Cô giáo bị học sinh ném dép và sự im lặng bất lực
Tôi thật sự bàng hoàng khi chứng kiến đoạn video ghi lại khung cảnh hàng chục học sinh chỉ độ lớp 6, lớp 7 vây quanh, hò hét, chửi bới thậm chí có hành vi tấn công đối với một cô giáo.
Chúng ta đã có những lần đâu đó xem hoặc nghe các câu chuyện về việc học sinh phản ứng hay có hành vi không chuẩn mực đối với giáo viên, nhưng có lẽ không ai tưởng tượng được sự khủng khiếp như đoạn video trên.
Khi xem video đó, ngoài sự bức xúc về hành vi của các em học sinh, điều làm tôi chú ý đó là cảnh một học sinh nằm lăn ra đất, kêu gào như vừa bị cô giáo tấn công và cảnh cô giáo yếu đuối, bất lực, chỉ biết câm nín trước đám đông học sinh.
Tại sao tôi lại chú ý vào khung cảnh đó? Bởi lẽ, nó lý giải phần nào nguyên nhân sâu xa của vấn đề này.
Đã từ bao giờ, các thầy cô giáo lại trở nên yếu đuối và bất lực trước học sinh như vậy? Không khó để nhận thấy, những thông tin trên báo chí hay mạng xã hội hiện nay làm cho nhiều người sẵn sàng chỉ trích, mạt sát đối với người dạy học.
Chỉ cần giáo viên có những biện pháp nghiêm khắc để rèn luyện đối với học sinh, là ngay lập tức có thể nhận phải những chỉ trích rất nặng nề. Điều này không chỉ đến từ đám đông trên mạng xã hội mà thậm chí còn chính trong hệ thống quản lý giáo dục, những người có con mắt chuyên môn và nghiệp vụ đánh giá sự việc.
Chúng ta không khó để kể ra một vài sự việc giáo viên bị lên án, thậm chí bị tấn công vì áp dụng những biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục cũng như rèn luyện đối với học trò.
Nói như vậy không phải là tôi ủng hộ biện pháp bạo lực từ bất cứ bên nào.
Vấn đề ở đây là chúng ta đã không làm rõ đâu là các biện pháp rèn luyện, giáo dục học sinh, đâu là những hành vi người dạy học không được phép thực hiện. Từ đó dẫn đến nhiều người sẵn sàng lên án, chỉ trích giáo viên bất kể việc họ đang làm đúng phận sự của mình hay không.
Thực tế này khiến nhiều giáo viên trở nên yếu đuối và bất lực trong nỗ lực giáo dục học sinh. Họ chỉ biết "dựa vào tường, im lặng và dùng điện thoại ghi lại cảnh tượng này" - như đoạn mô tả trên báo khi nói về phản ứng của giáo viên khi bị nhóm học sinh tấn công.
Phải chăng chỉ cần cô giáo trong video nêu trên có hành vi đáp lại một cách nghiêm khắc đối với đám đông học sinh đó và bị ghi hình, thì những mũi dùi, những chỉ trích ngay lập tức lại hướng về cô giáo?
Phải chăng đám đông học sinh trong video, biết điều này, nên các em tha hồ lăng mạ và thậm chí còn "diễn cảnh ăn vạ" đối với cô giáo?
Bên cạnh suy nghĩ trên, tôi cũng tự hỏi, từ bao giờ học sinh lại có thể và dám làm những điều khủng khiếp như trên đối với giáo viên dạy chính mình? Thật buồn khi những sự việc đó diễn ra không phải là phổ biến, nhưng cũng không hẳn là sự việc cá biệt hay dị biệt.
Một hiện tượng xã hội bao giờ cũng có những nguyên nhân của nó. Đã từ bao giờ quá nhiều nội dung bạo lực, phản cảm tràn lan trên mạng xã hội như Facebook hay TikTok. Đã từ bao giờ thần tượng của nhóm học sinh "choai choai" không chỉ là ca sĩ, diễn viên hay chí ít là những người học giỏi, mà chỉ là một đám "giang hồ mạng" ưa chửi bới, nói tục và ứng xử với nhau bằng bạo lực.
Rất nhiều đối tượng như vậy được giới trẻ gọi là "thầy" là "cô". Nhưng các thầy và cô đó làm gì? Họ livestream, làm những video đầy phản cảm, cốt sao thu hút được nhiều người xem. Những câu chửi bậy, những câu nói tục gây hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội được học sinh khắp nơi lặp lại, trở thành câu nói hàng ngày.
Những hiện tượng đó không ngay lập tức tác động, nhưng nó sẽ thẩm thấu dần dần, làm thay đổi nhận thức và tâm lý, từ đó thay đổi ứng xử và hành vi của học sinh. Và theo thời gian thì các sự việc xảy ra như video nêu trên sẽ không còn là cá biệt nữa.
Như vậy, việc tước bỏ quyền năng vốn có của giáo viên, cộng thêm tác động xấu độc từ mạng xã hội đối với học sinh, có thể là hai trong số các nguyên nhân dẫn đến những sự việc bạo lực trong học đường. Nếu chúng ta không có những biện pháp mạnh mẽ và cần thiết, liệu những chuyện như vậy sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn?
Tác giả: Anh Lê Xuân Lục là giảng viên đại học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giảng dạy lĩnh vực pháp luật, quản trị nhà nước. Anh cũng là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức hành nghề luật sư.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!