Khan hiếm khẩu trang y tế chỉ là "tát nước theo mưa"?

(Dân trí) - Dịch cúm A/H1N1 lan nhanh trên diện rộng. Bên cạnh thuốc Tamiflu tự do khan hiếm ảo, việc bán… khẩu trang y tế cũng đang trong tình trạng “tát nước theo mưa”.

“Đục nước béo cò”

 

Khan hiếm khẩu trang y tế chỉ là "tát nước theo mưa"?  - 1

Chính những thông báo này đã tạo nên một cơn sốt ảo để cho giới đầu cơ trục lợi? (Ảnh: H.Hải)

 
Trong thời gian qua, báo chí cũng đã liên tục phản ánh tình trạng để ngăn ngừa, đối phó với vi rút cúm A/H1N1, người dân đổ xô đi mua khẩu trang. Khẩu trang y tế trở nên khan hiếm lạ thường. Nhà thuốc tất bật bán khẩu trang y tế nhiều hơn là bán thuốc. Nhiều nhà thuốc đã “cháy hàng” thật sự. Khách đổ xô vào mua mà không đủ khẩu trang để bán. Tránh phiền lòng “thượng đế”, nhiều nhà thuốc đã dán bảng: “hết khẩu trang y tế” ngay trước cửa. Các nhà thuốc ở gần khu vực bộ 3 bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Ung Bứu, bệnh viện Quốc tế Coumbia (quận Bình Thạnh) dán bảng thông báo hết khẩu trang liên tục mấy ngày liền. Một số nhà thuốc lớn như Mỹ Châu đến các cửa hàng chuyên cung cấp dụng cụ y khoa như Toàn Nha, An Khang, Tuấn Hải cũng cho biết “cháy” hàng khẩu trang y tế.

 

Giá khẩu trang “đội” lên gấp vài lần so với bình thường lúc chưa xảy ra dịch cúm. Bình thường một hộp khẩu trang y tế 50 cái giá 30-45.000 đồng thì nay lên đến 130.000-150.000 đồng. Có cửa hàng không chịu bán khẩu trang bịch mà bán lẻ với giá 4.000 đồng/cái. Thực tế, nhiều đơn vị cho nhân viên đi thu gom khẩu trang để rồi bán lại với giá cắt cổ. Có nhà thuốc ghim hàng để lợi dụng lúc khan hiếm bán với giá cao. 

 

Không những khẩu trang bị làm giá mà nhiệt kế điện tử, dung dịch rửa tay, sát khuẩn cũng hút hàng. Nhiều công ty đã cho nhân viên đi “săn” khẩu trang, dung dịch lau chùi bồn cầu, nền nhà… về “dự phòng”. Buồn nhất vẫn là chuyện “lùng mua” Tamiflu. Dù rằng đã có khuyến cáo, khi nào có triệu chứng cúm A/H1N1 mới được uống tamiflu theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nhiều người vẫn “lo xa” bằng cách tự đi mua thuốc để phòng thân. Cũng từ việc lo “xa” này mà nhiều đối tượng đầu cơ để bán thuốc Tamiflu trôi nổi trên thị trường với giá gấp 3, 4 lần với quy định.

 

Khi PV thực hiện bài viết này, ông H.S - Quản lý một tòa nhà cao ốc “hoành tráng” giữa quận 1 thì thầm rằng, ban quản lý tòa nhà phải đi mua thuốc Tamiflu có thời hạn sử dụng hết vào tháng 3/2009. Thế nhưng, theo ông, vào thời điểm này “có còn hơn không”.

 

  quan chức năng nói gì?

 

Trước thực tế của việc một số mặt hàng “té” theo cúm A/H1N1, một số đơn vị chức năng cũng đã ráo riết vào cuộc để ngăn chặn tình trạng ghim hàng, nâng giá này. 

 

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, người dân cần “tỉnh táo” và nhận thức một cách đúng đắn hơn về cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 không chỉ lây lan qua đường hô hấp mà còn lây lan qua việc bắt tay, giữ cơ thể không sạch sẽ… Việc đeo khẩu trang chỉ nên dùng khi người đang bị bệnh, khi đến nơi đông người. Đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp ngăn ngừa, chống cúm A/H1N1 chứ không phải là biện pháp duy nhất.

 

Khan hiếm khẩu trang y tế chỉ là "tát nước theo mưa"?  - 2

Sự lo lắng, nôn nóng đi mua thật nhiều khẩu trang đã góp phần đẩy giá lên cao bất hợp lý (Ảnh: H.Hải)

“Chúng ta đổ xô đi mua khẩu trang để rồi tạo ra một cơn sốt ảo. Chính những người nôn nóng mua khẩu trang đã tạo sự hút hàng không cần thiết. Biết đeo khẩu trang mà khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ cũng bị cúm. Khẩu trang vải cũng xài được để chống cúm chứ tại sao không? 2 khẩu trang vải bình thường có 6.000 đồng, xài cả 2 năm cũng không hư nếu biết giặt sạch, dùng bàn là ủi…”, bác sĩ Nghiệm chia sẻ.

 

Việc một số doanh nghiệp tự ý nâng giá khẩu trang thể hiện một đạo đức kinh doanh kém. “Mà tôi tin, doanh nghiệp làm ăn uy tín thì không có làm cái chuyện trục lợi đâu. Như vậy thì vô đạo đức quá. Cơ quan chức năng sẽ có giải pháp khuyến cáo và xử phạt nặng những đơn vị, cá nhân đầu cơ trục lợi này”, bác sĩ Nghiệm cho biết. 

 

Ông Lê Xuân Đài, Phó chi cục trưởng - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, trước tình trạng đầu cơ, ghim hàng, tăng giá theo cúm A/H1N1, QLTT TPHCM đã chỉ đạo xuống các đội QLTT các quận tiến hành kiểm tra, giám sát các điểm mua bán khẩu trang y tế, các nhà thuốc… Cơ quan chức năng này sẽ kiểm tra khẩu trang về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, niêm yết giá, nhãn hàng hóa… Nếu phát hiện có vi phạm về nâng giá, sai quy chế nhãn mác hàng hóa thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ tình tiết để áp dụng khung hình phạt theo Nghị định 06, Nghị định 54 và Nghị định 107/2008NĐ - CP của Chính phủ.

 

“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm những nhà thuốc, cá nhân tự ý nâng giá, vi phạm các quy định của nhà nước. Nếu anh phát hiện nhà thuốc nào bán nâng giá khẩu trang thì hãy gọi ngay cho chúng tôi theo 39325251 hoặc 39321020 (số điện thoại của Chi cục QLTT TPHCM)”, ông Lê Xuân Đài nhấn mạnh. 

 

Đồng quan điểm với “cấp trên”, ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội QLTT Q.Bình Thạnh cho biết, Chi cục đã có chỉ đạo đến Đội triển khai kiểm tra các điểm kinh doanh, nhà thuốc bán khẩu trang. QLTT Bình Thạnh đang bố trí lực lượng theo dõi việc mua gom khẩu trang để tạo giá biến động. Thế nhưng, cái khó khăn đối với các đơn vị QLTT là một số cá nhân trục lợi bằng cách thu gom số lượng nhỏ lẻ nên không thể xử phạt được nếu như không chứng minh được đó là hành vi gom hàng để đầu cơ.

 

Dù đó là khẩu trang nội địa hay ngoại nhập mà không giấy tờ hợp pháp, nâng giá quá mức đều bị xử lý theo pháp luật”, ông Vị cho biết.   

Công Quang