Đua xe trái phép là tội ác, cần áp dụng "biệt lệ" để ngăn chặn
Vụ đoàn xe máy lao với tốc độ cao gây ra cái chết oan khuất cho cô gái 27 tuổi tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Hà Nội, thêm một lần nữa dấy lên sự phẫn nộ đối với hành vi nguy hiểm này trong một bộ phận thanh thiếu niên.
Báo cáo của Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết: Rạng sáng 3/11, cô gái 27 tuổi điều khiển xe máy theo hướng từ ga Hà Nội - Bệnh viện 108, đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì một đoàn xe máy đi theo hướng ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo với tốc độ nhanh. Hai xe trong đoàn xe máy này đã đâm vào cô gái, khiến nạn nhân ngã văng ra đường, tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, cả nhóm rời hiện trường.
Bước đầu, công an xác định, nhóm thanh, thiếu niên đua xe có độ tuổi 16-19. Trong số này có nhiều học sinh.
Vậy là thêm một người dân tử vong vì hành vi đua xe máy trái phép của những thanh thiếu niên coi thường pháp luật, thích thể hiện, muốn làm "người hùng" trên đường phố. Đáng tiếc là tình trạng đua xe vẫn tồn tại dai dẳng tại các đô thị lớn, thậm chí có nơi mức độ cũng ngày càng đáng báo động hơn, ngang nhiên thách thức lực lượng chức năng.
Bản thân tôi, nhiều lần có việc phải đi về muộn, cũng đã chứng kiến những cuộc đua xe của từng đám thiếu niên trai có, gái có, từng cặp chở nhau trên xe máy rồi lạng lách, đánh võng, thi thoảng còn bốc đầu xe, rà chân chống xuống nền đường cho tóe lửa cả hàng dài hay kéo ga, nẹt pô ầm ào trên phố… để gây chú ý với mọi người. Những lúc như thế, dù chướng mắt đến mấy, người đi đường phần lớn là nép sang một bên đề phòng tai nạn với tâm lý "tránh voi chả xấu mặt nào".
Những màn đua xe giữa phố, đặc biệt vào các buổi tối cuối tuần đã trở thành "trò chơi" nguy hiểm của một số thanh thiếu niên ở Hà Nội. Lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá nhiều vụ tụ tập đua xe trái phép, xử lý nhiều đối tượng liên quan. Tuy nhiên, gần đây vẫn tồn tại tình trạng tổ chức đua xe máy ngay ở khu vực trung tâm, trên các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Bà Triệu… gây ra nỗi sợ hãi cho người đi đường.
Tại một hội thảo về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, một con số làm nhiều người giật mình là có đến 38,5% đối tượng đua xe trái phép là học sinh, chủ yếu là học sinh cấp 3, chiếm 23,5% là học sinh đã bỏ học. Những vụ lập nhóm đua xe, mang hung khí, giải quyết mâu thuẫn cá nhân thường có đến 99% là nam giới tham gia; 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số thành phố lớn khác.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, một bộ phận thanh thiếu niên tham gia đua xe vì ảo tưởng đua xe là "ngầu" từ những lời tôn sùng lệch lạc. Hành vi này cũng có thể bị kích động từ nội dung phản cảm mà các bạn trẻ đã tiếp xúc quá nhiều trên mạng xã hội. Có những đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để chứng tỏ bản thân sẵn sàng "đương đầu với mọi lời thách thức".
Cũng có thể do các đối tượng thiếu trải nghiệm tích cực, thiếu sự quan tâm và giáo dục kỹ lưỡng về pháp luật, cùng áp lực của nhóm bạn xấu xúi giục nên thực hiện những hành vi này trong trạng thái bốc đồng, thiếu lý trí.
Vụ quái xế gây tai nạn làm chết người ở Hà Nội lần này là một minh chứng rõ nét cho thấy sự cần thiết phải có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, để góp phần thay đổi hành vi của giới trẻ trong việc tham gia giao thông, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, để không còn có những người phải bị thương tích, thậm chí là chết oan vì các đối tượng đua xe gây ra.
Và không chỉ là vấn đề giao thông, tình trạng đua xe của thanh thiếu niên còn phản ánh một thách thức lớn về giáo dục và văn hóa. Để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mọi người, chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.
Dư luận rất đồng tình với việc tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, mạnh tay hơn trong việc xử phạt hành vi đua xe trái phép, tăng chế tài xử phạt nặng hơn nữa, bao gồm tịch thu phương tiện và xử lý hình sự những đối tượng này.
Phải xếp hành vi đua xe là hành vi gây nguy hiểm đặc biệt cho tính mạng con người và an ninh trật tự xã hội. Thậm chí phải xử lý tình trạng đua xe bằng những biện pháp đặc biệt, ngoại lệ như áp dụng với hành vi phạm tội quả tang. Còn nhớ trước đây CSGT Thanh Hóa từng áp dụng biện pháp bắn lưới cá vào xe máy đang chạy của đối tượng đua xe, buộc xe phải dừng lại tức thì. Gần đây biện pháp này không còn được áp dụng có thể do gây nguy hiểm cho đối tượng đua xe. Đồng ý rằng chúng ta phải triển khai các biện pháp đồng bộ, ngăn chặn đua xe từ gốc rễ vấn đề, tuy nhiên một biện pháp mạnh, mang tính răn đe có thể là cần thiết trong những tình huống mà các quái xế đe dọa đến an toàn của người tham gia giao thông.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cùng với sự tham gia của gia đình (không mua xe, giao xe cho con chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái) và cộng đồng sẽ góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn. Điều này không chỉ bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mọi người mà còn nâng cao ý thức và văn hóa giao thông trong toàn xã hội.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!