Tâm điểm
Trương Anh Ngọc

Năm mới, mở lòng

Vậy là chúng ta đã thực sự khép lại năm 2022 - một năm thật nhiều biến động, để đặt chân sang ngày đầu tiên của năm mới 2023.

Năm qua là năm bận rộn nhất của tôi sau quãng thời gian "chôn chân" vì đại dịch. Trở về từ chuyến tác nghiệp dài ở Qatar với lịch trình dày đặc, mỗi ngày chỉ ngủ 3 tiếng đồng hồ, với tôi, dẫu vất vả bao nhiêu chăng nữa cũng không sánh được niềm hạnh phúc tột cùng khi đã có thể trở lại với những giải đấu lớn.

Trước chuyến đi một tuần, tôi gặp chấn thương ở chân và bác sĩ cho biết, tôi phải chờ ít nhất 3 tuần mới bình phục trở lại. Vậy nhưng, tôi vẫn cố gắng sang Qatar và thật kỳ diệu thay, một ngày trước phiên khai mạc World Cup thì tôi tháo được băng. Đó quả là một phép màu, nhất là ở độ tuổi của tôi bây giờ! Tựa như khi chúng ta thực sự khao khát điều gì đó, quyết tâm thực hiện thì cả vũ trụ sẽ giúp đỡ ta vậy!

Năm mới, mở lòng - 1

Một tấm ảnh nhà báo Trương Anh Ngọc chụp ở Saudi Arabia vào tháng 12/2022 (Ảnh: TGCC).

Bốn năm là quãng thời gian quá dài với một người "xê dịch". Tôi đã làm tất cả mọi thứ để có thể lên đường. Tôi cảm thấy nhớ những chuyến đi và nhớ thế giới ngoài kia vô cùng. Chính bởi vậy, dù trở về từ kỳ tác nghiệp trong trạng thái gần như kiệt sức, tôi vẫn cảm thấy rất vui và phấn chấn.

Đời phóng viên, tôi luôn có mặt ở trên đường, tưởng chừng như sống là để đi vậy. Tôi đi tác nghiệp ở hầu hết giải đấu lớn trên thế giới. Và nếu như năm vừa rồi tôi không thể tham gia World Cup, tôi nghĩ điều đó sẽ để lại hối hận rất lớn trong cuộc đời mình.

Tôi đã khép lại năm 2022 như thế, trọn vẹn nhất theo cách riêng của mình. Tôi đã được rong ruổi trên những nẻo đường World Cup và nay tôi lại tiếp tục hướng tới Euro 2024 rồi World Cup 2026 - khi đó tôi đã 50 tuổi! Tôi nghĩ, cuộc đời con người luôn có những mốc quan trọng và chúng ta sẽ luôn cần đặt ra cho mình những mục tiêu để phấn đấu.

Tôi không tham dự các giải đấu chỉ đơn thuần là vào sân để xem các trận đấu diễn ra thế nào trên tư cách một khán giả, mà những chuyến đi luôn kèm theo cơ hội trải nghiệm tuyệt vời, để thả mình vào văn hóa các địa phương, được tìm hiểu về những miền đất với những con người mới. Đấy là những hành trình khám phá lớn lao và vô tận. Những cuốn sách của tôi cũng ra đời qua những chuyến đi mải miết ấy. Tự sâu thẳm trong lòng mình, tôi luôn muốn để lại những giá trị lâu dài cho bạn đọc, muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ.

Mỗi một vùng đất ta đi qua đều có những đặc điểm riêng rất khác biệt. Tôi nhận ra, thế giới "hay ho" chính bởi luôn có "sự khác biệt" đó. Chẳng hạn như, Giáng Sinh ở Việt Nam sẽ khác với Giáng Sinh ở Ý, ở Pháp hay bất cứ nơi nào bởi những yếu tố về mặt địa lý, văn hóa, con người. Chính vì vậy, tôi luôn hòa nhập vào những nền văn hóa mới mỗi khi tôi đặt chân đến, không so sánh hơn - kém giữa nơi này, nơi kia. Cũng là một món ăn nhưng ở Việt Nam sẽ khác, không giống như ở Đức, ở Pháp, ở Ý hay bất kỳ đâu… mỗi nơi đều sẽ mang tới một trải nghiệm nhất định, vấn đề là bản thân ta có cảm nhận được cái hay cái đẹp ở từng nơi ta đến hay không.

Sự thú vị trong cuộc đời người làm báo như tôi thấy, chính là cảm nhận được "cái ngon", cái độc và lạ ở tất cả mọi miền đất trên Tổ Quốc mình và trên các đất nước từng qua.

Ngoại trừ thời gian phong tỏa do đại dịch Covid-19, trong suốt mười năm qua, tôi thường đón Tết xa nhà. Nếu ở nhà, chúng ta có điều kiện gần gũi  gia đình, người thân thì khi đến một nơi khác, ta lại hòa mình vào không khí đón năm mới của con người nơi đó. Mỗi một trải nghiệm đều đáng quý. Và dù đón Tết ở đâu, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng hãy nên làm mới cảm xúc của mình để luôn thấy sự mới mẻ trong những điều thân thuộc.

