Nghịch lý nhân viên y tế thu nhập thấp
Lâu nay người làm trong ngành y đã nhiều lần lên tiếng về mức thu nhập thấp nhưng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Mọi người không tin vào những tiếng kêu ca lương thấp trong ngành y, vì ngành y tồn tại những nghịch lý.
Tuy kêu như thế nhưng nếu đứng ngoài nhìn vào, người ta có cảm giác cỗ máy y tế vẫn chạy ổn. Kêu ca làm việc vất vả nặng nhọc lương thấp nhưng điểm tuyển sinh ngành y vẫn cao chót vót, học sinh vẫn tranh nhau vào học y. Nhân viên y tế vẫn mở cửa khám chữa bệnh đúng giờ, phòng mổ vẫn sáng đèn, dịch bệnh vẫn được ngăn ngừa, người bệnh vẫn được chữa khỏi bệnh. Nên có vẻ như xã hội đã dần quen với các loại kêu ca của nhân viên y tế, coi như đó là kiểu làm mình làm mẩy mà thôi, cứ xoa vuốt bằng mấy lời khen kiểu như "thiên thần áo trắng" là đâu lại vào đấy thôi.
Nhưng nếu lại gần một chút, ta sẽ hiểu tại sao tuy kêu như vậy, nhưng cỗ máy y tế vẫn hoạt động đều. Vì cái chính là đại đa số nhân viên y tế không thể bỏ nghề. Ngành y là một ngành đặc thù, đào tạo rất chuyên biệt, chỉ có thể làm việc trong môi trường bệnh viện, rời bệnh viện ra anh hầu như không làm được gì nữa.
Vì vậy, tuy có không hài lòng với thu nhập hoặc điều kiện làm việc, thì anh cũng chỉ biết kêu thôi, chứ không thể bỏ việc. Nếu anh bỏ việc, thì những kiến thức chuyên môn rất sâu kia của anh trở thành vô dụng, không thể dùng cho nghề nghiệp khác được. Còn nếu anh muốn bỏ nghề để học lại một nghề khác thì nhiều khi cũng đã muộn.
Vì thế tuy kêu ca về thu nhập hoặc điều kiện làm việc, thì nhân viên y tế hầu như không có chọn lựa nào khác, vẫn phải tiếp tục công việc cũ. Tuy nhiên cuộc sống luôn có những sự "tự điều chỉnh" để tồn tại. Đấy chính là môi trường sinh ra các tham nhũng trong ngành y, từ tham nhũng vặt như phong bì cảm ơn trước mổ, tiền lót tay để tiêm đỡ đau, những hoa hồng từ kê toa thuốc… đến những tham nhũng lớn hàng trăm tỷ sau này.
Năm 2000 khi niên giám y tế Việt Nam đưa ra con số 40% chi phí y tế ở Việt Nam là do người bệnh tự chi trả, nhiều người đã không tin. Nhưng là người làm trong ngành, tôi rất mừng vì lần đầu tiên đã lượng hóa được những cơ cực mà người bệnh chịu khi đi khám chữa bệnh. Tiền BHYT và các khoản chi của nhà nước cho y tế chỉ chiếm 60% chi phí y tế thôi, còn 40% còn lại là "dân nuôi". Nếu không có khoản 40% này, thì ngành y đã không hoạt động được. Điều này đã giải thích cho cái nghịch lý của ngành y mà ta đã nói ở trên.
Tuy nhiên, không một xã hội văn minh nào chấp nhận được những sự "tự điều chỉnh" ấy được. Những biện pháp "tự cứu lấy mình" đó ít nhiều vi phạm về đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật. Người làm trong ngành y tuy bằng cách này hay cách khác phải kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng trong thâm tâm họ luôn cắn rứt. Họ luôn mong muốn kiếm tiền bằng con đường hợp pháp, chính đáng.
Y tế tư nhân là một lối thoát như thế. Bệnh viện tư được tự chủ về kinh tế, sẽ thu đúng thu đủ mọi chi phí, sẽ có điều kiện trả thu nhập cho nhân viên y tế xứng đáng với công sức lao động. Ta thấy mức lương của bệnh viện tư trả cho nhân viên y tế thường cao gấp 2 đến 3 lần bệnh viện công. Từ đó những năm gần đây có một làn sóng y bác sĩ dịch chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Thống kê năm 2022 ở các tỉnh phía Nam đã có gần 10 nghìn người từ y tế công lập chuyển sang làm y tế tư nhân, và những năm tiếp theo sự dịch chuyển này vẫn tiếp tục.
