Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

"Lợi nhuận" nào cho người bán vé số dạo

Đi công tác ở Sóc Trăng, chiều cuối tuần tôi ngồi chờ đón xe về TPHCM thì một bà cụ đến mời mua vé số, "con mua cho bà cái vé số để bà có tiền mua cơm chiều". Bà cụ vẻ ngoài gầy gò khắc khổ, chắc cũng ngoài 70 tuổi. Tôi lựa mấy tờ vé số trả tiền rồi biếu thêm bà vài chục ngàn đồng nhưng bà từ chối. Bà nói "con mua vé cho bà là vui rồi".

Mấy tháng hè làm việc ở miền Tây, tôi quan sát thấy những người bán vé số dạo đều là những người nghèo, chiếm số lượng đáng kể là người già, người tàn tật… Họ thực sự là đối tượng yếu thế trong xã hội. Những ngày này, khi bọn trẻ được nghỉ học, nhiều phụ huynh tranh thủ cho con đi bán vé số để cải thiện thu nhập gia đình.

Những người yếu thế đó, những người già và trẻ em đó, là những người đứng sau thành tích kinh doanh của các công ty xổ số kiến thiết.

Lợi nhuận nào cho người bán vé số dạo  - 1

Một người bán vé số dạo (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Trong hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 130 (tổ chức ở thành phố Cần Thơ) ngày 24/7, các doanh nghiệp trong ngành đều phấn khởi báo cáo thành công của 6 tháng đầu năm, đồng thời đề xuất phát hành thêm vé số để phục vụ người mua. Tăng trưởng của ngành vé số là đặc biệt ấn tượng nếu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, doanh số phát hành xổ số truyền thống của các tỉnh khu vực miền Nam đạt 69.920 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022.

21 công ty Xổ số kiến thiết phía Nam báo lợi nhuận gần 8.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm và cho rằng lượng vé phát hành "hiện không đủ nhu cầu".

Ngành xổ số thành công ngoài mong đợi, trở thành điểm sáng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều lĩnh vực sa sút, số lượng người lao động thất nghiệp tăng do hàng loạt nhà máy bị cắt giảm đơn hàng.

Tôi không phủ nhận xổ số "ích nước lợi nhà". Nguồn thu được đầu tư vào y tế, giáo dục và góp phần giải quyết công ăn việc làm, an sinh cho một bộ phận người lao động, nhất là những người yếu thế. Nhưng không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới đã nhận xét rằng "xổ số là một loại thuế đánh vào người nghèo" khi quan sát hoạt động ngành xổ số ở nước họ.

Ở miền Tây nơi tôi đến công tác những tháng gần đây, người bán vé số dạo thường đi dọc các con phố, tìm đến các quán cà phê, quán nhậu (đa phần là quán nhậu bình dân) để mời khách. Thông thường họ không thể vào các nhà hàng sang trọng để bán vé số. Như vậy, đa số khách mua vé số là những người ở tầng lớp trung lưu hoặc thu nhập thấp. Và họ mua đều đặn. Chính thói quen mua vé số đều đặn này đã làm nên doanh thu và lợi nhuận của các công ty xổ số kiến thiết như đã nêu trên.

Trong khi đó, chúng ta đều biết tỷ lệ người trúng các giải thưởng vé số hàng ngày là rất ít trên số vé bán ra, trúng độc đắc lại càng ít. Tiền mua vé số có thể chỉ 10.000 đồng, 20.000 đồng, nhưng đó là số tiền một người có thể phải bỏ ra mỗi ngày, còn xác suất người đó trúng số thì rất thấp.

Như đã phân tích, người giàu thường ít mua vé số vì nhiều lý do, trong đó có lý do đơn giản là người bán vé số dạo khó tiếp cận họ. Tất nhiên ít không có nghĩa là không có, người giàu cũng mua vé số và mỗi lần họ mua nhiều tờ. Vấn đề là số tiền vài chục ngàn đồng hay thậm chí vài trăm ngàn đồng mua vé số không đáng kể so với thu nhập và tài sản của họ.

Còn với giới trung lưu hay người thu nhập thấp thì vấn đề lại khác. Giả sử một người thợ hồ với thu nhập 400.000 đồng mỗi ngày, họ mua một tờ vé số 10.000 thì nó đã chiếm 2,5% thu nhập hàng ngày của họ, hai tờ là 5%. Bài toán tài chính của việc đóng góp 2,5%, 5% thu nhập hàng ngày đều đặn trong một năm, 10 năm, 20 năm thì sẽ là con số không hề nhỏ so với tổng thu nhập của người thợ hồ đó.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều gia đình phải cắt giảm chi tiêu, nhưng theo thói quen mọi người thường nghĩ rằng chi mua vé số là số tiền nhỏ nên họ dễ dàng bỏ ra để trông đợi vào những điều kỳ diệu.

Chưa có số liệu thống kê để chứng minh sự liên hệ, nhưng dường như kinh tế càng khó khăn thì càng có nhiều người bán vé số và mua vé số hơn, khiến ngành xổ số "ăn nên làm ra" và đề xuất tăng số lượng vé phát hành để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên đây tôi nói về khách hàng của ngành vé số theo như tôi quan sát được. Với những người bán vé số thì đúng là công việc này mang lại thu nhập nuôi sống họ. Nhưng báo chí đã nói về áp lực với người bán vé số, không chỉ là sự nặng nhọc của việc đi bán dạo mỗi ngày dưới trời nắng nóng, mà còn là nguy cơ cắt giảm hoa hồng từ đại lý, nguy cơ bán không hết vé thì phải "ôm" luôn, rất khó khăn để hoàn trả lại mà có hoàn trả thì sẽ bị dọa không cho bán tiếp. Đây cũng chính là lý do nhiều người bán vé số dạo phải nài nỉ khách, thậm chí dùng các động tác, lời nói đánh vào lòng thương hại của khách để bán được vé số.

Thiết nghĩ ngành xổ số doanh thu, lợi nhuận lớn thì chế độ dành cho những người bán vé số phải được nâng lên. Một doanh nghiệp ngoài nhiệm vụ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận thì còn cần phải có trách nhiệm xã hội, xây dựng một môi trường nhân văn khiến khách hàng và người lao động gắn bó hơn. Doanh nghiệp nhà nước lại cần đòi hỏi cao hơn trách nhiệm này. Việc phân bổ lại một phần lợi nhuận để chăm sóc xây dựng mạng lưới cộng tác viên, giúp những đối tượng này có cuộc sống ổn định hơn, qua đó hình thành mạng lưới kinh doanh bền vững chính là mang lại lợi ích cao hơn cho doanh nghiệp.

Xuất phát từ trách nhiệm thì có nhiều cách để chăm lo cho đội ngũ bán vé số dạo lên đến nhiều nghìn người ở mỗi tỉnh, thành, bằng cách ký hợp đồng lao động hoặc hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn thương tật… Hay đơn giản hơn là thưởng cho những người bán vé số có doanh số cao những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giúp họ được chăm lo tốt hơn khi gặp rủi ro.

Hãy làm cho vé số trở thành nhân văn, chứ không chỉ có may rủi.

Tác giảÔng Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!