Tâm điểm
Bích Diệp

Khi số thu ngân sách vượt gần 20% dự toán

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tạm tính đến ngày 15/12, thu ngân sách nhà nước đã vượt 19,8% dự toán với con số 1,69 triệu tỷ đồng, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra hồi tháng 10, tháng 11. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Thoạt tiên, nếu chỉ thoáng qua, số liệu thống kê sẽ dễ gây bất ngờ. Nhiều người không khỏi băn khoăn, trong bối cảnh đi đâu cũng đều nghe doanh nghiệp kêu khó, vì sao thu ngân sách có thể đạt thành tích cao như vậy? Liệu có gì nhầm lẫn hay không?

Ở đây là số liệu so sánh với kế hoạch. Kế hoạch thu ngân sách nhà nước được công bố cho năm 2022 là 1,41 triệu tỷ đồng (theo Nghị quyết 34 của Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV). Việc xây dựng kế hoạch ngân sách trong bối cảnh kinh tế vẫn chịu nhiều thách thức do đại dịch Covid-19. Theo đó, con số thu vượt dự kiến đã cho thấy những thành công bước đầu trong công tác kiểm soát, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Đơn cử như trường hợp TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid, năm ngoái thậm chí tăng trưởng âm nhưng chỉ sau 10 tháng, thu ngân sách của TPHCM đã vượt dự toán.

Khi số thu ngân sách vượt gần 20% dự toán - 1

Thu ngân sách vượt dự toán gần 20% trong năm 2022 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Đáng mừng là một số địa phương khó khăn cũng cho thấy bước tiến khả quan về số liệu ngân sách. Chẳng hạn Bắc Kạn - tỉnh nằm trong số địa phương nghèo nhất nước - nhưng mới đây cũng báo cáo tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước hơn 6% trong năm 2022, thu ngân sách cao hơn kế hoạch đặt ra.

Lý giải về mức vượt thu ấn tượng trong năm nay, Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN đạt cao là nhờ kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến GDP năm 2022 tăng khoảng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách. Nói cách khác, cơ quan quản lý đã thể hiện khá rõ về quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu. Chỉ khi doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì mới có nguồn thu để nộp NSNN. Đây cũng là biện pháp lâu dài, bền vững trong vấn đề quản lý Nhà nước đối với đầu vào ngân sách.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 15/12 đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193.400 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số này bao gồm số tiền gia hạn khoảng 105.900 tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 76.330 tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 87.500 tỷ đồng.

Để có được kết quả tăng thu ngân sách cũng còn phải kể đến những lý do khác như thu từ dầu thô tăng (do giá dầu tăng), thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT nhập khẩu tăng (nhờ hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại, vượt xa dự toán), thu từ nhà đất và chuyển nhượng bất động sản ở mức cao.

Ngoài ra, không thể không kể đến nguyên nhân tăng thu nhờ tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử, dẫn đến giảm gian lận thuế, giảm trốn thuế và thất thu thuế; hay là tăng thu thuế từ hoạt động mua bán online.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến. Bước chuyển này rất quan trọng khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Tổng số thuế mà các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng, trong đó, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Cơ quan chức năng cũng cho biết, trong năm đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Hoạt động này là cần thiết nhằm đảm bảo sự công bằng và tính kỷ cương, tuân thủ luật pháp về thuế.

Mừng với kết quả đạt được năm nay, tuy nhiên với bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, biến động, đặc biệt là khi nền lãi suất đang ở mức cao, lạm phát ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu, theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 dự báo sẽ gặp không ít thách thức. Điều này càng đòi hỏi sự cảm thông, đồng hành của các cơ quan hữu quan với cộng đồng doanh nghiệp, có các chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có nguồn thu nộp NSNN.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát là cần thiết, song cũng cần có biện pháp để phòng ngừa vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân.

Tình hình thu ngân sách trong năm nay sẽ giúp Nhà nước có thêm nguồn lực nhằm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Thu tăng nhưng đồng thời phải chi trúng! Đây cũng là tiền đề để giúp cán cân ngân sách trong năm 2023 và các năm tới đạt được sự bền vững, lành mạnh.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!