1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những phản ứng nào có thể xảy ra sau tiêm vắc xin Covid-19?

Nam Phương

(Dân trí) - Sau tiêm, nếu thấy có bất cứ biểu hiện khó chịu, bứt rứt, vã mồ hôi, ớn lạnh, nổi phát ban…, người được tiêm cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Trong đợt đầu tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và tại 13 địa phương đang có dịch. Bộ Y tế cũng đã có quyết định phân bổ lượng vắc xin cụ thể cho từng đơn vị.

Trong đó sáng 8/3 sẽ triển khai tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Hải Dương. Các đơn vị còn sẽ lại bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 9/4. 

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cho biết vắc xin Covid-19 là vắc xin rất mới, dù trên thế giới đã có 25 quốc gia triển khai tiêm vắc xin này trong đó có Việt Nam. Thời gian triển khai tiêm rất ngắn, nên các kinh nghiệm triển khai, các tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ. 

Cũng như tất cả các vắc xin khác, vắc xin cũng như là một loại thuốc khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc. Ngoài phản ứng sốc tại chỗ trong vòng 30 phút sau tiêm thì người tiêm có thể có phản ứng chậm hay phản ứng quá mẫn muộn có thể xảy ra trong 1-2 ngày đầu sau tiêm. 

Những phản ứng nào có thể xảy ra sau tiêm vắc xin Covid-19? - 1

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng (Ảnh: Trần Minh). 

Vì vậy, để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành tiêm chủng, cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin để vắc xin được đảm bảo an toàn, chất lượng. Đồng thời, phải luôn lưu ý có hộp chống sốc, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ về phác đồ chống sốc cho người lớn. Điểm này có khác với Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trước chủ yếu trang bị các phương tiện phòng chống sốc, phác đồ phòng chống sốc cho trẻ em. 

"Cán bộ y tế trước khi tiêm phải trao đổi với đối tượng được tiêm, hỏi rõ họ về tiền sử bệnh tật, xem có đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mãn tính phải điều trị hay không, có tiền sử dị ứng, tiền sử sốc phản vệ hay không. Trong buổi tiêm chủng, chúng tôi lưu ý các đơn vị phải cử cán bộ y tế thường xuyên theo dõi sức khỏe của người được tiêm", PGS Hồng lưu ý. 

Trong buổi tiêm chủng, chuyên gia cũng khuyến cáo cán bộ y tế phải thực hành tiêm chủng đúng theo đúng hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng: mũi tiêm bắp, khi sử dụng cán bộ y tế không lắc lọ vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vắc xin tốt nhất cho mũi tiêm. Trong quá trình tiêm chủng luôn luôn phải đảm bảo giãn cách nhất định để vừa đảm bảo tiêm chủng vừa đảm bảo phòng bệnh Covid-19.

Với người được tiêm, sau khi tiêm thì ở lại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng 30 phút, đồng thời tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong 1-2 ngày. 

Những phản ứng nào có thể xảy ra sau tiêm vắc xin Covid-19? - 2

Các phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra

- Phản ứng rất phổ biến (≥10%) như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt  ≥ 38 độ C), ớn lạnh, đôi khi có thể có triệu chứng rét run. 

- Phản ứng phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

- Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn... có thể xảy ra sau tiêm vắc xin nhưng hiện nay WHO chưa có đầy đủ dữ liệu. Đến nay cũng chưa có một bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng đã được ghi nhận ở các quốc gia khác có liên quan đến vắc xin

"Có bất kể biểu hiện gì bất thường, người được tiêm đều phải nói ngay với các cán bộ y tế. Những biểu hiện này có thể gồm khó chịu, bứt rứt, kích thích vật vã, sốt quá cao, co giật, hạ nhiệt độ hay vã mồ hôi, ớn lạnh, nổi phát ban, buồn nôn…- bất kể quan ngại gì lo lắng thì người được tiêm hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xử trí kịp thời", PGS Hồng nhấn mạnh. 

"Chúng tôi mong muốn không có những biến cố thực sự trầm trọng bất kỳ xảy ra trong đợt tiêm tới đây mà không được xử trí kịp thời", chuyên gia cho biết thêm.

Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thông điệp 5K. 

Những trường hợp không được tiêm vắc xin Covid-19

Theo PGS Hồng là những chống chỉ định của vắc xin, là những trường hợp có dị ứng với một số thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm chủng trước. 

Những trường hợp được chỉ định tiêm vắc xin

Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Phụ nữ có thai: Khuyến cáo tiêm vắc xin khi lợi ích của vắc xin vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi chẳng hạn như đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc Covid-19 nặng.

Phụ nữ cho con bú: Tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ. Không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.

Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch: Tiêm vắc xin nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng. Không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.

Người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: Chỉ định tiêm dù có hoặc không triệu chứng.

Người đang mắc Covid-19: Tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.

Người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng Covid-19: Tiêm sau 90 ngày.

Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền: Cần tiêm vắc xin vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Những trường hợp tạm hoãn tiêm chủng 

Đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển.

Hoãn tiêm chủng cho những người đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp PCR, chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.

Người có tiền sử điều trị sử dụng kháng thể kháng Covid-19 trước đó: Chỉ định tiêm sau 90 ngày điều trị.