Hà Nội đắt đỏ
Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng. Trước đó, các địa phương thuộc tốp đắt đỏ nhất năm 2022 là Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Như vậy, dù giá cả biến động hàng năm nhưng Hà Nội vẫn… vững vàng vị trí dẫn đầu cả nước về mức độ đắt đỏ, một "thành tích" mà không người dân nào sinh sống trên địa bàn mong đợi.
Quan sát dữ liệu cơ quan thống kê công bố thì so với các địa phương khác, những nhóm hàng hóa, dịch vụ mà người dân Thủ đô phải chi tiêu đắt đỏ hơn chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thông thường như may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa, giải trí, du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; y tế…
Thoáng qua cũng thấy sự đắt đỏ tại các nhóm hàng hóa, dịch vụ kể trên gần như bao phủ phần lớn hoạt động chi tiêu của người dân trong đời sống thường nhật.
Với 8,5 triệu người đang học tập, mưu sinh, Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mật độ dân số tại đây là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
Đô thị càng đông dân, nhu cầu tiêu dùng càng cao thì giá càng tăng, liệu có phải là điều đương nhiên mà ai cũng đều phải chấp nhận?
Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong tháng 3 (tháng sau Tết Nguyên đán), giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, qua đó giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của cả nước giảm 0,23% so với tháng trước và tăng 3,97% so với cùng kỳ. Vậy nhưng, biên độ giảm CPI của hàng hóa trên địa bàn Hà Nội lại thấp hơn so với mặt bằng cả nước, chỉ giảm 0,14% so với tháng 2 và tăng tới 5,36% so với cùng kỳ.
Giá cả Hà Nội cao hơn TPHCM và các đô thị lớn khác trong nước, thậm chí nhiều người sinh sống hoặc du lịch ở nước ngoài cũng có trải nghiệm tương tự về chi phí sống tại Hà Nội.
Chẳng hạn, một người bạn tôi trong chuyến công tác Bắc Kinh (Trung Quốc) đã cảm thấy rất bất ngờ khi di chuyển quãng đường 63km bằng tàu điện ngầm và tàu hỏa nhưng chỉ hết 12 nhân dân tệ, tương đương với 48.000 đồng; tiền taxi cho 16km đặt qua ứng dụng chỉ khoảng 37 nhân dân tệ (tương đương với 120.000 đồng).
Nếu đặt trong tương quan với thu nhập, nhiều người cũng cho cảm nhận rằng, giá cả của các mặt hàng ăn uống bên ngoài và chi phí đi lại tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tương đối đắt đỏ so với các nước phát triển hơn. Ví dụ điển hình nhất chính là việc các lao động đi làm việc ở nước ngoài, với cơ hội việc làm dễ dàng hơn và thu nhập cao hơn, họ vẫn có thể dành ra một khoản tiết kiệm đáng kể gửi về nước để làm vốn liếng về sau.
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của Hà Nội là 151 triệu đồng (tương đương với khoảng 12,6 triệu đồng/tháng), nhưng nhiều gia đình khi liệt kê chi phí hàng tháng cho 4 người (vợ chồng và 2 con), thì để "sống được" với mức thu nhập 30 triệu đồng cũng phải rất chật vật. Đặc biệt là, giá chung cư không ngừng leo thang khiến chi phí nhà ở (tiền thuê/mua trả góp) trở thành gánh nặng lớn bên cạnh loạt chi phí khác như tiền học thêm cho con cái, chi phí cho y tế v.v.
Có không ít gia đình ở Thủ đô đã phải dùng đến kế sách "nhờ viện trợ" từ quê lên thành phố. Cứ dăm bữa nửa tháng tủ lạnh lại chất đầy đồ quê, nào rau củ đến thịt cá, hải sản. Bên cạnh yếu tố "sạch" thì một lý do quan trọng khác chính là giảm được chi phí đắt đỏ khi mua ở chợ.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7%; thu nhập bình quân đầu người 160-162 triệu đồng. Dẫu vậy, câu chuyện giá tăng khi thu nhập tăng là bài toán muôn thuở, và liệu bao nhiêu gia đình sẽ có thể tăng được tỷ lệ tiết kiệm nhờ thu nhập tăng?
Lý giải cho tính chất đắt đỏ của cuộc sống đô thị, mà ở đây là Hà Nội, có lẽ nguyên nhân chính là từ định giá bất động sản đang ở mức cao dẫn đến chi phí thuê mặt bằng cao, gián tiếp đẩy giá hàng hóa. Giá nhà ở vượt quá xa thu nhập của người dân trong khi chi phí nhà ở đang chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí sống.
Nghiên cứu của Savills Việt Nam chỉ ra, so với năm 2019 thì mức tăng trưởng trung bình thu nhập bình quân năm 2023 của người dân Hà Nội là 6%/năm trong khi mức tăng giá căn hộ từ năm 2019 đến 2023 trên địa bàn là 13%/năm. Để hạ giá nhà ở và giá bất động sản cho thuê là câu chuyện đã được nhiều chuyên gia góp ý, kiến nghị, mà mấu chốt là tăng cung ứng nguồn nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, để giảm giá cả buộc phải có phương án đầu tư, hỗ trợ cho logistics nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, khắc phục được những bất cập trong hệ thống phân phối; có biện pháp để điều hành giá phù hợp để bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng do nhà nước quản lý giá, tránh tình trạng "té nước theo mưa" ở mỗi kỳ điều chỉnh lương.
Chiều ngược lại, để có nguồn chi thì thu nhập người lao động cần được đảm bảo. Không chỉ là tăng lương trong hệ thống Nhà nước, mà bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp phải "sống" và phát triển thì mới có nguồn trả lương chi thưởng, mang lại thu nhập cho người lao động. Như vậy, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh buôn bán nói cho cùng cũng là bớt áp lực cho túi tiền dân.
Sự đắt đỏ còn cần phải đi cùng với chất lượng sống, hay nói cách khác, khi người dân phải chi trả nhiều hơn, họ có quyền nhận được phúc lợi tốt về giáo dục y tế, hưởng thụ sự hiện đại của hạ tầng đô thị. Chứ không phải là một cuộc sống gánh nặng cơm áo gạo tiền nhưng vẫn ngột ngạt, xô bồ, ô nhiễm.
Tại một số quốc gia phát triển, người dân thậm chí không nhất thiết phải tiết kiệm, tích lũy dự phòng do tiền thuế được sử dụng một cách hiệu quả phục vụ trở lại lợi ích cộng đồng, nền giáo dục và y tế đảm bảo. Quản lý thu-chi ngân sách nhân văn, hợp lý, kiểm soát được thất thoát là điều không chỉ Hà Nội mà cả nước đều cần học hỏi.
Có lẽ, thực tiễn cuộc sống ở Hà Nội đã không hoàn toàn còn như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến:
"Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất tình người thôi".
Hà Nội nay rất nhiều gánh nặng chi phí và đắt đỏ. Nhưng người viết hi vọng, Hà Nội vẫn là mái nhà lớn của hơn 8 triệu dân, phát triển xứng tầm vai trò Thủ đô, trung tâm của cả nước, không chỉ bởi tình người, mà còn… dễ sống!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!