúc trọc phú" hay quá xa lạ với hồn cốt của làng quê phát triển lành mạnh.
Nông thôn mới chỉ quan tâm đến các công trình công cộng như "điện, đường, trường, trạm" (đương nhiên là những nhân tố tích cực) nhưng "cái nhà ở thôn quê" hình như chưa được giới chuyên môn quan tâm hỗ trợ cho người nông dân… được ứng dụng, lựa chọn những mẫu hình, thành tựu nghiên cứu gắn với công việc quy hoạch và quản lý để ngôi "nhà ở thôn quê" giữ được hồn cốt truyền thống mà vẫn hiện đại, tiện nghi.
Về hiện trạng kiến trúc nông thôn, chắc chắn giới KTS còn am hiểu hơn tôi nhiều. Đành rằng làm việc này không chỉ là công việc của giới KTS. Dù sao, tôi vẫn thấy một nông thôn rộng lớn đang biến đổi nhưng ít dấu ấn trí tuệ và bàn tay quan tâm của giới KTS tương xứng với thông điệp về vấn đề nhà ở thôn quê từ 75 năm trước.
Tác giả: Ông Dương Trung Quốc là nhà nghiên cứu sử học, đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa XI đến khóa XIV (20 năm).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!