Nguy cơ ung thư từ viêm đại tràng, đừng xem thường căn bệnh "ăn uống" này

(Dân trí) - Một trong những biến chứng nguy hiểm và đáng sợ nhất của bệnh viêm đại tràng mạn tính là ung thư đại tràng.

Đau bụng do viêm đại tràng, đừng coi thường

Đau bụng do viêm đại tràng, đừng coi thường

 Viêm đại tràng là gì?

Viêm đại tràng thực chất là tình trạng tổn thương niêm mạc với các vết loét nông hoặc sâu tùy vào mức độ bệnh. Các ổ loét này là nơi chứa đựng các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…

Khi thời gian bị bệnh kéo dài và không được điều trị dứt điểm, tình trạng loét có thể lan rộng và lấn sâu qua lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc tới lớp cơ và thanh mạc (lớp ngoài cùng của đại tràng) gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Một trong những biến chứng nguy hiểm và đáng sợ nhất của bệnh viêm đại tràng mạn tính là ung thư đại tràng. Nguy cơ ung thư tích lũy theo thời gian và có thể bắt đầu xuất hiện khi bị viêm đại tràng mạn tính từ 7 - 8 năm trở đi.

Theo các nghiên cứu, viêm đại tràng mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng từ 20 -25% và có tới 30% người bị viêm toàn bộ đại tràng kéo dài trong 25 năm sẽ có nguy cơ bị ung thư đại tràng.

Quá trình ung thư hóa của các trường hợp viêm đại tràng mạn tính được các bác sỹ chuyên khoa giải thích như sau: Khi niêm mạc đại tràng bị viêm loét kéo dài hoặc tình trạng viêm loét tái phát liên tục, các tế bào biểu mô niêm mạc sẽ có nguy cơ bị loạn sản và chuyển thành ác tính, gây ra ung thư đại tràng.

Đáng nói là, triệu chứng của ung thư đại tràng hết sức nghèo nàn. Bệnh chỉ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, đi ngoài ra máu…và rất dễ nhầm với một số bệnh về đường tiêu hóa khác nên thường không được phát hiện sớm.

Bên cạnh biến chứng ung thư, viêm đại tràng mạn tính kéo dài còn gây suy nhược cơ thể, làm cho sức khỏe người bệnh suy yếu và có thể dẫn đến một số hậu quả khác như thủng đại tràng, chảy máu nặng, giãn đại tràng cấp tính….

Điều trị đại tràng sớm để ngăn ngừa biến chứng

Theo các chuyên gia y tế, để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt là nguy cơ ung thư, người bệnh viêm tràng mạn tính không nên coi thường và chủ quan khi thấy các triệu chứng của bệnh như đau bụng ẩm ỉ, đi ngoài phân nát hoặc lỏng, đầy bụng, chán ăn… Tốt nhất, nên điều trị tích cực nhằm dứt điểm bệnh ngay khi xuất hiện các biểu hiện đầu tiên.

Người bệnh cần đi khám chuyên khoa và sử dụng thuốc theo đúng đơn kê của bác sĩ để tránh tình trạng phụ thuộc thuốc, nhờn thuốc và các tác dụng không mong muốn như suy giảm chức năng gan, thận, viêm dạ dày…

Ngoài ra, để phòng bệnh tái phát sau điều trị, người bệnh cần có một chế độ ăn uống hợp lý, duy trì thói quen đại tiện đúng giờ, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và tránh những căng, thẳng stress.

Ung thư đại tràng, triệu chứng và những ai có nguy cơ mắc ung thư đại tràng?

- Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm đại tràng mạn tính

- Bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh polyp đại tràng, đặc biệt là đa polyp có tính chất gia đình.

- Có chế độ ăn không hợp lý: nhiều chất béo, đạm, ít chất xơ, hay ăn đồ chiên xào, nướng.

- Ít hoạt động thể chất, hút thuốc, béo phì.

- Người trên 50 tuổi.

Triệu chứng ung thư đại tràng

Đau bụng

Đây là một trong những triệu chứng sớm nhất và có ở 70 - 80% bệnh nhân ung thư đại tràng, đau không liên quan đến bữa ăn, thường đau ở vùng bị ung thư. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ. Đặc biệt ở giai đoạn muộn khối u phát triển lớn thường gây triệu chứng tắc ruột hoặc bán tắc ruột, đau bụng từng cơn, sau khi trung tiện được thì hết đau.

Rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu này thường có ở 60% bệnh nhân ung thư đại tràng. Biểu hiện bằng táo bón, phân lỏng hoặc xen kẽ giữa táo bón và phân lỏng. Phân lẫn máu, tùy từng vị trí của u và mức độ mà có thể máu đen, đỏ tươi, có thể kèm theo chất nhầy, thường xuất huyết  rỉ rả.

Triệu chứng toàn thân

Sụt cân nhanh (sụt 3-5kg trong 1 tháng), kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, có thể có thiếu máu, sốt.

Sờ thấy khối u 

Ở giai đoạn muộn có thể sờ thấy khối u

Các giai đoạn của ung thư đại tràng

Các biện pháp điều trị ung thư đại tràng gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, liệu pháp miễn dịch tự thân. Việc lựa chọn phương pháp nào là phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. 

Ung thư đại tràng gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, các tế bào ung phát triển trong các lớp của đại tràng.

- Giai đoạn II: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan ra và xâm lấn tới các khu vực khác trong đại tràng, nhưng chưa di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

- Giai đoạn III: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

- Giai đoạn IV: Đây là ung thư đại tràng giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm khi mắc ung thư đại trực tràng lên tới 85- 90%. Nếu phát hiện ở giai đoạn 2, tỉ lệ sống sau 5 năm còn khoảng 80%, giai đoạn 3 còn khoảng 40-60% nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 10%.

PV

Tổng hợp