Sẵn sàng chặn đứng vi rút cúm chết người A/H7N9

Chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại cửa khẩu sân bay Nội Bài (Hà Nội).

 
Sẵn sàng chặn đứng vi rút cúm chết người A/H7N9
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra máy đo thân nhiệt tại sân bay Nội Bài. Hiện tại máy vẫn hoạt động, có thể phát hiện các trường hợp có ho, sốt nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 qua biên giới. (Ảnh: Ng.Hằng)
 

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, các sở y tế đề nghị xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H7N9 nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn dịch lây lan.

 

Hiện tại, các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur TƯ và khu vực đều đã có đầy đủ nhân lực, phương tiện máy móc, các sinh phẩm chẩn đoán cúm A/H7N9 và sẵn sàng tiếp nhận bệnh phẩm xét nghiệm, nếu có ca bệnh nghi ngờ.

 

Theo GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: “Hiện còn quá sớm để nói độc tính của vi rút cúm A/H7N9 vì số người mắc vẫn là số ít cá thể, chỉ có 7 trường hợp. Để hiểu rõ điều này, về đường lây truyền, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ca bệnh. Bởi biến dị là đặc tính phổ biến của cúm gia cầm nói riêng và cúm trên người nói chung. Do đó, cần tăng cường giám sát chặt chẽ những ca viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân, các chùm ca bệnh, để phát hiện kịp thời các ca cúm A/H7N9 ở người.

 

Các biểu hiện bất thường ở bệnh nhân có thể xuất hiện cả trên lâm sàng, chụp X-quang, xét nghiệm như ho, sốt cao, phổi có những tổn thương lan tỏa, bạch cầu giảm mạnh do sức miễn dịch giảm... Bộ Y tế lưu ý, đặc trưng của bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ghi nhận được đến nay đều có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh, dẫn đến suy hô hấp”.

  

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án truyền thông về ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép. Ngày 4.4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 55/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm”. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 4/4/2013 và thời gian thực hiện đề án trong 2 năm (2013-2014).
Thời gian qua, trong gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện các chất gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi. Vì vậy, đề án truyền thông này sẽ góp phần quan trọng cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT... thực hiện.
Cấm tất cả các hình thức buôn bán, vận chuyển gia cầm qua biên giới phía bắc. Biện pháp phòng cúm A/H7N9 hữu hiệu nhất là phòng ngừa, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không an toàn, chỉ sử dụng các sản phẩm đã qua nấu chín. Virus cúm gia cầm bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao qua nấu chín thức ăn. Bộ NNPTNT ngày 4.4 đưa ra lệnh cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía bắc, để ngăn ngừa cúm A/H7N9 lây lan qua gia cầm.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị: “Các tỉnh khẩn trương thông tin tới người dân về nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm mới H7N9 cho người gây tử vong và lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm trong nước, vận động người chăn nuôi gia cầm mua giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng.
 
 50 năm qua, trên thế giới thường xuyên xuất hiện các vụ dịch cúm liên quan đến virus cúm A/H7. Trong 10 năm trở lại đây, 6 vụ dịch do chủng cúm H7 phân típ N1, N2, N3, N7... Từ năm 2003, trên thế giới ghi nhận 600 người mắc cúm A/H5N1, trong đó hơn 370 người tử vong, tỉ lệ tử vong rất cao lên đến 60%.

 

Theo Nhóm PV
Lao động