Mất khách vì "chặt chém"?
Vào mùa du lịch, trên báo chí thường phản ánh tình trạng "chặt chém" du khách ở nơi này, nơi khác; mới nhất là tranh cãi xung quanh suất bún 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả ở Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Nâng tầm vấn đề, có bài viết trên một tờ báo cho rằng "chặt chém" là nguyên nhân Việt Nam bị mất hết khách du lịch cho Thái Lan, trong đó nhấn mạnh đến vấn nạn này ở Việt Nam đối nghịch với thái độ niềm nở, thân thiện của người Thái Lan với du khách.
Ý kiến trên có vẻ "gãi đúng chỗ ngứa" nên nhận được khá nhiều bình luận, với nhiều ý đồng tình. Tuy nhiên với tôi, nói Việt Nam làm du lịch kém Thái Lan, chất lượng dịch vụ du lịch thua Thái Lan thì đúng, nhưng nói vì Việt Nam "chặt chém" du khách nên bị mất khách thì có lẽ cần xem lại các nguyên nhân trên cơ sở khoa học và khảo sát kỹ lưỡng hơn.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình tôi có chuyến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ 6 ngày. Cả nhà đều có chung nhận xét là về dịch vụ du lịch, về "chặt chém" du khách thì chắc Việt Nam thua rất xa Thổ Nhĩ Kỳ.
Đi Grab ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thì gần như 100% lái xe đều mặc cả giá cao gấp 2,5 đến 3 lần giá Grab công bố trên hệ thống, nếu khách không đồng ý họ nhất định không đi. Còn taxi cũng thỏa thuận giá cao hơn nhiều lần giá trên đồng hồ xe, nếu nhất định chỉ trả tiền theo công tơ thì lái xe lắc đầu chạy thẳng (tại khu trung tâm phố cổ, vào giờ cao điểm).
Chúng tôi đến chợ mua sắm lớn nhất Istanbul định mua mấy tấm thảm Ba Tư thì bị vây không cho chạy thoát, chủ shop thấy mình chưa ưng mẫu mã ở đó liền dẫn đi hết shop này đến shop khác, gần như "không để khách hàng thoát". Cả nhà tôi phải dùng đủ mưu trí và kinh nghiệm mới thoát được ra khỏi chợ.
Đi tham quan các cung điện, bảo tàng, nhà thờ, hệ thống thoát nước ngầm của thành phố thì vé tham quan cũng 2 giá: giá cho du khách quốc tế luôn cao hơn du khách nội địa tối thiểu 2 lần.
Vâng, với trải nghiệm của gia đình tôi trong 6 ngày ở Istanbul thì về trình độ "chặt chém" du khách, Việt Nam chúng ta phải gọi Thổ Nhĩ Kỳ "bằng cụ, bằng kỵ".
Thế nhưng các bạn có biết không, số du khách quốc tế đến Thái Lan còn thua xa Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như trước đại dịch, năm 2019, số du khách quốc tế đến Thái Lan có 39,8 triệu người thì đến Thổ Nhĩ Kỳ lại lên đến 51,9 triệu. Năm 2022 Thái Lan rất nỗ lực cũng chỉ đón được có 11,15 triệu du khách quốc tế, còn Thổ Nhĩ Kỳ đón được những 44,6 triệu du khách quốc tế.
Còn với nhà tôi khi đặt câu hỏi "mình có quay lại Thổ Nhĩ Kỳ nữa không", cả nhà đều trả lời "chắc chắn là có".
Điều đó chứng tỏ rằng, vấn đề "chặt chém" du khách chỉ là nguyên nhân phụ để một du khách quốc tế quyết định có đến một quốc gia, một điểm du lịch hay không.
Tôi cho rằng đã gọi là du lịch thì vấn đề quan trọng nhất phải là sản phẩm du lịch. Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ đông du khách quốc tế vì Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều cái đáng để đến, đáng để xem, vì Thổ Nhĩ Kỳ chính là nơi giao thoa giữa Á và Âu, là nơi giao thoa của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc của 3 đế quốc hùng mạnh nhất thế giới cổ đại: Hy Lạp, La Mã và Ba Tư.
Ngay cả nhận định Việt Nam "chặt chém du khách" mà tác giả đề cập trong bài báo nêu trên cũng chỉ là nhận định chủ quan của du khách khi bị mua một chiếc bánh mỳ kẹp thịt ở phố cổ Hà Nội với giá 25.000 đồng. Hay như gần đây ồn ào về suất bún 35.000 đồng với 2 miếng chả. Câu hỏi đặt ra là có phải số đông du khách bị chặt chém như thế không? Chưa kể với du khách có kinh nghiệm thì họ thường đọc các hướng dẫn, các cảnh báo trước mỗi điểm đến để biết trước mà tránh.
Vậy làm cách nào để biết được du khách quốc tế đến Việt Nam và không đến Việt Nam vì những lý do gì? Cách làm khoa học nhất là làm khảo sát ngẫu nhiên theo mẫu đại diện, chứ không phải theo kiểu thầy bói xem voi "tôi nhận thấy thế", "bạn tôi người nước ngoài đi du lịch Việt Nam về nói thế", "một ông Tây hoặc bà Tây tôi gặp nói thế".
Tất nhiên tôi không bênh vực cho nạn chặt chém, nếu nó xảy ra ở đâu đó ngành du lịch và chính quyền địa phương rất nên chấn chỉnh ngay. Việc quan trọng hơn tôi muốn đề cập là ở Việt Nam đang thiếu cách làm khảo sát, thăm dò một cách khoa học về các vấn đề quan trọng liên quan đến định hướng, đến chính sách cho một ngành mà hay theo cảm tính như ví dụ về du lịch ở trên.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!