Lời cảnh báo từ trường hợp "tiến sĩ siêu lừa"
Tôi không cảm thấy ngạc nhiên, mà thấy hài hước, pha chút "thán phục" khi mới đây, một người bị phát hiện dùng bằng tiến sĩ giả để làm giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học, cả trường công và trường tư. Thậm chí, ông này còn suýt trở thành trưởng khoa của một trường Cao đẳng.
Cảm giác hài hước là bởi từ trước đến nay, không ít người dùng bằng giả bị phát hiện nhưng chủ yếu họ sử dụng để hợp lý hóa hồ sơ thi cử hoặc đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ nào đó trong cơ quan Nhà nước. Những trường hợp giả bằng cấp như vậy rất khó phát hiện bởi công việc hàng ngày không có nhiều cơ hội để bằng cấp giả bị phát hiện, trừ khi có thông tin phản ánh cùng bằng chứng thuyết phục.
Tuy nhiên, kê khai không trung thực về bằng cấp để đi dạy học lại là một hành động rất rủi ro. Bởi một lẽ đơn giản, hoạt động dạy học vốn yêu cầu chặt chẽ về bằng cấp, lại tương tác với rất nhiều người cho nên rất dễ phát lộ những lỗ hổng kiến thức, hoặc dễ bị phát hiện là người chưa trải qua chương trình đào tạo như đã kê khai. Khi bằng cấp giả bị phát hiện thì giảng viên/giáo viên sẽ phải chịu nhiều hậu quả nặng nề, cả về công việc cũng như danh dự, đạo đức, thậm chí kéo dài suốt cả cuộc đời.
Tôi thấy "thán phục" là bởi không hiểu vì sao một người chưa được đào tạo qua chương trình tiến sĩ lại có sự tự tin để không chỉ dám ứng tuyển làm giảng viên, mà còn dám đứng lớp suốt một thời gian tại nhiều trường khác nhau. Không rõ người này có kiến thức thực sự hay nhà trường tuyển dụng quá dễ dãi, quản lý lỏng lẻo, hay do chất lượng sinh viên thấp nên không phát hiện ra trong quá trình anh ta làm việc.
Vụ việc trước hết cho thấy sự gia tăng nhu cầu của các trường Cao đẳng, Đại học ở nước ta về đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Theo các tiêu chí hiện đại, tấm bằng tiến sĩ là điều kiện tối thiểu để cá nhân có thể thực hiện các hoạt động giảng dạy từ bậc học cử nhân trở lên. Có nhiều tiến sĩ trong lực lượng giảng viên sẽ là chỉ báo cho thấy phần nào chất lượng của chương trình đào tạo, cũng như uy tín của mỗi Khoa, Trường.
Để có được tấm bằng tiến sĩ thì cá nhân sẽ phải vượt qua nhiều thách thức về chuyên môn, tài chính, thời gian, cũng như sự ủng hộ của gia đình, cơ quan, đơn vị. Những rào cản sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều nếu cá nhân muốn đạt được trình độ tiến sĩ từ các ngành "hot" thuộc những trường nhóm đầu ở trong nước, hoặc các đại học nước ngoài, đặc biệt là bằng tiến sĩ từ khối các nước phương Tây và Mỹ.
Chính vì thế, cho đến nay, số lượng người có bằng tiến sĩ ở nước ta cũng chưa nhiều. Tính đến năm 2016, theo số liệu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), nước ta có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong đó, số tiến sĩ làm việc trong các trường Đại học, Cao đẳng chỉ khoảng 15.000 người, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cũng có nghĩa, hiện có tới gần 40% tiến sĩ đang làm cán bộ, công chức, chứ không phải giảng viên với hoạt động giảng dạy.
Thực tế nêu trên khiến nhu cầu giảng viên có bằng tiến sĩ ngày càng gia tăng trong tiến trình hiện đại hóa hệ thống giáo dục bậc cao ở nước ta. Nhu cầu này khiến tất cả những ai có bằng tiến sĩ đều có thể được tuyển dụng để trở thành giảng viên. Trong cơn "khát" tiến sĩ, khó tránh khỏi những tình huống tuyển dụng bất cẩn, trọng danh hơn trọng thực, cốt tuyển người có bằng cấp chứ chưa thực sự coi trọng năng lực.
