Nỗi lo của những người Hà Nội 40 ngày bị nước lũ bao vây
(Dân trí) - Đối mặt với trận lụt "trăm năm chưa từng thấy", chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng qua, nhiều người dân tại rốn lũ Hà Nội đã có khoảng 40 ngày sống giữa biển nước.
Hà Nội những ngày qua hửng nắng. Tại nhiều khu vực những dấu tích của bão Yagi gây ra đã gần như biến mất hoàn toàn. Thế nhưng, tại vùng rốn lũ xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ), nhiều hộ dân vẫn đang phải sống trong cảnh ngập lụt kéo dài.
Nước lụt ô nhiễm, rác thải bủa vây; đồ đạc, phòng ốc ẩm mốc; sức đề kháng bị bào mòn sau hơn 2 tháng chống chọi với lũ dấy lên nguy cơ bệnh tật cho người dân nơi đây.
Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tháng, nhà bà Nguyễn Thị Tuyến (60 tuổi) đã có 40 ngày chìm trong biển nước. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân ở thôn Nam Hải.
"Trận lụt trước, nhà tôi ngập trong 16 ngày. Nước rút, vừa về dọn dẹp ở được vài hôm thì lại phải chạy lụt. Trận lụt thứ hai này còn dữ dội hơn, nước ngập đến cửa sổ. Đến nay đã sang ngày thứ 22 nhưng ở sân, nước vẫn ngập đến mắt cá", bà Tuyến cho biết.
Nước lụt bao quanh thôn Nam Hải sộc lên mùi hôi thối nồng nặc đặc trưng của chất thải và xác động vật thối rữa. Nhiều người dân nơi đây cho biết, mỗi ngày trôi qua, nước lại càng nặng mùi hơn.
Rác thải tràn vào nhà rất nhiều, mỗi ngày, cả gia đình bà Tuyến phải ngâm trong dòng nước ô nhiễm gom rác thải, lá cây, xác cá chết vào bao tải, để tập kết ra ngoài. Riêng trong lần ngập trước, gia đình bà phải gom đến 40 bao tải rác như vậy.
Tiếp xúc thường xuyên với nước bẩn, nhiều người dân ở khu vực ngập lụt, xã Nam Phương Tiến gặp các tình trạng da liễu như: nước ăn chân tay, da nổi mẩn đỏ, viêm nhiễm.
Nằm sát đê sông Bùi, thôn Nhân Lý là khu vực ngập sâu, ngập lâu nhất tại xã Nam Phương Tiến. Nhiều người dân ở sâu trong vùng trũng thấp vẫn hàng ngày phải bơi thuyền để ra bên ngoài lấy nước sạch và nhu yếu phẩm.
Trẻ em vẫn phải lội nước để đến trường cũng dấy lên mối lo về nguy cơ nhiễm bệnh, khi đây là đối tượng có sức đề kháng yếu.
Anh Huỳnh, 42 tuổi, xóm Miếu, thôn Nhân Lý dùng vòi cao áp cố gắng xịt thật sạch rêu mốc bám ở tường. Trong 3 ngày qua, người đàn ông này cật lực dọn dẹp vệ sinh nhà cửa.
Thế nhưng, dù đã đánh xà phòng kỹ, phòng ngủ vẫn xộc lên mùi ẩm mốc sau nhiều ngày ngâm trong nước. "Tôi vẫn chưa dám đón vợ con về ở hẳn vì lo nguy cơ lây nhiễm bệnh, do nấm mốc và các mầm bệnh do nước lũ để lại", anh Huỳnh nói.
Nước sạch cũng là một vấn đề nan giải. Bà Chân, thôn Nhân Lý cho biết, nhà có giếng khoan sâu đến 65m. Đợt lụt trước, khi nước rút, bà bơm nước giếng khoan lên thấy khá trong nên đã dùng để tắm. Kết quả là ngứa ngáy khắp người. Do đó, trận lụt này, bà Chân buộc phải dùng nguồn nước sạch chở từ bên ngoài về để vệ sinh cá nhân.
Tranh thủ buổi trưa trời hửng nắng, nhiều người dân mang áo quần, chăn màn, chiếu, đồ đạc bị ngâm nước ra phơi phóng. Nhận thức rõ nguy cơ bệnh tật sau lũ, người dân nơi đây tìm đủ mọi cách để loại bỏ mầm bệnh, từ đánh xà phòng thật kỹ đồ đạc, ngách tường cho đến luộc bát đũa, vật dụng nhỏ.
Để chung tay cùng người dân kiểm soát dịch bệnh, xuyên suốt thời gian vừa qua, ngành y tế địa phương cũng đã cấp các loại thuốc khử khuẩn như: chloramin B, thuốc bôi ngoài da, nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, cũng như đáp ứng y tế kịp thời khi cần.
Nhìn bức tường ngôi nhà mới xây bám đầy rêu mốc sau nhiều tuần liền ngâm trong nước lũ, chị Hoa, 36 tuổi, thôn Phương Hạnh lắc đầu ngán ngẩm. Căn nhà vừa được khánh thành cách đây không lâu.
Vị trí của căn nhà mới nằm cao hơn nhà cũ khoảng 2m. "Chán cảnh lụt lội, căn nhà mới này được chúng tôi chọn vị trí rất kỹ, hỏi kinh nghiệm của nhiều người. Chắc mẩm thể nào nước không thể lên được tới đây", chị Hoa kể.
Thế nhưng trận lụt vừa rồi, nước tràn vào nhà cao tới 1m, cả gia đình 7 người bồng bế nhau lên tầng hai lánh nạn. "Nhiều người già trong xã khẳng định cả trăm năm qua chưa có trận lụt nào kinh hoàng đến vậy", chị Hoa nói.
Nước rút chưa kịp vui, người phụ nữ lại lo sang tháng 10 nếu mưa nhiều lại thêm một lần nữa phải "chạy lụt".
Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sống trong môi trường ẩm mốc sau lũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Trước hết, phải kể đến bệnh nấm phổi do người dân hít phải các bào tử nấm. Với người có miễn dịch yếu, suy giảm vốn đặc trưng ở người dân ở vùng ngập lụt kéo dài, dễ dẫn đến nhiễm nấm phổi.
"Nấm phổi trên nền suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến viêm phổi do nấm. Triệu chứng giống các bệnh lý hô hấp như: ho, tức ngực, khó thở", BS Thiệu cho hay.
Ngoài nấm, môi trường ẩm thấp cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus xâm nhiễm.
Bên cạnh đó, nước lũ cuốn theo các loại rác thải gây nguy cơ về mất vệ sinh môi trường cũng như sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, ngay sau khi nước rút, những vấn đề về y tế, sức khỏe và môi trường sẽ là những gánh nặng đi kèm trong công tác phục hồi khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi.