Rượu bia hủy hoại lá gan như thế nào?
(Dân trí) - Thống kê chỉ ra rằng, một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia) trong một năm. 48% thanh niên từ 14 - 17 tuổi cũng uống rượu bia.
Tất cả các độc chất vào cơ thể phải được khử độc, và chỉ có một con đường duy nhất là chuyển hóa ở gan. Vì vậy, có thể nói gan là cơ quan gánh hết tất cả các độc chất của cơ thể.
Nhiều thói quen sinh hoạt phản khoa học của người Việt, được xem là thủ phạm chính khiến gan bị nhiễm độc, đặc biệt là lạm dụng rượu bia.
Uống bao nhiêu được coi là quá nhiều?
Mức tiêu thụ rượu bia hàng ngày càng cao thì nguy cơ mắc bệnh gan càng lớn. Tỷ lệ mắc xơ gan chiếm khoảng 1% ở những bệnh nhân uống 30 - 60g rượu bia mỗi ngày, và chiếm 5,7% ở những người tiêu thụ 120g mỗi ngày.
Mức an toàn của việc uống rượu bia hàng ngày là khoảng 2 lon bia, 2 ly rượu vang hoặc 2 cốc rượu mạnh.
Uống rượu bia càng có hại hơn nữa nếu cơ thể hấp thu và chuyển hóa một lượng lớn bia rượu trong cùng một lúc khiến gan quá tải.
Phụ nữ uống rượu bia thường dễ mắc nguy cơ tổn thương gan cao hơn, do vóc dáng cơ thể của phụ nữ thường nhỏ hơn đàn ông, tốc độ hấp thu và chuyển hóa rượu bia cũng chậm hơn.
Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ.
Rượu bia tàn phá lá gan như thế nào
Theo các chuyên gia, khi uống rượu bia, chất cồn (ethanol) được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu; còn 90% còn lại đi thẳng qua gan. Với chức năng thải độc cơ thể, gan là cơ quan chịu nhiều tổn thương nhất do tác hại của rượu bia. Thực tế, đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương cho gan.
Cụ thể, tại gan ethanol được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme ADH. Các enzyme ADH biến đổi ethanol tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây độc lên hầu hết các hệ cơ quan.
Sau đó, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Tuy nhiên, vì khả năng của gan chỉ có hạn, nó chỉ có thể sản sinh ra một lượng enzyme nhất định mỗi giờ, tương ứng với một lượng acetaldehyde nhất định được chuyển hóa. Do vậy nếu uống rượu, bia với số lượng quá nhiều, thì gan không kịp sản xuất đủ số lượng men để chuyển hóa Acetaldehyde nữa. Khi đó Acetaldehyde tồn tại trong cơ thể, gây phá hủy tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính. Khi các tế bào trong gan bị phá hủy sẽ giải phóng men gan vào máu gây ra tình trạng men gan tăng cao.
Lạm dụng rượu bia dẫn tới những hậu quả gì?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu uống rượu bia quá nhiều và uống trong thời gian có thể gây ra các bệnh: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu và thậm chí là ung thư gan.
- Gan nhiễm mỡ: Là hiện tượng tích mỡ trong tế bào gan, xảy ra ở những người uống nhiều rượu. Đồng thời đây cũng là giai đoạn sớm nhất của bệnh gan do rượu. Ở giai đoạn này, nếu ngừng uống rượu các tế bào gan có thể phục hồi, nếu không sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan.
- Viêm gan do rượu: có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Thể nhẹ thường không có triệu chứng gì, nếu có chỉ là sự bất thường men gan trong máu. Thể nặng , bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, vàng da, đôi khi đau tức vùng gan.
- Xơ gan do rượu: là tình trạng mô gan bị xơ hóa, thay đổi cấu trúc và dần mất đi chức năng. Ở giai đoạn này, tình trạng người bệnh đã ở ngưỡng báo động nếu không chịu từ bỏ rượu sẽ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Chứng xơ gan hoàn toàn có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng hơn như suy gan và đặc biệt là ung thư gan. Trong thực tế lâm sàng người ta nhận thấy 70-80% ung thư gan phát triển trên nền xơ gan.
- Ung thư gan: Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Tiên lượng bệnh ung thư gan thường là nặng, tiên lượng xấu nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như cổ chướng ung thư, chèn ép đường mật trong gan, xuất huyết tiêu hóa cao, vỡ khối u, chèn ép tĩnh mạch trên gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới. Bệnh có thể di căn trong gan, phổi, màng phổi, xương, hạch, não