Tôi còn nhớ, hồi cuối 2015 đầu 2016, gia đình chúng tôi chạy xe gần 8.000km từ Ý, đi qua hàng loạt nước Nam Âu rồi đón giao thừa ở Sofia - Thủ đô Bulgaria trong cái rét âm 11 độ C. Lạnh run lập cập, đến nỗi mà tôi đã phải nói rất nhiều lần mới xong một câu khi làm bản tin ghi lại không khí đón Tết tại quảng trường trung tâm Sofia để gửi về nước. Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc ấy, chúng tôi đón Tết trong một quán ăn giản dị, âm nhạc nhẹ nhàng, bầu không khí rộn ràng, náo nức.

Lại có những năm công tác ở Ý, tôi thường lên ngọn đồi cao nhất ở thủ đô Roma để đón giao thừa. Hàng nghìn người tập trung xem bắn pháo hoa trong cái rét cắt da cắt thịt. Đúng thời khắc 0h, mọi người cùng cầu nguyện cho năm mới bình an, hạnh phúc… Người Ý có câu "Natale con i tuoi, Capodanno con chi vuoi" (Giáng sinh với người thân, Giao thừa năm mới với người bạn muốn). Tôi đã ở đó, Roma, trái tim của thế giới Công giáo. Giáng sinh không phải là những gì ầm ĩ và người người đổ ra đường. Giáng sinh là ở bên gia đình, là đoàn tụ, là ăn với nhau bữa tối, tặng nhau những món quà dưới cây thông Noel và rồi sáng hôm sau, cùng nhau đi lễ. Giáo hoàng sẽ đứng trên ban công của ngài và nói với hàng vạn giáo dân đứng dưới quảng trường San Pietro bản thông điệp "Orbi et Urbi" (gửi đến toàn Roma và thế giới) nhân dịp trọng đại này.

Đến Tết Âm lịch, thời khắc Việt Nam đón giao thừa thì ở Ý mới 6 giờ chiều, xung quanh bức tường sứ quán, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, nhưng trong sân sứ quán bật VTV4, chúng tôi nghe Chủ tịch nước chúc Tết, ngài Đại sứ châm pháo chúc mừng, mọi người cùng gọi về nhà cho người thân, cảm giác bồi hồi biết bao. Lại có những năm vợ chồng, con cái ở xa không có điều kiện cùng nhau đón Giao thừa, vào giờ khắc thiêng liêng, tất cả những thành viên trong gia đình đều kết nối với nhau qua điện thoại.

Với tôi, sự gần gũi với gia đình, với quê hương bản quán không nhất thiết phải "có mặt". Có thể chúng ta cách nhau nhiều múi giờ, xa nhau vạn dặm song vẫn nhớ về nhau, đấy cũng đã là sum họp. Dù ở xa hay ở gần, ý nghĩa sum họp trong ngày Tết là khi khoảng cách về không gian và thời gian được xóa nhòa, tình cảm yêu thương sẽ khiến ta tìm mọi cách để kết nối với nhau.

Hôm qua, trong ngày cuối năm, tôi ngồi trên căn gác, bật một bản ballad mà Barry Manilow đã hát cách đây gần nửa thế kỷ. Đó là một bản nhạc sâu lắng, với những tâm tình dành cho người mình yêu thương đúng vào lúc giao thừa. Trong những tâm sự ấy có những khắc khoải vào tương lai, có những nỗi buồn và bất trắc của hiện tại.

Trong "It's Just Another New Year's Eve" (Cũng chỉ là một đêm giao thừa nữa thôi), Manilow hát cho người mà ông yêu, người có lẽ đang buồn khi năm sắp hết: "Đừng buồn như vậy, chuyện không đến nỗi tệ, em biết mà/Đây cũng chỉ là một đêm như mọi đêm, chỉ vậy thôi mà". Ông an ủi: "Chúng ta đã đang và sẽ vượt qua tất cả/Chúng ta mắc những lỗi lầm, nhưng chúng ta cũng gặp những người bạn tốt". Với một cái nhìn đầy hy vọng, ông hát: "Đêm nay là một cơ hội khác để chúng ta bắt đầu lại từ đầu". Bài hát kết thúc bằng câu đầy hy vọng "Khi chúng ta đi qua nốt năm mới này, em sẽ thấy mọi chuyện đều tốt đẹp".

Với một năm đặc biệt như 2022 khi thế giới trở lại với "bình thường cũ", chúng ta mới càng trân trọng hơn những ngày đang sống. Với một nhà báo, không gì hạnh phúc hơn khi lại được đi, được bay, được trải nghiệm cuộc sống ở khắp mọi nơi. Tôi mong mọi người thực sự sống cởi mở, bao dung và yêu thương nhau nhiều hơn nữa, hãy gác lại những định kiến - bởi định kiến và phán xét theo thói quen sẽ giết chết khả năng sáng tạo cũng như ngăn cản chúng ta tiếp nhận cái mới, chấp nhận sự khác biệt.

Cùng mở lòng mình để đón chào 2023 - một năm mới với thật nhiều tình yêu, an vui, hạnh phúc, và để giờ này vào năm tới, khi nhìn lại ta sẽ lại nở nụ cười!

Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!