Công bằng cho người bị thu hồi đất
Có hai vấn đề được nói tới thường xuyên mỗi khi sửa đổi Luật Đất đai, đó là xác định giá đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Xu hướng chung trên thế giới tiến bộ sử dụng 2 biện pháp: Một là thu hẹp phạm vi sử dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, càng hẹp càng tốt; và hai là khi nhà nước buộc phải dùng quyền lực để thu hồi đất thì cần đảm bảo công bằng về lợi ích cho người bị thu hồi.
Để một quốc gia phát triển, nâng cao thu nhập của người dân thì chuyển dịch đất đai là việc phải làm, đất đai từ tay người sử dụng ít hiệu quả phải chuyển sang tay người sử dụng có hiệu quả cao hơn. Nhìn trên thực tế, nhu cầu chuyển dịch đất đai thể hiện rất rõ ràng trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển xanh, phát triển thông minh.
Nghị Quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã xác định rõ các yêu cầu:
Một là, quy định rõ "điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", tức là thể hiện mong muốn chỉ dùng cơ chế Nhà nước thu hồi đất bắt buộc khi nào thật cần thiết, tránh dễ dãi và quá tràn lan;
Hai là, "bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư";
Ba là, "quy định cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn".
Đây là những chủ trương chính trị rất quan trọng, đảm bảo lợi ích xã hội song hành với lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển, tránh đi tình trạng các quy định thiếu mạch lạc đến mức chỉ nằm trên văn bản pháp luật mà không thể đưa nổi vào thực tế. Thứ nữa, các điều luật mà xung đột với nhau thì dễ lách vì vụ lợi riêng, hoặc khi triệt để chống tham nhũng thì cán bộ không dám làm.
Cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai
Trước hết, phải nói cơ chế này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu và mang lại lợi ích rất rõ ràng. Quanh ta, nước Nhật sau Đại chiến 2 đã sử dụng cơ chế này để phục hồi, kiến thiết lại các thành phố hoang tàn sau chiến tranh. Hàn Quốc cũng sử dụng cơ chế này để góp phần đô thị hóa nhanh chóng, êm đềm.
Bản chất của cơ chế góp quyền sử dụng đất là phương án trung dung để khắc phục các nhược điểm của phương án Nhà nước thu hồi đất bắt buộc theo chiều trên xuống và cũng khắc phục được nhược điểm của phương án doanh nghiệp tự thỏa thuận để có đất đầu tư mà Nhà nước đứng ngoài cuộc. Theo đó, người dân góp quyền sử dụng đất để cùng với doanh nghiệp và Nhà nước chia sẻ lợi ích và trách nhiệm.
Cơ chế này lợi đủ đường, nhà nước không mất kinh phí phát triển đô thị, đất góp vào đủ để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, nâng cấp khu dân cư và còn bán đi để có tiền xây dựng. Người dân tại chỗ cũng được thụ hưởng lợi ích vì mình vẫn được sống trong khu dân cư khang trang hơn. Đô thị và khu dân cư nông thôn được phát triển, chỉnh trang tốt hơn, theo đúng quy hoạch.
Có nhiều nhà quản lý nói rằng không thể trộn cơ chế hành chính với dân sự. Sự thực, mọi lý thuyết đều do con người đặt ra, trộn hay không trộn cũng do tư duy của ta có làm khó ta hay không. Goethe - một nhà thơ lớn của Đức đã viết "Mọi lý thuyết đều là màu xám/Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi". Ta cứ hay "tự lấy đá ghè vào chân mình".
Nghị quyết 18-NQ/TW đã có chủ trương áp dụng cơ chế này cho phát triển, chỉnh trang các khu dân cư đô thị và nông thôn. Đây là giải pháp không những phải được luật hóa trong Luật Đất đai mà còn cần quy định cụ thể, đủ điều kiện triển khai trên thực tế. Dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội đã có điều 220 thuộc Chương XIII về chế độ sử dụng các loại đất, song theo tôi quy định về cơ chế này còn sơ sài. Thực chất, quy định như vậy là cơ chế thay thế cho "nhà nước thu hồi đất" chứ không phải là "chế độ sử dụng đất". Một sự "nhầm lẫn" đáng quan tâm!
