Độ uy tín của Diễn đàn ESG Việt Nam
(Dân trí) - Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất do báo Dân trí tổ chức, diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội. Diễn đàn ESG Việt Nam được giới chuyên gia, cộng đồng đánh giá cao.
Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức, gồm loạt hoạt động diễn ra trong thời gian qua gồm các tọa đàm, hội thảo quy mô lớn tại TPHCM, cuộc thi viết chia sẻ sáng kiến ESG từ độc giả cả nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Sắp tới đây sẽ là diễn đàn chính thức lần thứ nhất cùng Giải thưởng ESG Việt Nam lần thứ nhất (Vietnam ESG Awards), diễn ra vào ngày 23/4, tại Hà Nội.
Hiện có nhiều doanh nghiệp, đơn vị, những người quan tâm đến phát triển bền vững đăng ký tham gia Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất, bởi đánh giá cao tính thiết thực của chương trình, trong việc gợi mở hướng phát triển bền vững cho các đơn vị.
"Các chủ đề rất đúng và trúng, phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp"
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - đánh giá cao báo Dân trí đã có sáng kiến và chuỗi hoạt động cho Diễn đàn ESG Việt Nam, thu hút sự quan tâm và nâng cao nhận thức doanh nghiệp, cộng đồng về thực hành ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị).
Các chủ đề được lựa chọn, theo tiến sĩ Bùi Thanh Minh, rất đúng và trúng, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, từ quản trị đến nhân lực bền vững.

TS Bùi Thanh Minh (Ảnh: Hải Long).
Chủ đề của Diễn đàn ngày 23/4 là "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" đầy sáng tạo.
"Với xuất phát điểm không cao, chúng ta thiếu hành lang pháp lý hoàn thiện, thiếu thông tin lẫn vốn và các hỗ trợ kỹ thuật. Để phát triển bền vững, cần chiến lược tổng thể, chung tay từ các bên. Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống chính sách hỗ trợ; doanh nghiệp cần thay đổi thói quen, đầu tư nguồn lực cho phát triển bền vững; cộng đồng xã hội cần có cơ chế khuyến khích phát triển bền vững từ chia sẻ thông tin đến chương trình kết nối, hỗ trợ kỹ thuật", Tiến sĩ Bùi Thanh Minh chia sẻ.
Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ thúc đẩy chuyển đổi bền vững sâu rộng tại Việt Nam
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam cho biết, Diễn đàn là một trong những chương trình có chất lượng chuyên môn cao, quy mô và nhận được sự quan tâm từ đông đảo ngành nghề, lĩnh vực.
Diễn đàn sẽ giúp lan tỏa ý thức, kỹ năng khi thực hành quản trị nói riêng và ESG nói chung, mang đến hiểu biết, mô hình thành công từ các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam tiên phong.
Một cách tổng quát, Diễn đàn ESG Việt Nam không chỉ là nơi thảo luận, đóng góp ý kiến mà còn được trông đợi là điểm khởi đầu cho những hành động cụ thể. "Kỳ vọng lớn nhất của tôi vào Diễn đàn là xây dựng nền tảng hợp lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững tại Việt Nam một cách sâu rộng và hiệu quả", bà Trần Thị Thúy Ngọc chia sẻ.
Trăn trở này của bà xuất phát từ các thách thức trong phát triển ESG. Đầu tiên là khung pháp lý, hầu hết quy định chỉ mang tính định hướng, chưa bắt buộc nên hiệu quả thực thi hạn chế. Thách thức thứ hai là phụ thuộc nhiều vào nguồn lực quốc tế.
Thứ ba là tính bền vững của chuỗi cung ứng, bởi Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, tham gia nhiều hiệp định FTA, lực lượng lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư, nhưng vị thế để đi sâu vào chuỗi cung ứng bền vững chưa thực sự cao.

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, ESG với doanh nghiệp không chỉ là công cụ quản lý bền vững mà còn là chiến lược giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện sức chống chịu trước biến động thời cuộc (Ảnh: Mạnh Quân).
Bà kỳ vọng Diễn đàn ESG Việt Nam những năm tới tiếp tục là nền tảng kết nối và định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt.
Với kinh nghiệm tư vấn, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, quan sát thực tiễn phát triển bền vững của các nước trong khu vực, bà đề xuất bàn thêm câu chuyện chuyển đổi năng lượng và lộ trình Net Zero; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và quản lý tài nguyên bền vững; thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển nguồn nhân lực bền vững.
Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất - Điểm tựa giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường
PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nhìn nhận, Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn xu hướng và yêu cầu quốc tế liên quan đến ESG, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn ESG cũng đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

"Diễn đàn ESG Việt Nam tạo nền tảng để doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia thảo luận về tầm quan trọng của ESG trong hoạt động kinh doanh", PGS.TS Nguyễn Đức Trung chia sẻ (Ảnh: Hải Long).
Diễn đàn cũng là cơ hội để cơ quan chính phủ lắng nghe ý kiến và phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia. Thông qua đó, Chính phủ có thể điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, quy định liên quan cho phù hợp với thực tiễn, nhu cầu thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc áp dụng ESG mà còn thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động kinh doanh.
Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất là sự kiện có nhiều ý nghĩa
Phát triển bền vững được quan tâm trên toàn cầu, bởi theo ông Chaturon Thipphiansak, Phó tổng giám đốc công ty TNHH SCG Việt Nam, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới nhiều biến động chưa từng có. Thời tiết cực đoan, cạn kiệt tài nguyên, xung đột địa chính trị, cuộc cách mạng vũ bão của công nghệ với sự phát triển vượt bậc của AI (trí tuệ nhân tạo)…, đặt ra thách thức cho nền kinh tế, sự ổn định của xã hội, môi trường sống.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, theo ông, cần tư duy linh động và chiến lược phát triển bền vững để thích nghi và vươn lên trong thời đại nhiều biến động này, nhất là trong bối cảnh chính phủ Việt Nam tham gia chương trình nghị sự quốc tế về môi trường, với mục tiêu Net Zero đến năm 2050.
Do đó, ông đánh giá Diễn đàn ESG Việt Nam là sự kiện có nhiều ý nghĩa, tạo nền tảng để doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn và tìm kiếm cơ hội hợp tác, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua những cuộc thảo luận của xã hội về sự bền vững, hướng đến tương lai xanh, thịnh vượng cho mọi người.

Ông Chaturon Thipphiansak (Ảnh: Thành Đông).
Để phát triển chiến lược ESG hiệu quả, lãnh đạo SCG Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp cần kết hợp quy chuẩn toàn cầu và tình hình thực tế tại địa phương, như: tổ chức chương trình đào tạo để nâng cao nhận thức về ESG cho nhân viên và lãnh đạo; ESG không nên chỉ là một phần bổ sung mà cần tích hợp vào chiến lược kinh doanh tổng thể.
Ngoài ra, nên có khung quản trị vững chắc để đảm bảo cam kết về ESG được thực hiện; xây dựng mối quan hệ với tổ chức phi chính phủ, chính phủ và đơn vị khác để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực trong thực hiện ESG.