Băn khoăn việc trường công thu học phí cao
Dự thảo Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với 7 trường công lập tự chủ và 17 trường công lập chất lượng cao của Hà Nội đã được đưa ra lấy ý kiến từ ngày 20/7.
Theo đó, mức học phí sẽ thu từ 300.000 đồng đến 6,57 triệu đồng một tháng.
Mức thu thấp nhất ở khối 11, 12 chuyên là của trường THPT chuyên Ngoại ngữ (trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), với mức dự kiến 300.000 đồng một tháng. Học phí lớp 10 và hệ không chuyên của trường này từ 2,8 tới 3,18 triệu một tháng. Chuyên Ngoại ngữ thuộc nhóm trường tự đảm bảo chi thường xuyên. 6 trường khác ở nhóm này dự kiến thu học phí trên hai triệu đồng một tháng cho hầu hết khối, lớp.
Với nhóm chất lượng cao, nhìn chung học phí cao hơn, thường ở mức 4 đến 5 triệu đồng một tháng. Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa dự kiến thu 6,57 triệu đồng, không phân biệt khối lớp; hệ Cambirdge của hai trường tiểu học Nam Từ Liêm, Đô thị Sài Đồng là 5,9 triệu đồng.
Học phí trường công lập bình thường ở Hà Nội là từ 19.000 đến 217.000 đồng/tháng, duy trì từ năm học 2021-2022 đến nay. Như vậy có thể thấy mức đề xuất trên đây là khá cao nếu đưa vào thực thi.
Tất nhiên nhiều người sẽ nói rằng học phí của khối trường công lập tự chủ và trường công lập chất lượng cao không thể như "trường bình thường". Quan điểm này là đúng nếu nhìn từ góc độ chất lượng giáo dục, nhưng nếu đi sâu vào vấn đề thì vẫn còn đó những trăn trở về câu chuyện phân tầng giáo dục ngay trong khối trường công, và không khuyến khích được khối tư thục phát triển nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt.
Hà Nội hiện có 23 trường chất lượng cao, gồm 17 trường công lập, còn lại tư thục. Mức trần học phí với trường công chất lượng cao hiện là 5,1 đến 6,1 triệu đồng một tháng. Dựa vào mức trần và điều kiện thực tế, các trường xây dựng và đề xuất mức học phí, trình HĐND thành phố phê duyệt.
Các trường tự chủ tài chính ở địa bàn thành phố được thu gấp đôi mức trần học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, tức từ 600.000 đồng đến 1,3 triệu đồng một tháng. Nếu đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định học phí. Trong danh sách các trường này có thể thấy có đủ các cấp lớp từ mầm non tới trung học phổ thông.
Vấn đề ở đây là nếu dự thảo nghị quyết trên được thông qua, thì trong khối trường công ở Hà Nội sẽ có thêm loại hình trường công thu học phí cao, cùng tồn tại với các trường công thu học phí thấp. Trong khi đó, các trường công này vẫn sử dụng hoàn toàn cơ sở vật chất công, bao gồm đất đai, cơ sở hạ tầng.
Về phương diện nào đó, đây có thể xem như một phần các trường phổ thông ở Hà Nội đang hướng tới việc học hỏi cung cách mà các đại học đã làm, khi hướng tới 100% đại học tự chủ tài chính. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở ta đang thi hành Luật phổ cập giáo dục từ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nghĩa là các em học sinh đi học ở các trường công trong các cấp học này sẽ được hưởng chính sách học phí ưu đãi như nhau.
Ở bậc học trung học phổ thông, các em vào được trường công là cũng đã phải trải qua một kỳ thi cực kỳ khó khăn để hưởng học phí công (thấp), thay vì vào các trường tư bên ngoài nếu thi trượt trường công.
Với học sinh là con em các gia đình thu nhập thấp, trước đây thi đậu vào các trường chuyên trong nhóm đang được dự kiến tăng học phí, thì các em vào học với mức học phí như mọi trường công khác. Nhưng nay nếu thi đậu mà khả năng kinh tế của gia đình ở mức khiêm tốn, thì một vài triệu đồng học phí cho các con mỗi tháng cũng là vấn đề.
Nhìn vào học phí của nhóm trường đã được đưa vào dự thảo, dù đã nâng cao rất nhiều so với học phí trường công hiện nay, nhưng so với các trường tư thục thì chưa ăn thua, vì thực tế các trường tư thục có thể thu gấp nhiều lần so với mức cao nhất trong dự thảo là 6,57 triệu một tháng. Vì học phí trường tư (bao gồm các trường dán nhãn quốc tế) từ 10 triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng một tháng là bình thường. Nhưng học phí rất cao đó được tính toán để các nhà đầu tư vào trường tư có thể thu hồi vốn, và đầu tư xây sửa trường sở của họ khi cần nhằm phục vụ học sinh. Họ cũng sẵn sàng trả lương giáo viên rất cao để thu hút nhân tài.
Nhưng với nhóm các trường công thu học phí cao đã đưa vào dự thảo, nhất là các trường tự chủ tài chính, liệu khi trường cần sửa chữa lớn hay xây lại thì chi phí sẽ lấy từ nguồn nào? Chưa kể là các đầu tư mới hay cần sửa chữa trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhà trường như phòng thí nghiệm, sân vận động, thư viện… khi phát sinh thì lấy tiền từ đâu ra?
Và nếu muốn trả lương cao cho giáo viên giỏi trong bối cảnh tự chủ tài chính mà các trường trong nhóm nêu trên vẫn bị khống chế bởi mức học phí trần được thu, trong khi ngân sách Nhà nước không chi trả nữa, vậy thì nguồn thu này phải lấy từ đâu? Trong khi nói cho cùng, nguồn thu của các trường này khi tự chủ tài chính, vẫn chủ yếu từ việc thu học phí của học sinh mà thôi.
Những vấn đề chi tiết này cần được làm rõ, thì mô hình như bản dự thảo nghị quyết đề cập mới khả thi và thuyết phục. Còn nếu không thì vẫn còn đó nhiều băn khoăn khi nghị quyết được triển khai.
Đã có một thời ngành giáo dục của ta có mô hình trường bán công trong các cấp học phổ thông. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai thì mô hình này không ổn. Vì vậy, cách nay chừng 10 năm, hàng loạt trường bán công phải quay trở lại mô hình trường công theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2006, trong đó quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ có ba loại hình: công lập, dân lập và tư thục.
Vậy nên nếu có địa phương trên cơ sở đặc thù, muốn đưa ra mô hình mới về các loại hình trường công khác nhau trong các cấp học phổ thông, trong đó có mô hình tự chủ tài chính, thu học phí cao thì thiết nghĩ cũng cần cân nhắc đầy đủ để đảm bảo tính hiệu quả.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!