Tử vong cúm A/H7N9 còn cao hơn cả bệnh SARS
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Tỷ lệ tử vong cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là trên 20%. Đây là một tỉ lệ khá cao, hơn cả dịch SARS từng làm thế giới kinh hoàng 10 năm trước, với tỉ lệ tử vong khoảng 10,8%”.
Dễ lây truyền hơn cúm A/H5N1
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam bởi Việt Nam có chung đường biên giới dài với Trung Quốc. Hơn nữa việc nhập khẩu, buôn bán, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm rất phức tạp. Vì vậy, có thể có gia cầm mang vi rút H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam.
“Đáng nói, các chuyên gia rất quan ngại khả năng lây từ gia cầm sang người ở vi rút H7N9 còn mạnh hơn vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Thực tế dịch tại Việt Nam cũng như trên thế giới, số mắc cúm A/H5N1 rất ít. Trong khi đó, cúm A/H7N9 vẫn tiếp tục tăng lên, có xu hướng lan rộng và tỉ lệ tử vong cao hơn cả dịch SARS”, ông Long nói.
Ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đặc tính của vi rút cúm A/H7N9 là dễ biến đổi, thích nghi cao với động vật có vú, do đó nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.
Ông Phu cũng chia sẻ về ca nghi ngờ cúm A/H7N9 là một người Trung Quốc từ Giang Tô (nơi có bệnh nhân cúm A/H7N9 tại Trung Quốc). Bệnh nhân này nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn ngày 24/4 với triệu chứng sốt cao, viêm họng và ngày 26/4 bệnh nhân này đã tử vong tại Hà Tĩnh.
“Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã cách ly toàn bộ đoàn 70 người đi cùng bệnh nhân này, lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm và kết quả cho thấy bệnh nhân âm tính với cúm”, ông Phu nói.
Quyết liệt giám sát
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chủng cúm mới là rất nguy hiểm. Việt Nam vừa phải đối mặt với dịch cúm A/H7N9 đang đe dọa, vừa phải tăng cường phòng chống cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Mọi chủng cúm đều có tỉ lệ nhất định gây tai biến nặng, vì vậy khâu giám sát, phát hiện ca bệnh sớm là vô cùng quan trọng.
Tất cả các ca viêm phổi nghi ngờ do vi rút đều cần tiến hành làm xét nghiệm. Thực tế, khâu lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi ngờ đã được tăng cường. Trước kia tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư trung bình mỗi tuần chỉ xét nghiệm khoảng 5 mẫu bệnh phẩm, nay đã tăng lên 30 mẫu mỗi tuần.
“Dù chưa xác định rõ đường lây truyền nhưng rõ ràng, cùng là nguồn gốc từ gia cầm nhưng cúm A/H7N9 dễ nhiễm hơn hẳn cúm A/H5N1. Trên thế giới, từ đầu năm 2013 đến nay cả thế giới chỉ ghi nhận 18 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 (14 tử vong), còn dịch cúm mới tại Trung Quốc, trong hơn một tháng đã có tới 127 ca bệnh, 27 trường hợp tử vong. Hơn nữa, cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi môi trường bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 thì dễ lây sang người. Vì thế, các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ một đại dịch cúm A/H7N9 có thể xảy ra”, ông Long nói.
Trong khi đó, ở trong nước, ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng song cửu long, những tỉnh có biên giới giáp với Campuchia. Dù kết quả xét nghiệm chưa tìm thấy H7N9, nhưng nguy cơ rất cao từ gia cầm nhập lậu, trứng nhập lậu, việc phát hiện và xử lý ổ dịch trên gia cầm chưa được triệt để do ý thức khai báo dịch của người dân chưa cao, thói quen chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chăn nuôi vịt chạy đồng rất phổ biến.
Vì thế, theo ông Long, để phòng cả hai chủng cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, việc thực hành vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ, không sử dụng gia cầm ốm, chết, không vứt thả các gia cầm ốm, chết dọc theo các kênh mương… là rất quan trọng.
“Ngay cả sản phẩm gia cầm làm sạch vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh H7N9. Vì thế, cần xử lý chế biến đúng cách như nấu chin bằng nhiệt độ thì không có nguy cơ gây bệnh”, ông Long khuyến cáo.
Hồng Hải