Những điều chưa biết về ứng dụng gây tranh cãi Uber
(Dân trí) - Xuất hiện tại TPHCM vào tháng 6 vừa qua và mới đây tại Hà Nội vào cuối tháng 10, Uber là ứng dụng di động được giới truyền thông trong nước nhắc đến nhiều thời gian gần đây vì tính hợp pháp của nó. Vậy Uber là gì và vì sao lại gây nhiều tranh cãi như vậy?
Uber là gì?
Được thành lập năm 2009 tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) bởi Travis Kalanick và Garrett Camp, Uber là dịch vụ vận chuyển hành khách theo dạng chia sẻ xe, bằng một ứng di động dùng để kết nối giữa khách đi xe và tài xế. Hành khách sử dụng ứng dụng Uber để yêu cầu xe và theo dõi vị trí, đường đi của chiếc xe mà mình yêu cầu.
Uber là ứng dụng giúp kết nối giữa chủ xe và người cần đi xe
Các tài xế sở hữu xe có thể đăng ký để tham gia mạng lưới của Uber. Những chiếc xe này không có biển hiệu taxi hay đồng hồ tính tiền như những xe taxi thông thường. Mọi thông tin hoạt động đều được dựa trên ứng dụng Uber. Dịch vụ này cũng không hạn chế kiểu xe hay loại xe, nên có không ít xe sang cũng tham gia vào mạng lưới dịch vụ này.
Nói một cách đơn giản, Uber là dịch vụ “đi nhờ xe”, giúp kết nối giữa người có xe và người cần đi nhờ thông qua một ứng dụng di động.
Tính đến thời điểm hiện tại, Uber đã có mặt tại 51 quốc gia với hơn 200 thành phố trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Uber hiện đã có mặt tại TPHCM và Hà Nội.
Hiện giá trị ước tính của Uber vào khoảng 18.2 tỷ USD.
Cách thức tính tiền qua Uber như thế nào?
Cách thức tính tiền trên Uber cũng tương tự như taxi truyền thống, dựa trên quãng đường đi. Tuy nhiên, tất cả các quá trình từ thuê xe, thanh toán đều được thực hiện thông qua ứng dụng Uber, thay vì trực tiếp giữa người đi và tài xế.
Ở một số thành phố, nếu chiếc xe Uber di chuyển với vận tốc lớn hơn 18km/h, giá thành sẽ được tính dựa trên khoảng cách, nếu không, giá cả sẽ được tính toán dựa trên thời gian di chuyển. Khi chuyến đi kết thúc, giá thành sẽ tự động được tính vào thẻ tín dụng của khách hàng. Uber cho biết với dịch vụ của mình, người dùng sẽ không phải trả thêm khoản tiền “boa” dành cho tài xế lái xe như các dịch vụ taxi thông thường.
Trong những khoảng thời gian nhu cầu đi lại cao như đêm giao thừa, năm mới hoặc thời tiết xấu nghiêm trọng, Uber tăng giá dịch vụ, như một cách để khuyến khích các chủ xe tham gia dịch vụ của mình. Khách hàng sẽ nhận được thông báo khi mức giá của dịch vụ tăng lên vào những dịp đặc biệt.
Ưu điểm của Uber là giúp các chủ xe tăng thêm thu nhập thông qua việc chở khách trong thời gian rảnh, không phải bó buộc như dịch vụ taxi. Bản thân công ty Uber sẽ kiếm doanh thu thông qua hoa hồng tự động thu sau mỗi lần dịch vụ được sử dụng.
Đón nhận với dịch vụ Uber
Xuất hiện trong thời gian ngắn, Uber nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới công nghệ. Cuối năm 2011, Uber đã nhận được tổng cộng hơn 49,5 triệu USD tiền đầu tư.
Năm 2011, tờ báo The New York Times gọi Uber là “dịch vụ thông minh nhưng tốn kém”, lưu ý rằng những chiếc xe trong dịch vụ Uber đáp ứng được các tiêu chuẩn về xe vận chuyển, nhưng chậm hơn so với dịch vụ taxi truyền thống tại thành phố New York.