Có lẽ những cuộc "bỏ phiếu bằng chân" này đã làm những nhà quản lý và một phần xã hội thức tỉnh. Rõ ràng là có những bất hợp lý trong thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế. Nhưng tăng lương cho ngành y thì rất phức tạp, vì mối liên hệ với các ngành nghề khác. Ai cũng là quan trọng với xã hội cả, tăng lương cho ngành y sao không tăng cho ngành khác. Nên mới đây Bộ Y tế mới đưa ra dự thảo về tăng các loại tiền phụ cấp trong ngành y.
Đọc bản dự thảo này, tôi tin là rất nhiều người trong xã hội mới lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những bất hợp lý về thu nhập của nhân viên y tế. Ví dụ: tiền phụ cấp một đêm trực ở bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương là 115.000 đồng, tuyến dưới còn thấp hơn, bệnh viện huyện là 65.000 đồng, trạm y tế xã là 25.000 đồng. Số tiền 115.000 đồng trả cho một đêm trực vất vả ở tuyến TW, quả thật là quá bất hợp lý.
Tôi biết trong các bệnh viện lớn có một thị trường ngầm trực thuê, những bác sĩ trẻ chưa có gia đình thường nhận trực "giúp" cho đàn anh với thù lao tiền triệu một đêm.
Tiền bồi dưỡng phẫu thuật thủ thuật cũng là một ví dụ nữa. Tiền phụ cấp cho phẫu thuật viên chính của một ca mổ loại đặc biệt, theo quy định cũ là 280.000 đồng/ca. Một mức thù lao thật sự hài hước. Tất cả những ai có người nhà phải mổ thì đều biết những mức thù lao kia chỉ là tượng trưng, còn phong bì mà người nhà dấm dúi đưa cho kíp mổ chắc chắn cao hơn rất nhiều lần.
Chắc chúng ta đều tự hỏi, tại sao những quy định cách xa thực tế đến như vậy mà vẫn tồn tại được trong thời gian dài. Có lẽ có người cho rằng bác sĩ đã ăn lương để làm nhiệm vụ, nên phụ cấp kia chỉ là thêm thắt. Nhưng khi hỏi tiếp vậy mức lương của bác sĩ đã hợp lý chưa, thì không ai trả lời được. Chính vì những bất hợp lý trong trả thù lao nhân viên y tế chậm được giải quyết, để dân phải "nuôi", nên phát sinh ra rất nhiều bất cập trong hoạt động của ngành y.
Đề xuất tăng tiền phụ cấp trực, phẫu thuật, chống dịch của ngành y là những bước đi đầu tiên, tiến tới việc điều chỉnh mức thu nhập hợp lý cho nhân viên y tế. Ngay bây giờ, chúng ta cũng chưa biết liệu mức tăng gấp 3 lần của đề xuất lần này đã là hợp lý chưa. Nguồn chi trả cho mức tăng này lấy từ đâu? Do ngân sách nhà nước chi, hay BHYT chi, hay là do bệnh viện tự cân đối. Mức tăng này sẽ làm tăng viện phí lên bao nhiêu, có gây xáo trộn gì lớn cho ngân sách y tế hay không?
Tuy nhiên dù khó thì vẫn phải làm, vì chúng ta đã để những bất hợp lý kia tồn tại quá lâu rồi.
Thiết nghĩ việc tăng phụ cấp này nên nằm trong một tổng thể lớn hơn, đó là tính đúng tính đủ cho chi phí y tế. Loại bỏ hết chi phí ẩn trong y tế. Để người bệnh khi đến bệnh viện sẽ được biết thực chất tổng chi phí chữa bệnh là bao nhiêu, BHYT trả bao nhiêu, còn lại người bệnh phải tự trả là bao nhiêu.
Để người bệnh có thể chi trả một cách sòng phẳng, không còn mang ơn hay mắc nợ gì ai. Cũng như thế, nhân viên y tế muốn sống một cách chính đáng bằng nghề nghiệp, hết giờ là nghỉ ngơi tái tạo sức lao động hay học tập thêm nâng cao chuyên môn, không còn phải lo lắng chạy sô làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!