Tâm điểm
Nguyễn Văn Tưởng

Cơ hội để nông nghiệp "bước qua lời nguyền"

Tôi sinh ra lớn lên ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng màu mỡ, người nông dân một nắng hai sương nhưng nhìn chung vẫn nghèo. 

Tôi nhớ tâm thế đầy tự ti của nhân vật thanh niên trong truyện ngắn "Những bài học nông thôn" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn". Dường như nông dân và nông thôn Việt Nam hay khơi gợi sự thương cảm về cái nghèo đói lạc hậu. Tôi tự hỏi: "Tại sao sống trên những cánh đồng phù sa mà người nông dân vẫn nghèo?". Hỏi cũng tức là trả lời, sau này lập nghiệp ở đại ngàn Tây Nguyên, ra nước ngoài, đặc biệt chuyến đi sang Mỹ tìm hiểu về nông nghiệp gần đây, tôi đã "ngộ" ra nhiều điều.

Người nông dân Mỹ làm chủ một hệ sinh thái nông nghiệp cho ra năng suất, chất lượng, giá cả cạnh tranh hàng đầu thế giới. Nhờ thế, thu nhập của họ rất cao, làm giàu được từ nông nghiệp và không hề có tâm thế kém cỏi, tự ti.

Cơ hội để nông nghiệp bước qua lời nguyền - 1

Cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội, tháng 5/2021 (Ảnh: Hữu Nghị)

Chứng kiến cách người nông dân Mỹ làm nông nghiệp công nghệ cao với những trang trại nho mênh mông, tôi ấn tượng mãi với cách chăm sóc, "thấu hiểu" tận gốc rễ cây nho bằng trí tuệ nhân tạo của họ. 

Tại sao chúng ta chưa làm được như vậy? Bao nhiêu năm nay chúng ta đã quen với câu nói nông nghiệp Việt Nam chưa thoát khỏi "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Quả thật, "lời nguyền" đó đeo bám, trói buộc người nông dân và ngành nông nghiệp nước ta từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

Làm sao người nông dân quê tôi và các miền quê khác có thể làm giàu trên những mảnh ruộng bé như bàn tay, với chiếc cày chìa vôi và con trâu đi trước, chỉ làm những gì mình có thay vì cái thị trường cần?

Có cơ hội nào để nông nghiệp nước ta "bước qua lời nguyền"? Tôi đã nhìn thấy cơ hội đó trong cuộc cách mạng 4.0 và Luật Đất đai 2024. Trong rất nhiều điểm mới của Luật Đất đai 2024 thì quy định về "tập trung, tích tụ đất nông nghiệp" (Điều 192, 193) được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng tập trung quy mô lớn, công nghệ cao.

Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương. Luật cũng quy định tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...

Luật Đất đai 2024 đã tạo ra một  "sân chơi rộng" trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng tính hấp dẫn của việc đầu tư vào nông nghiệp.

Nhưng, tích tụ được ruộng đất rồi mà vẫn làm ăn theo kiểu cũ thì không thể nói là "nông nghiệp công nghệ cao". Chúng ta cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới "nông nghiệp đặt hàng".

Tôi đã quen với cảnh người nông dân sản xuất những gì mình có theo kiểu tự cung tự cấp, thừa ra một ít thì bán, tốn rất nhiều nguồn lực, lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ, nhưng họ đã làm như vậy theo thói quen, theo quán tính không dễ thay đổi. Đó chính là tư duy sản xuất nông nghiệp, nay phải chuyển đổi quyết liệt sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn trong nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.

Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Tôi cho rằng đó chính là "con đường sáng" theo tư duy kinh tế nông nghiệp mà chúng ta phải đi.

Đi con đường đó, dứt khoát phải theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.

Xu hướng của nông nghiệp công nghệ cao là phát triển chuỗi liên kết, chuẩn hóa đầu vào và đầu ra. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để nông nghiệp nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nền nông nghiệp không thể "bước qua lời nguyền" nếu tầm nhìn chỉ sau lũy tre làng, sản phẩm cũng chỉ quanh quẩn nội địa. 

Từ thiên nhiên tươi đẹp, từ đất đai trù phú chúng ta cần kết tinh được những sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận, ưa chuộng. 

Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải có mặt trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, phải bắt tay hợp tác với những nhà khoa học, những trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Đó chính là kinh nghiệm của tôi khi hợp tác với một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ để nâng tầm sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho trầm hương Việt Nam.

Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định quan điểm: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, vì thế phải trí thức hóa nông dân.

Để nền nông nghiệp "bước qua lời nguyền" là phải làm sao nâng cao kiến thức cho những người làm nghề nông - một nghề mà xưa nay vẫn có quan niệm là không cần qua đào tạo. Thế hệ nông dân mới phải làm chủ vận mệnh của mình, tự chủ tự lực vươn lên chứ không thu mình tự ti trong góc vườn bờ ao an phận. Họ cần được đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến với tư duy mới. Nhưng trước hết, tôi nghĩ rằng người nông dân trong thời điểm này cần nắm vững Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực.

Và tôi hình dung ra cảnh tượng người nông dân trên cánh đồng được sản xuất bằng công nghệ cao, tự hào chứ không tự ti như trước, để nói rằng: "Mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn".

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Tưởng từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên. Sau đó, ông thành lập công ty Trầm Hương Khánh Hòa, góp công lớn đưa trầm hương Việt Nam trở thành một thương hiệu được bạn bè thế giới biết đến.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!