Đi ngoài ra máu, người phụ nữ phát hiện hơn 100 polyp trong đại tràng

(Dân trí) - Người phụ nữ 53 tuổi, ở Quảng Ninh được chẩn đoán bị đa polyp đại trực tràng đã ung thư hóa, phải cắt toàn bộ đại trực tràng, nạo vét hạch, tạo hậu môn nhân tạo để ngăn ung thư di căn.

Các bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật điều trị cho một bệnh nhân nữ bị đa polyp đại trực tràng. Đây là căn bệnh hiếm gặp, có tính di truyền với đặc trưng có hàng trăm, hàng nghìn polyp nhỏ trong lòng ống tiêu hóa. 

Bệnh nhân là bà Hoàng T.T (53 tuổi, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh), có biểu hiện đau bụng, đại tiện phân máu nhiều tháng nay. Bà được chỉ định nội soi mê đại trực tràng, kết quả phát hiện manh tràng, trực tràng, đại tràng có nhiều polyp (trên 100 polyp) có hình dáng, kích thước khác nhau. Polyp lớn nhất có đường kính trên 2cm.

Trực tràng từ đoạn sát ống hậu môn đến đoạn cách rìa hậu môn 8cm có tổ chức u sùi nham nhở, dễ chảy máu. 

Đi ngoài ra máu, người phụ nữ phát hiện hơn 100 polyp trong đại tràng - 1
Hình ảnh nội soi đại trực tràng của bệnh nhân mắc bệnh đa polyp đại tràng.

Kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa xâm nhập qua cơ niêm. Bệnh nhân được chẩn đoán bị polyp đại tràng ung thư hóa và chỉ định cắt toàn bộ đại tràng, cắt cụt trực tràng và nạo vét hạch.

Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị chăm sóc phục hồi tích cực, tình trạng sức khỏe ổn định và được xuất viện sau 1 tuần. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được hóa xạ trị để trị tận gốc, phòng ngừa tái phát ung thư.

Ths.BS CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết đây là một ca bệnh đa polyp đại trực tràng đã ung thư hóa, có xâm lấn tổ chức xung quanh nên phẫu thuật cắt toàn bộ đại trực tràng, cắt cụt trực tràng, nạo vét hạch, tạo hậu môn nhân tạo. Đây là lựa chọn cần thiết, tối ưu để ngăn chặn ung thư di căn, giúp người bệnh thoát nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian sống.

Phẫu thuật này rất phức tạp, nặng nề, thời gian kéo dài, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, thao tác chuẩn xác, tránh tổn thương mạch máu lớn, đảm bảo vét hạch rộng, kiểm soát biến chứng mất máu, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết mổ, mất dịch điện giải do cắt bỏ đại tràng.

Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên bề mặt ruột già (trong lòng ruột, trong thành ruột hay ở bề mặt bên ngoài- ngoài thanh mạc) còn gọi là đại tràng. Một người có thể có nhiều hơn một polyp đại tràng.

Đa phần polyp đại tràng ở dạng lành tính và không phải tất cả chúng đều là ung thư. Tuy nhiên theo thời gian, một trong số chúng có thể thay đổi cấu trúc, trở nên ác tính. Đặc biệt với đa polyp đại tràng thì trong lòng ống tiêu hóa sẽ xuất hiện hàng trăm polyp và tất cả đều có thể trở thành ung thư nên vô cùng nguy hiểm. 

Vì vậy, polyp thường được loại bỏ khi chúng được phát hiện trên nội soi, ngăn chặn nguy cơ polyp đó ung thư hóa.

Polyp và ung thư đại trực tràng có xu hướng gặp nhiều người trong gia đình, cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển polyp. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tầm soát ung thư đại tràng. Do tính chất di truyền bệnh nên khi một người trong gia đình mắc đa polyp đại tràng, ung thư đại tràng thì người thân ruột thịt như bố/mẹ/con/anh, chị, em ruột phải đi khám sàng lọc ung thư càng sớm càng tốt.

Để phòng tránh nguy cơ ung thư đại trực tràng, người dân nên ăn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi, hạn chế đồ chiên dầu mỡ, giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ đúng giờ, tránh áp lực, stress trong công việc.

Hà An