Lãi suất "trên trời" và bẫy giàu nhanh
Thông tin bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam, bị nhà chức trách tạm giữ đang được bàn luận xôn xao trong cộng đồng các nhà đầu tư bất động sản nói chung và quan tâm đến hoạt động của công ty Nhật Nam nói riêng.
Bà Thúy bị tạm giữ để xác minh hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người này bị cho là đã đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty Bất động sản Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Thời gian qua, các thủ đoạn huy động vốn với lãi suất "trên trời" của Nhật Nam đã liên tục bị báo chí đề cập. Qua tìm hiểu của PV Dân trí thấy rằng, Công ty Nhật Nam chào mời nhà đầu tư tham gia chương trình góp vốn 12 tháng và quyền mua căn hộ tại dự án thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Để tham gia, nhà đầu tư phải góp vốn ở mức 1-10 tỷ đồng, được trả lãi 3%/tháng và có quyền chọn mua căn hộ dự án. Một phương án khác là nhà đầu tư đầu tư với số tiền từ 10 triệu đồng đến 25 tỷ đồng, nhận phân chia lợi nhuận hàng ngày trong 24 tháng.
Nhìn chung, với mức lợi nhuận lên tới 46-80%/năm của Bất động sản Nhật Nam, đây quả thực là con số vô cùng hấp dẫn. Giai đoạn 2019-2022, theo phản ánh của báo chí, Công ty Nhật Nam đưa ra mức lợi nhuận 34-46%/năm, thậm chí khuyến mãi tặng thêm vàng, đất đai. Tham gia 10 tỷ đồng thì nhận về khoảng 26 tỷ đồng trong khoảng 29 tháng.
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng thời kỳ đỉnh cao cũng chỉ hơn 10%/năm hoặc lãi từ kinh doanh chứng khoán với những nhà đầu tư trung hạn thì mức lợi nhuận 30% cũng là "cao thủ" rồi.
Nói chung là… choáng!
Hời vậy nên nhiều người rỉ tai nhau đổ tiền vào kiếm lời. Ngờ đâu, sau một thời gian, phía Nhật Nam ngưng phân chia lợi nhuận, thất hứa trong việc trả tiền khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng.
Đầu tháng 8, hàng trăm nhà đầu tư kéo đến trụ sở của doanh nghiệp để đối chất, đòi lại tiền, nhưng thứ nhận lại chỉ là những lời cay đắng. Lúc này, trong thế "cầm dao đằng lưỡi", tiền đã trong túi của doanh nghiệp, nhiều người chua chát nhận ra những cam kết bằng miệng rằng "mất tiền tôi đền" được đưa ra trước đó hoàn toàn không có giá trị.
Sự việc nêu trên đang được cơ quan chức năng làm rõ và tin rằng sẽ sớm có thông tin với công luận. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất lúc này với rất nhiều nhà đầu tư là liệu rằng họ có đòi lại được tiền?
Nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ "tiền mất tật mang", còn người đứng ngoài quan sát chỉ biết lắc đầu cảm thán, thở dài với chính các nạn nhân về sự nhẹ dạ cả tin, bị "lòng tham" che mờ mắt. Doanh nghiệp trả lãi suất "trên trời" nhưng lại không có hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể gì, vậy phải đặt ngay nghi vấn chứ?
Giữa lúc kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn công bố báo cáo tài chính với tình trạng thua lỗ, sụt giảm lợi nhuận, nhiều doanh nhân lão làng phải thế chấp tài sản cá nhân để vay ngân hàng nhằm đưa doanh nghiệp "vượt bão", thì không hiểu bằng cách nào, hàng loạt thông tin dự án, kênh đầu tư với lợi nhuận "khủng" vẫn tràn lan trên các kênh mạng xã hội. Làm gì, kinh doanh gì mà có thể tạo ra được mức lợi nhuận cao hàng chục, hàng trăm phần trăm như vậy, nếu không là phi pháp, lừa đảo?
Khoảng một tháng trước, có người quen nhắn hỏi tôi trước khi "tất tay" vào một doanh nghiệp kinh doanh về "công nghệ bất động sản", tham vọng niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông. Tôi đề nghị được xem hồ sơ và báo cáo tài chính, sau đó nhờ một người bạn khác làm trong ngành kiểm toán phân tích số liệu. Báo cáo chỉ ra doanh nghiệp trên hoàn toàn là "tay không bắt giặc", rỗng tài sản và sản phẩm bán lòng vòng cho các bên liên quan.
Rất may là người quen đó đã phanh kịp thời ý định làm "nhà đầu tư thiên thần" cho những hứa hẹn trời ơi đất hỡi, đơn thuần là bánh vẽ. Thế nhưng, còn bao nhiêu người vẫn tin vào những chiêu trò của giới "doanh nhân online", "diễn giả online" để ủy quyền, giao tiền bạc cho người khác?
Với thủ đoạn "lấy mỡ nó rán nó", có thể giai đoạn đầu lãi vẫn được trả để lấy lòng tin nhằm lôi kéo thêm nhiều người thân, bạn bè của nạn nhân vào tròng, nhưng một khi dư địa khai thác đã hết, sẽ có vô vàn cách để câu giờ và quỵt tiền. Các vụ lôi kéo người dân tham gia phường hụi (đặc biệt nở rộ ở khu vực nông thôn) hay vay vốn đáo hạn ngân hàng, đầu tư kinh doanh đa cấp mô hình kim tự tháp (ponzi)… về cơ bản đều bằng một chiêu thức: Đánh vào lòng tham, tâm lý ham lãi cao, giàu nhanh của một bộ phận người dân.
"Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột", câu ngạn ngữ này hầu như ai trong chúng ta cũng đều biết tới, nhưng lại không tỉnh táo để nhận ra bản thân đã trở thành con mồi trước cái bẫy "siêu lợi nhuận" giăng sẵn, chực chờ khắp nơi.
Không có gì đáng chê trách với mong muốn làm giàu, nhưng khi ai đó chỉ cho chúng ta con đường "giàu nhanh" thì hãy chậm lại một chút để suy nghĩ, cân nhắc và cảnh giác!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!