Tâm điểm
Đặng Hùng Võ

"Không quản được thì cấm"

Vừa qua, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã đặt ra nhiều vấn đề lớn về thực hiện các chức năng của Quốc hội trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (sáng 21/10/2024). Dưới góc nhìn pháp luật gắn với cuộc sống, Tổng Bí Thư đã chỉ ra điểm nghẽn về thể chế là "điểm nghẽn của những điểm nghẽn" hiện nay. Tư duy không quản được thì "cấm" đã được đề cập và coi đây là một bất cập cần sớm khắc phục để tìm cách quản lý tốt những vấn đề được đặt ra trong thực tế cuộc sống.

Trong quá trình phát triển, nhiều dịch vụ mới, mối quan hệ mới, thể chế quản lý mới,... được đặt ra, ví dụ như dịch vụ đòi nợ thuê, vui chơi giải trí có thưởng trên mạng, kinh doanh điện tử, kinh doanh đa cấp, và quan trọng hơn nữa như "đổi đất lấy hạ tầng" nhằm phát triển hạ tầng nhờ quỹ đất, hay điều kiện đất đai và cơ chế giao đất để thực hiện các dự án nhà ở... Mỗi cơ chế mới đưa vào cuộc sống luôn gắn với những thảo luận sôi nổi giữa 2 nhóm: Một là cho phép nhưng quản thế nào; và hai là "cấm" cho an toàn công việc. Nhiều khi thảo luận cũng kết thúc ở dạng "bất phân thắng bại", hoặc không có quyết định gì để buông trôi, hoặc hãy "cấm cho lành".

Khoảng 15 năm trước đây, Chủ tịch Quốc hội đưa ra ý kiến "đẩy mạnh việc đưa pháp luật vào cuộc sống". Khi đó, tôi có bổ sung thêm rằng "muốn đưa được pháp luật vào cuộc sống, ta cần phải đưa cuộc sống vào pháp luật trước đã". Chủ tịch Quốc hội khi đó cũng đồng ý với tôi. Tôi cho rằng xây dựng pháp luật "trong phòng máy lạnh" thì khó thể hiện được cuộc sống rất đa dạng và luôn có nhiều yếu tố mới tích cực nảy sinh.

Không quản được thì cấm - 1

Ông Võ Quan Huy kiểm tra vườn chuối xuất khẩu (Ảnh: Nguyễn Cường).

Vài năm sau, anh Út Huy (Võ Quan Huy) tại Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An đã nhận chuyển nhượng khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp kéo dài từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Tây Nguyên để trồng chuối xuất khẩu; trong khi Luật Đất đai 2003 "cấm" nhận chuyển nhượng vượt quá gấp đôi hạn mức giao đất, rồi Luật Đất đai 2013 "cấm" nhận chuyển nhượng vượt quá gấp mười lần hạn mức giao đất. Diện tích 1.000 ha nhận chuyển nhượng của anh Út Huy vượt quá hạn mức do luật định rất nhiều lần. Lý do "cấm" nhận chuyển nhượng nhiều đất chỉ vì lo hình thành các địa chủ mới, trong khi chính sách phát triển nông nghiệp lâu nay vẫn là tổ chức nông nghiệp quy mô lớn.

Đáng ra, chúng ta không nên "cấm" nhận chuyển nhượng vượt hạn mức theo luật định, mà nên quản lý bằng hệ thống giám sát và đánh giá (Monitoring & Evaluation System) để biết được chủ đất sử dụng đất trực tiếp hay phát canh thu tô, sử dụng đất đạt hiệu quả thế nào. Khi đó, anh Út Huy có phát biểu rằng "các nhà làm luật đất đai hãy về làm nông dân trước rồi hãy ngồi viết luật", một câu nói khá sắc sảo để làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và cuộc sống. 

Vấn đề lớn hơn trong quản lý đất đai là cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" thông qua các dự án đầu tư đối tác công - tư ở dạng xây dựng - chuyển giao (BT): nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng và Nhà nước trả bằng đất. Cơ chế này được thực hiện thí điểm tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ 1992, sau đó mở rộng ra nhiều địa phương cấp tỉnh khác. Đến năm 2004, Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 có quy định tách cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" thành 2 phần riêng biệt: phần một là Nhà nước đấu giá đất để thu tiền và phần 2 là nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng rồi được trả bằng tiền.

Đến khoảng 2010, các hình thức đầu tư đối tác công - tư được Chính phủ khuyến khích áp dụng tại Việt Nam. Các nhà đầu tư tư nhân áp dụng hình thức BT như một cơ chế đầu tư mới, ngầm ý rằng BT không phải là "đổi đất lấy hạ tầng". Cơ chế này được áp dụng tại hầu hết các địa phương cấp tỉnh với rất nhiều lỗi trái pháp luật. Điều sai trái chính vẫn là định giá hạ tầng và định giá đất để trả cho công trình hạ tầng. Do sai sót quá nhiều trên thực tế triển khai, Quốc hội đã loại bỏ hình thức BT (hay "cấm" BT) khi thông qua Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư năm 2020.

Sự thực, hình thức đầu tư BT hay cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" là một yếu tố rất tích cực để phát triển hạ tầng khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Vấn đề cần làm là phải xác định rõ chất lượng hạ tầng để xác định giá trị hạ tầng, và xác định giá trị đất đai theo đúng mục đích sử dụng để trả cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Nhìn theo chiều sâu của vấn đề, ở đây cơ chế xác định giá trị hạ tầng và giá trị đất đai đang bị "bóp méo" để che mờ đi các hành vi tham nhũng. Cách giải quyết đúng đắn là tạo cơ chế thực hiện BT hợp lý gắn với giám sát quy trình định giá sao cho đẩy lùi được tham nhũng. Có thể áp dụng cơ chế giám sát của bên thứ ba độc lập dưới sự kiểm tra của một tổ chức thuộc Trung ương. Theo tôi, "cấm BT" không phải là lời giải đúng.

Ở Việt Nam hiện nay, thị trường đang tiếp thu nhiều loại công nghệ mới như "trí tuệ nhân tạo" (AI) và "Internet vạn vật" (IoT), từ đó tạo ra rất nhiều hình thức dịch vụ mới trên thị trường tài chính, thị trường công nghệ.

Về phía quản lý của Nhà nước, hạ tầng quản lý chưa thay đổi được bao nhiêu, làm cho quản lý trở nên bất cập. Thương mại điện tử, nhất là một số sàn thương mại điện tử nước ngoài, đã từng bước xâm chiếm thị trường, nhưng ta vẫn chưa có cách thức hợp lý để quản lý, nhất là để thu thuế hoạt động kinh doanh. Yêu cầu "chuyển đổi số" đã được xác định là cấp thiết nhưng vẫn chưa đảm bảo chức năng "quản lý số". Vì vậy, do hạ tầng quản lý chưa theo kịp hoạt động kinh doanh nên không quản lý được, và quyết định "cấm" lại có thể được xem như giải pháp.

"Cấm" những hình thức hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ làm cho phát triển kinh tế chậm lại và đất nước lạc hậu dần.  

Để phát triển hiệu quả, xu hướng của thế giới là "chuyển đổi số", "phát triển xanh" và "tham gia chuỗi giá trị toàn cầu". Cơ chế quản lý cũng phải theo 3 định hướng trên mà đổi mới. Muốn đổi mới quản lý để khỏi phải "cấm", chúng ta cần những cán bộ quản lý chất lượng cao, đủ năng lực nghĩ ra các giải pháp quản lý phù hợp. "Cấm" chỉ để áp dụng cho các hành vi trái đạo đức và tri thức kém chất lượng.

Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!