Trên thực tế, không chỉ ở nước ta, sau khi có được tấm bằng tiến sĩ, rất nhiều người không gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu. Vì thế, họ có thể không đủ năng lực chuyên môn để thực hiện công tác đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, những người như vậy vẫn có thể được tuyển dụng cho các vị trí giảng viên vì những mối quan hệ cá nhân, hoặc để đáp ứng những quy định quản lý giáo dục, hoặc đơn giản là làm đẹp hình ảnh cho đơn vị, chứ chưa hẳn bảo đảm chất lượng đào tạo.
Vụ việc giảng viên có bằng tiến sĩ giả không chỉ cho thấy sự chưa cẩn trọng của các trường, mà còn bộc lộ nhiều bất cập nếu chỉ chú ý đến bằng cấp và các văn bản chứng thực khi tuyển dụng giảng viên. Trong điều kiện hiện nay, những tiến bộ về công nghệ khiến việc làm giả bằng cấp trở nên dễ dàng và tinh vi, khó phát hiện hơn. Chưa tính đến thực tế, cá nhân cũng có thể có được bằng cấp giả thông qua những cách thức không hợp pháp.
Một thực tế khác cũng tiềm ẩn nguy cơ là khi tuyển dụng giảng viên, các trường đều ưu tiên những người có bằng tiến sĩ từ các trường đại học quốc tế, hoặc những trường thuộc nhóm đầu ở trong nước. Bên cạnh những ưu điểm nhất định, nếu không cẩn trọng trong việc thẩm định năng lực thực sự, chính sách ưu tiên nêu trên cũng dễ để lọt những người có bằng tiến sĩ thật nhưng "học giả", được ưu ái chỉ bởi có được tấm bằng tiến sĩ từ trường top đầu hoặc từ nước ngoài.
Trường hợp tiến sĩ giả làm giảng viên đặt ra nhu cầu thẩm tra thận trọng hơn, tức là cơ quan tuyển dụng không nên quá tin vào những bằng cấp, chứng chỉ, văn bản công chứng mà ứng viên cung cấp. Đơn vị tuyển dụng cần xuất phát với giả định rằng trình độ có thể không tương xứng với bằng cấp. Từ đó, việc thẩm tra cần được thực hiện với nhiều kênh và nhiều biện pháp khác nhau.
Một biện pháp đơn giản nhất là nghiên cứu kỹ lý lịch khoa học của ứng viên. Nếu ứng viên cho vị trí giảng viên là người thực sự gắn bó với hoạt động chuyên môn thì sẽ cho thấy sự liền mạch về các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, công bố sản phẩm nghiên cứu… Ngược lại, sự không liền mạch về các hoạt động chuyên môn, phức tạp về nơi công tác, vị trí công tác… là những dấu hiệu cho thấy cần sự xác minh kỹ càng hơn về năng lực chuyên môn, cũng như kỹ năng và phương pháp giảng dạy.
Với những ứng viên tốt nghiệp từ nước ngoài trở về, bên cạnh bằng cấp, giấy chứng thực bằng cấp từ cơ quan kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lý lịch khoa học, thì cần đặc biệt coi trọng việc kiểm tra năng lực ngoại ngữ trong lĩnh vực chuyên môn của ứng viên. Thực tế cho thấy, ứng viên du học trở về có thể che giấu, thậm chí làm giả mọi thứ nhưng riêng ngoại ngữ chuyên ngành là thứ không thể làm giả. Sự thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành là một chỉ báo đáng tin cậy về ý thức, thái độ học tập cũng như năng lực chuyên môn, và triển vọng làm giảng viên của ứng viên.
Cụ thể, nhà trường có thể mời chuyên gia ngoại ngữ để thẩm định xem luận án do ứng viên tự viết hay đã thuê phiên dịch. Cùng với đó, Hội đồng tuyển dụng cũng có thể thực hiện phỏng vấn chuyên môn, yêu cầu ứng viên trình bày một vấn đề chuyên môn bằng ngoại ngữ mà họ đã học tập. Với những bài kiểm tra như vậy, kể cả người có bằng tiến sĩ thật nhưng "học giả" thì cũng dễ dàng bị phát hiện.
Sau khi tuyển dụng, danh sách giảng viên cùng lý lịch khoa học tóm tắt cần được công bố công khai trên website của nhà trường. Việc công bố công khai như vậy chính là một biện pháp khiến những người dùng bằng cấp giả dễ bị phát hiện nhất. Từ đó, các trường có thể loại bỏ hoàn toàn mọi cơ hội cho các ứng viên với ý định sử dụng bằng cấp giả.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!