1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thêm 1 thanh niên trẻ khỏe tử vong vì virus H1N1

(Dân trí) - Lại thêm một thanh niên trẻ, hoàn toàn không có bệnh mãn tính tử vong tại Tây Ninh sau 15 ngày biểu hiện cúm. Biểu hiện ban đầu rất nhẹ nhưng do bệnh nhân không được điều trị ngay nên bị viêm phổi nặng nề không thể phục hồi.

Thêm 1 thanh niên trẻ khỏe tử vong vì virus H1N1 - 1
Da số bệnh nhân cúm A/H1N1 biểu hiện nhẹ nhàng nhưng vẫn có 10% trường hợp có biến chứng, trong đó 1/3 ca tử vong rơi vào người trẻ (Ảnh: T.Nguyên)
 
Bệnh nhân 32 tuổi (trú tại Lạc Sơn, Hoà Bình). Hai ngày trước khi vào Tây Ninh thăm người thân, bệnh nhân có sốt, ho, đau họng nhưng do biểu hiện nhẹ nên đã tự mua thuốc và vẫn tiếp tục chuyến đi.

Sau vài ngày, triệu chứng ho, sốt kèm đau ngực nên ngày 23/10/2009 đến khám và nhập bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do virus nghi cúm A/H1N1 và điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh, Tamiflu. Sau một ngày, tình trạng bệnh không cải thiện nên được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán tương tự và tiếp tục được hồi sức tích cực, tiếp tục điều trị Tamiflu, kháng sinh, thở máy hỗ trợ nhưng kém đáp ứng với điều trị và tử vong lúc ngày 03/11/2009.

Ngoài ra, một bệnh nhân cúm A/H1N1 khác tử vong cũng được Bộ Y tế thông báo hôm 5/11, Đây là ca tử vong đầu tiên ở tỉnh Sơn La, và là ca tử vong thứ 5 ở miền Bắc liên quan đến cúm A/H1N1.

Đây là một bệnh nhân nữ (54 tuổi trú tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Ngày 20/10/2009, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi nên tự mua thuốc tự điều trị ở nhà nhưng không đỡ, tình trạng khó thở ngày một nặng. Ngày 27/10/2009 bệnh nhân đến khám và nhập Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia được chẩn đoán và được điều trị ngay bằng Tamiflu, kháng sinh, hồi sức và có kết quả xét nghiệm nhiễm cúm A/H1N1 sau một ngày. Sau 5 ngày điều trị bệnh nhân đã âm tính với cúm A/H1N1 nhưng tình trạng viêm phổi diễn tiến ngày càng nặng, phải thở máy hỗ trợ nhưng vẫn không qua khỏi. Bệnh nhân tử vong sau 7 ngày điều trị, với chẩn đoán viêm phổi do vi rút cúm A/H1N1/đái tháo đường.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 39 ca tử vong liên quan đến cúm A/H1N1. Trong số 39 trường hợp tử vong này, thì 1/3 là rơi vào người trẻ khoẻ, không có bệnh lý mãn tính kèm theo.

Theo TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, đây là một điểm rất khác biệt giữa cúm mùa thông thường và cúm A/H1N1. Dù tới 90% bệnh nhân cúm A/H1N1 có biểu hiện bệnh nhẹ, tương tự cúm mùa nhưng còn 10% thì diễn tiến bệnh rất nhanh, không chỉ rơi vào các đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính, trẻ em, người già… mà vi rút cúm này cũng tấn công mạnh ở những người trẻ khoẻ (đối tượng từ 20 – 29 tuổi có tỷ lệ tử vong chiếm trên 25%).

Vì thế, tất cả mọi người khi có biểu hiện cúm không được chủ quan mà nên được tư vấn, theo dõi điều trị ở cơ sở y tế gần nhất. Vì mùa đông đã tới, bệnh nhân cúm A/H1N1 chắc chắn sẽ biểu hiện nặng nề hơn, diễn tiến nhanh hơn nếu không kịp thời điều trị nguy cơ tử vong rất cao.

Hồng Hải