Nói thêm về cơ chế Nhà nước thu hồi đất
Theo Luật Đất đai 1993, quy định chung vẫn là "Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng", nhưng trên thực tế chính quyền địa phương vẫn thu hồi đất cho cả các dự án phát triển kinh tế vì mục tiêu lợi nhuận mà được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi xây dựng Luật đất đai 2003, Ban soạn thảo đưa ra quan điểm "không quy định chung một đàng, quy định cụ thể lại làm một nẻo", và luật pháp cần "thật thà" trước dân. Vì vậy, Luật Đất đai 2003 đã quy định "Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh vì lợi ích quốc gia, công cộng và phát triển kinh tế". Nhiều người thấy cụm từ "Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế" không hợp lý.
Đến Luật Đất đai 2013 đưa ra quy định chung là "Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Nghị quyết 18-NQ/TW đã yêu cầu làm rõ nhiều điều quanh quy định này.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn đi theo cách mà Luật Đất đai 2013 đã làm: Quy định chung như trên gắn với một chuỗi trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất, không mấy ăn nhập với nhau. Các trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất còn rộng hơn quy định của Luật Đất đai 2013. Hơn nữa, không làm rõ được nội hàm của "vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Một thực tế nhìn khá rõ. Thứ nhất về kinh tế, khi để cho cơ chế Nhà nước thu hồi đất quá rộng đã tạo nên tình trạng "dự án treo" quá nhiều, chỉ riêng tại các địa phương mà Đoàn giám sát của Quốc hội tới giám sát đã có gần 2.000 dự án treo trên diện tích khoảng 12.000 ha. Quá lãng phí đất đai. Thứ hai về xã hội, phương án Nhà nước thu hồi đất không có lợi về kinh tế nếu chi phí bồi thường, hỗ trợ được tính đúng giá trị. Muốn có lợi, đành phải rút mức bồi thường, hỗ trợ xuống, thế là người dân khiếu nại, kêu oan, và xã hội phức tạp.
Mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có những quy định cụ thể, cải tiến chút ít so với Luật Đất đai 2013. Hỗ trợ lúc này còn các khoản: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ cho một số nhóm yếu thế; và hỗ trợ khác. Ba khoản hỗ trợ đầu đều do thu hồi đất gây ra, vậy phải là bồi thường mới đúng nghĩa.
Những điều cải tiến chút ít trên đây vẫn mang "hồn cốt" của những quy định từ Luật cũ. Ở các nước công nghiệp hóa trên thế giới, người ta quan tâm tới 2 điều:
Một là, hỗ trợ từ các chủ dự án đầu tư ở dạng chia sẻ lợi ích cho địa phương nơi có đất và người mất đất. Hỗ trợ này rất đa dạng, có thể là phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng cho địa phương, trợ giúp học bổng cho con em những gia đình mất đất, v.v. Cơ chế này cũng còn gọi là đầu tư có trách nhiệm xã hội mà Luật Doanh nghiệp của ta đã quy định.
Hai là, bồi thường cho cái gì không quan trọng bằng bồi thường theo giá nào. Người bị thu hồi đất vẫn khiếu nại chủ yếu về giá đất quá thấp, thấp hơn giá đất phù hợp giá trị thị trường.
Làm được 2 điều trên xã hội sẽ ổn định và phát triển mạnh.
Sự đổi mới của pháp luật đất đai là rất cần thiết, nước ta có vượt được "bẫy thu nhập trung bình" hay không cũng dựa một phần vào pháp luật đất đai có ổn hay không. Mọi việc ổn định được hay không cũng nhờ vào đất, phát triển được hay không cũng nhờ vào đất. Mọi người đều phải sinh sống, ăn ở trên trái đất này. Có bình đẳng và công bằng về đất mới phát triển được.
Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!