Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

"Điểm mặt" biểu hiện lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản

Các dự án "đắp chiếu" bị phản ánh trên báo chí gần đây cho thấy lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang diễn biến phức tạp. Có thể chỉ ra những biểu hiện điển hình của tình trạng này như sau:

Thứ nhất là tình trạng "quy hoạch dự án treo" với biểu hiện công trình xây dựng cơ bản chỉ là kế hoạch trên giấy, không được triển khai đầu tư xây dựng trên thực địa, lãng phí lớn cơ hội phát triển.

Tình trạng này một mặt ảnh hưởng đến mục tiêu bổ sung và hoàn thiện các công trình và hạ tầng thiết yếu, mặt khác khiến người dân vướng dự án quy hoạch treo sống "lay lắt" trong các khu nhà ở cũ kỹ xuống cấp nhưng không thể cải tạo sửa chữa hoặc nhận đền bù, di dời.

Thứ hai, tình trạng xây dựng dở dang chậm đưa vào sử dụng, với biểu hiện là các dự án dù đã triển khai trên công trường nhưng bị "chết lâm sàng", chậm tiến độ và đội vốn.

Điểm mặt biểu hiện lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản - 1

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam chậm đưa vào sử dụng (Ảnh: Quân Đỗ)

Các dự án loại này thường bị báo chí gọi tên là: trễ hẹn, lỡ hẹn…  Nhiều dự án quy mô diện tích và vốn đầu tư rất lớn bị lãng phí theo cách này đã gây nên sự bức xúc trong xã hội. Đơn cử giao thông trên nhiều tuyến phố trung tâm đô thị lớn tắc nghẽn bởi hàng rào quây tôn của "dự án lô cốt" chậm tiến độ năm này qua năm khác. Rác thải, bụi bẩn, côn trùng có thể lây lan dịch bệnh… từ các lỗ đào tù đọng trên đường ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân địa phương.

Thứ ba, tình trạng công trình đã hoàn thành xây dựng nhưng sử dụng không hiệu quả, với các biểu hiện rõ nét nhất là dự án hiệu suất sử dụng rất thấp so với tính toán ban đầu, thậm chí bị bỏ hoang sau khi khánh thành hoặc sử dụng trái công năng.

Các dạng dự án lãng phí loại này trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng mạnh về số lượng và quy mô.

Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện một số dự án đầu tư xây dựng xin phép triển khai, nhưng chỉ làm cầm chừng để trục lợi chính sách thông qua việc khai thác tận thu tài nguyên khoáng sản, hoặc đổi hướng sử dụng vào mục đích kinh doanh không đúng giấy phép ban đầu…

Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, "lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả".

Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên "vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định".

Căn cứ vào Luật định, nếu chúng ta tiến hành cuộc tổng rà soát toàn quốc, chắc chắn số lượng dự án xây dựng thuộc các nhóm nêu trên là rất lớn. Đơn cử, trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo của thành phố, tính đến 15/6 có tới 712 dự án chậm triển khai, trong đó 705 dự án với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Lập danh sách dự án có biểu hiện lãng phí theo hạng mục công trình, chúng ta sẽ thấy tình trạng này xuất hiện ở hầu hết các nhóm dự án (công trình hạ tầng, nhà ở và ký túc xá, bệnh viện các cấp, trụ sở văn phòng, công trình công cộng…) và hầu khắp các tỉnh, thành.

Biểu hiện là như vậy, còn nguyên nhân cũng rất đa dạng. Trước hết là nguyên nhân xuất phát từ công tác xây dựng quy hoạch, thiết kế kiến trúc, kỹ thuật và kế hoạch đầu tư kém chất lượng, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến nhiều thay đổi phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Một nguyên nhân khá phổ biến nằm ở vướng mắc cơ chế giải phóng mặt bằng khiến dự án bị kéo dài, đội vốn; hoặc do thủ tục cấp phép, thanh quyết toán còn rườm rà.

Nguyên nhân khác là thiếu vốn, chậm vốn. Tình trạng nhà thầu bỏ thầu thấp để trúng thầu dự án, sau đó xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư với nhiều dự án lớn cũng thường xuyên xảy ra. Nhiều chủ đầu tư "tay không bắt giặc" không có thực lực về vốn, nhưng cơ quan quản lý không phát hiện kịp thời.

Về phía cơ quan quản lý dự án, năng lực tổ chức thực hiện yếu kém và một số trường hợp suy thoái đạo đức công vụ, né tránh trách nhiệm, lợi dụng chức trách để trục lợi cũng dẫn đến những sai sót, lãng phí.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp toàn diện và mạnh mẽ về "Chống lãng phí", trong đó có yêu cầu rà soát và xử lý nghiêm các dự án lãng phí lớn, được dư luận quan tâm theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng và cả lĩnh vực.

Đối với các dự án lãng phí thì "dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể vì đây là tài sản của nhà nước và là tiền của nhân dân". Đây là định hướng để cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, chung tay chống lãng phí nói chung và lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng.

Thời gian tới, với các công trình quy hoạch treo, chúng ta cần sớm điều chỉnh quy hoạch, thiết kế kiến trúc để nâng cấp, chuyển đổi công năng và chất lượng tiện ích sử dụng; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể về vốn, thi công xây dựng… để khắc phục.

Đối với các công trình chậm tiến độ, cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh công tác thi công xây dựng và vận hành, bổ sung nguồn vốn, nhân công. Đối với các công trình sử dụng không hiệu quả, cần xây dựng phương án thiết kế nâng cấp cải tạo, chuyển đổi công năng mục đích sử dụng.

Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền nên ban hành hành lang pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc lâu nay về giải phóng mặt bằng, huy động vốn,… đồng thời đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và xử lý triệt để trách nhiệm để tạo sự chuyển động đồng bộ trong thực tế.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!