“Truy tìm” vi rút H7N9 trên đàn gia cầm

(Dân trí) - Trước nguy cơ cao dịch cúm A/H7N9 nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, các cơ quan chức năng một mặt tăng cường kiểm dịch biên giới, phát hiện sớm ca bệnh, một mặt “truy tìm” vi rút này trên đàn gia cầm trong nước để kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch.

Tại Hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam, do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp tổ ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam bởi Việt Nam có chung đường biên giới dài với Trung Quốc.
 
Hơn nữa việc nhập khẩu, buôn bán, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm rất phức tạp. Vì vậy, có thể có gia cầm mang vi rút H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam. Đặc tính của vi rút cúm A/H7N9 là dễ biến đổi, thích nghi cao với động vật có vú, do đó nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra. Trong khi đó, tại Trung Quốc, dù đã ghi nhận 127 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, 27 trường hợp tử vong và đã xác định được vi rút cúm A/H7N9 có gen từ nguồn gốc vi rút cúm gia cầm, là tổ hợp gen của nhiều loại vi rút cúm khác nhau, nhưng đến nay, tại nước này chưa phát hiện ổ dịch gia cầm ốm hoặc chết do vi rút A/H7N9.
 
Đáng nói, đến nay vẫn chưa thể xác định được đường lây truyền của chủng vi rút này, chưa thể khẳng định cũng như loại trừ nguy cơ lây từ người sang người. Trong 970 mẫu bệnh phẩm thu được từ chợ bán gia cầm sống của thành phố Thượng Hải và tỉnh An Huy thì chỉ có 20 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7N9. Điều này cho thấy việc phát hiện được vi rút trên đàn gia cầm là rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tích cực truy tìm vi rút A/H7N9 trên đàn gia cầm trong nước.
 
Đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 mẫu vịt tại An Giang, Đồng Tháp dương tính với vi rút H7 nhưng chưa xác định được N gì. Về phía Bộ Y tế, Bộ Y tế cũng đã xét nghiệm một số mẫu gia cầm và cũng chưa phát hiện vi rút H7N9 mà là H7N3. Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, bắt đầu từ tháng 5, Bộ này sẽ phối hợp với Tổ chức Nông lương tại Việt Nam sẽ tiến hành lấy khoảng 18.000 mẫu trên gia cầm tại 60 chợ đầu mối thuộc 9 tỉnh miền Bắc để xét nghiệm để tìm vi rút H7N9. Trước đó, xét nghiệm sàng lọc 634 mẫu gia cầm cũng không phát hiện vi rút H7N9. Còn trong 425 mẫu gia cầm lấy tại 30 tỉnh, thành có 95/425 mẫu gia cầm dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N1.

Trong cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông lương thế giới, Ngân hàng thế giới, Cơ quan phòng chống bệnh dịch Hoa Kỹ CDC cũng đã cam kết sẽ ủng hộ Việt nam trong việc đối phó với nguy cơ dịch bệnh mới này.

Chống cúm A/H7N9 cần gần 2.000 tỷ đồng

Trước nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9 vào Việt Nam, Bộ Y tế đã đề ra 4 kịch bản phòng chống cúm: chưa có cúm vào Việt Nam, có ca cúm A/H7N9, các ca cúm A/H7N9 rải rác và bùng phát mạnh. Tổng số số tiền cần có cho cả 4 phương án phòng chống cúm ước tính khoảng 97,7 triệu đô la Mỹ (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng). Giai đoạn 1 như hiện nay, Việt Nam cũng cần khoảng 17,3 triệu đô la Mỹ (hơn 360 tỷ đồng), trong đó ngân sách Nhà nước bỏ ra khoảng 7,3 triệu đô la.

 Hồng Hải