Năm 2013, tờ báo USA Today vinh danh Uber là hãng công nghệ của năm.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2014, Uber nhận được điểm “F” của Better Business Bureau (BBB), tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá các dịch vụ thị trường. Theo BBB, Uber bị điểm “F” vì nhiều người khiếu nại với mức giá quá cao so với tiêu chuẩn.
Phản ứng của chính phủ các nước với Uber
Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh chóng và được đón nhận rộng rãi vì mang lại lợi ích cho cả người dùng lẫn tài xế, tuy nhiên dịch vụ Uber vẫn bị phản đối và cấm tại nhiều quốc gia.
Tại một số bang của Úc, bao gồm New South Wales, Victoria và Queensland đã ban hành lệnh cấp dịch vụ Uber vì chính quyền các bang này cho rằng hoạt động của Uber vi phạm các quy định của Luật giao thông vận tải tại đây. Bên cạnh đó, chính quyền 3 bang này cho rằng các xe tham gia dịch vụ Uber không đáp ứng các tiêu chuẩn về dịch vụ vận chuyển hành khách.
Uber cũng bị cấm tại thủ đô Brussels của Bỉ, nơi mà công ty sẽ bị phạt 10.000 Euro nếu Uber trả phí cho những tài xế không có giấy phép lái xe taxi. Bruxelles-Mobilite, cơ quan chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng và giao thông của Brussels đã tạm giữa 13 xe của Uber vào tháng 3/2014 và một phát ngôn viên của cơ quan này gọi Uber là “bất hợp pháp”.
Mặc dù bị cấm tuy nhiên hiện tại Uber vẫn đang hoạt động tại Brussels và đây là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Uber.
Nhiều cuộc biểu tình chống lại Uber, chủ yếu tiến hành bởi các tài xế taxi “truyền thống”, diễn ra tại nhiều thành phố lớn
Đầu năm 2014, chính quyền thành phố Berlin đưa ra phán quyết chống lại Uber, hoạt động tại các thành phố của Đức bao gồm Berlin, Munich, Frankfurt, Hamburg và Duseldorf, sau 2 vụ kiện do Hiệp hội Taxi Berlin đệ đơn chống lại Uber. Tháng 8, một phán quyết được tòa án đưa ra cấm dịch vụ Uber tại Đức. Tuy nhiên đến tháng 9/2014, tòa án thành phố Frankfurt lại đưa ra quyết định thu hồi lệnh cấm đối với Uber và cho phép dịch vụ này hoạt động trở lại tại Đức.
Chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) cũng đã ban hành một lệnh cấm Uber vào tháng 7/2014 và yêu cầu cảnh sát điều tra dịch vụ này, đồng thời phạt các tài xế sử dụng Uber để vận chuyển khách số tiền 1 triệu Won (974USD), tuy nhiên sau đó lệnh phạt này đã tạm bị bãi bỏ.
Tại Philippines, Indonesia, Pháp và một số quốc gia khác, Uber cũng đã được xem xét tính hợp pháp khi hoạt động, trước nhiều luồng ý kiến cho rằng Uber không đáp ứng các tiêu chuẩn về vận chuyển hành khách.
Ngoài ra, Uber cũng chịu nhiều phản đối và bất bình, chủ yếu từ giới lái xe taxi “chính thống”. Nhiều cuộc biểu tình phản đối dịch vụ này đã được diễn ra tại nhiều thành phố lớn tại châu Âu để phản đối dịch vụ hoạt động này, nơi mà các tài xế taxi phải tốn một khoản phí lớn để có giấy phép lái xe taxi, trong khi với Uber, các tài xế không cần phải mất phí cho giấy phép này vẫn có thể hoạt động được.
Không ít các nghiệp đoàn, hiệp hội vận tải và taxi tại nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức... cũng đã nộp đơn kiện lên tòa án khiếu nại Uber cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên hiện tại Uber vẫn hoạt động và phát triển mạnh tại các thành phố châu Âu, bất chấp lệnh cấm tại một số thành phố lớn.
Phạm Thế Quang Huy