Kiểm soát tài sản, thu nhập: Kê khai và công khai
Theo tin trên báo Dân trí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai vừa kỷ luật cách chức Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch vì một số lý do, trong đó có việc không trung thực trong kê khai tài sản. Vị Phó bí thư này cũng là chủ tịch huyện Nhơn Trạch và được cho từng bị lừa mất hơn 170 tỷ đồng.
Ngoài sự việc nêu trên, để có "bức tranh" tổng quan hơn về vấn đề kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập, chúng ta có thể nhìn vào các số liệu trong báo cáo của Chính phủ và của Ủy ban Tư pháp.
Theo đó, từ 1/10/2022 - 31/7/2023 đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; 44.015 người kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ.
Qua xác minh đối với 13.093 người, cơ quan chức năng xác định có 2.664 trường hợp vi phạm, sai sót (kê khai sai mẫu, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn…).
Đặc biệt, 54 người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực, gồm cả lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương. Điển hình là trường hợp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã bị cách hết chức vụ trong Đảng do giải trình nguồn gốc tài sản không trung thực.
Ủy ban Tư pháp ghi nhận công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã đạt những kết quả bước đầu. Dù vậy, việc này vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ quan thẩm tra dẫn chứng trong số 13.093 người được xác minh thì có 54 trường hợp bị kỷ luật; trong khi đó qua giám sát, dư luận và cử tri đều cho thấy tình trạng vi phạm kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều,
Trong kỳ báo cáo gần nhất của Thanh tra Chính phủ có 328.766 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; 8.574 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 6 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Số lượng vi phạm bị phát hiện nhiều, nhưng chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức triển khai. Các trường hợp kê khai không trung thực bị xử lý còn chưa tương xứng tình hình thực tế. Không ít các vụ việc xảy ra trên thực tế khiến chúng ta phải "giật mình" về khối tài sản khủng khiếp mà một số công chức lãnh đạo có được.
Qua các vụ việc đã được xét xử, số tiền hối lộ các quan chức nhận được từ vài trăm triệu đồng đến nhiều chục tỷ đồng mà chắc chắn số tiền này không được khai báo đầy đủ.
Chỉ cần nhắc lại vài điều như vậy để có thể cảm nhận rằng, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức và việc phát hiện và xử lý còn hết sức hạn chế. Câu hỏi đặt ra là vì sao việc kiểm soát tài sản thu nhập mặc dù được thực hiện nhiều năm qua, thậm chí được ghi nhận và nhấn mạnh trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước (1/4 số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 là quy định về kiểm soát tài sản thu nhập) nhưng kết quả còn chưa được như mong đợi. Có thể chỉ ra đây một số nguyên nhân chủ yếu sau đây
Một là, việc kê khai tài sản còn chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của người kê khai, chưa có đủ biện pháp để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai. Số lượng bản kê khai quá lớn đã vượt ra ngoài khả năng kiểm soát có hiệu quả. Cơ quan có trách nhiệm chủ yếu xem xét tính hợp thức của bản kê khai, tổng hợp, thống kê để báo cáo đầy đủ, đúng hạn mà chưa có khả năng xem xét, phát hiện những điều bất thường, mâu thuẫn trong từng bản kê khai từ đó xác định tính trung thực của việc kê khai.
Thứ hai, việc xác minh tính trung thực của việc kê khai là một biện pháp quan trọng của việc bảo đảm tính trung thực phải kê khai với những chế tài nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây là điều hết sức khó khăn do năng lực quản lý nói chung và quản lý tài sản nói riêng của các cơ quan nhà nước còn hạn chế.
Tài sản, thu nhập thông thường được thể hiện qua việc đăng ký tài sản, qua thuế thu nhập cá nhân, qua việc theo dõi các giao dịch có giá trị lớn… nhưng các công cụ này hiện nay còn nhiều hạn chế, khó có thể trông cậy vào đó để thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập cho có hiệu quả. Việc sử dụng tiền mặt còn quá phổ biến (những vụ hối lộ hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD bằng tiền mặt được thấy qua các vụ việc xét xử gần đây)
Thứ ba, theo quy định hiện hành thì chúng ta có đến hàng nghìn cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập được phân chia theo các đối tượng kê khai khác nhau. Nhưng ngay cả các cơ quan có thẩm quyền xác minh cũng còn hết sức lúng túng bởi đây là công việc chưa từng làm. Đó là chưa kể các cơ quan này còn rất nhiều nhiệm vụ chính trị, chuyên môn khác mà việc kiểm soát tài sản thu nhập đòi hỏi có nguồn lực về thời gian và con người không nhỏ.
Cho đến hiện nay cũng chưa có bất cứ một hướng dẫn chính thức nào về nghiệp vụ xác minh tài sản, thu nhập. Hệ quả là không ít cơ quan chỉ cố gắng thực hiện các trình tự, thủ tục được quy định cho đầy đủ mà thiếu đi năng lực cũng như điều kiện để đánh giá thực chất tính trung thực trong việc kê khai.
Thứ tư, sự vào cuộc của xã hội, của người dân chưa được phát huy. Sự "giàu lên nhanh chóng", sự gia tăng tài sản bất thường của một số công chức lãnh đạo, quản lý dễ dàng được phát hiện và phản ánh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu như người dân có thể tiếp cận với bản kê khai tài sản. Tuy nhiên cho đến nay việc công khai bản kê khai còn rất hạn hẹp, mang tính chất nội bộ, chưa công khai rộng rãi tại nơi cư trú và nơi làm việc, làm giảm hiệu quả của việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Thứ năm, đó là việc xử lý người không trung thực trong kê khai tài sản mới chỉ dừng lại ở các hình thức kỷ luật khác nhau về Đảng và chính quyền, nhưng điều quan trọng hơn là việc xử lý tài sản bị che giấu hoặc giải trình nguồn gốc không minh bạch, không thuyết phục thì vẫn còn là vấn đề gây tranh luận rất lớn. Người vi phạm có thể bị kỷ luật, mất chức nhưng vẫn có thể sống sung túc với khối tài sản "bất thường" đó. Đây chính là lý do của tình trạng khinh nhờn pháp luật cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Nguyên nhân nào, giải pháp đó. Đã đến lúc cần phải tổng kết toàn diện việc thực hiện các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của cuộc chiến chống tham nhũng.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ quyền hạn là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng cực kỳ quan trọng, cho phép phát hiện những biểu hiện không bình thường của sự gia tăng tài sản của các quan chức, đồng thời cũng tạo điều kiện để thực hiện các biện pháp ngăn chặn tẩu tán, hợp thức hóa tài sản bất minh nhằm bảo đảm việc thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả.
Những giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Xem xét đối tượng kê khai tài sản sao cho phù hợp để bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm; Sắp xếp lại và tăng cường năng lực của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; và đặc biệt là cần nghiên cứu để có thể tội phạm hóa hành vi làm giàu bất chính, một biện pháp được ghi nhận tại Điều 20 Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Cùng với đó là việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia, chú trong xây dựng các cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực và nghiên cứu về khả năng tiếp cận một cách có điều kiện của người dân đối với bản kê khai tài sản… sẽ góp phần quan trọng vào việc phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời các biểu hiện không trung thực của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!