Chủ quan, polyp túi mật lành tính thành ung thư
Trên 92% polyp túi mật là lành tính nên người dân thường chủ quan khiến polyp hóa ung thư. Thực tế có tới 1/3 polyp trên 10mm gây ung thư và tỷ lệ sống sau 5 năm bị ung thư túi mật là 3%.
Không kiểm tra, polyp bị ung thư hóa
Bà Nguyễn Thị T. 60 tuổi (Hà Nội) phát hiện 2 polyp túi mật từ cách đây 20 tuổi năm khi đi khám sức khỏe định kỳ. Lúc đầu bà cũng rất lo, chịu khó thăm khám định kỳ. Lần nào đi khám bà cũng được bác sĩ tư vấn chung sống hòa bình với nó và 6 tháng kiểm tra 1 lần.
Hơn nữa, bệnh không gây đau hay ảnh hưởng gì tới sức khỏe, bác sĩ cũng bảo polyp túi mật đa phần lành tính nên bà cũng mặc kệ và không kiểm tra lại nữa. Mới đây, bà thấy đau tức hạ sườn, vàng da, gầy sút, buồn nôn... Đi kiểm tra lại thì bác sĩ kết luận bà bị ung thư túi mật do polyp và u đã di căn vào gan không phẫu thuật được. 5 tháng sau bà đã tử vong.
BS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K cho biết, polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật là một bệnh phổ biến, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, chiếm tỷ lệ 0,03- 9% dân số và 4-7% ở người trưởng thành.
Trên 92% polyp túi mật là lành tính, không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với nó. Nhưng chính điều này cũng khiến người bệnh chủ quan, không thường xuyên kiểm tra lại, khiến polyp bị ung thư hóa lúc nào không hay, khi bệnh có biểu hiện triệu chứng thì đã ở giai đoạn muộn, không còn khả năng chữa trị.
Hiện tình trạng bị ung thư túi mật nói chung và do polyp nói riêng đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, người có polyp cần đi kiểm tra thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời.
Lưu ý polyp trên 10mm
Theo BS Nguyễn Minh Quang, nếu polyp túi mật có kích thước nhỏ hơn 10mm trên siêu âm thì hầu hết đều lành tính. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân có từ 2-3 polyp trở lên, kích thước polyp lớn hơn 10 mm hoặc các polyp lớn nhanh hay tăng số lượng trong các lần siêu âm kiểm tra sau 3 -6 tháng thì nên được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật nộ soi, vì theo nhiều nghiên cứu các bệnh nhân này có nguy cơ cao ung thư túi mật.
BS Trần Anh Tuấn cho biết, ung thư túi mật không có một triệu chứng đặc hiệu nào. Khi có triệu chứng: đau hạ sườn phải, vàng da, gày sút, buồn nôn, cổ chướng... thì đã di căn xa ra nhiều nơi: gan, dạ dày, ruột, tuyến tụy, hạch bạch huyết...
Vì vậy, đa phần ung thư túi mật không được chẩn đoán sớm, do đó việc cắt bỏ để điều trị triệt để chỉ thực hiện được trong khoảng 15-30% trường hợp. Đặc biệt, ung thư túi mật có thể khiến cho bệnh nhân suy chức năng mật, không thể tiêu hóa chất béo, dẫn tới bị khó tiêu, sợ đồ dầu mỡ, ợ hơi, chán ăn…., ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bệnh cũng gây hiện tượng bị dị ứng, chủ yếu là do tế bào ung thư xâm lấn tới ống mật và di căn hạch, hạch sưng to chèn ép lên ống mật dẫn tới tắc, đại đa số bệnh nhân có hiện tượng bị ngứa vào ban đêm, thường khó giảm bớt.
Tiên lượng sống của ung thư túi mật phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư. Nếu u được phát hiện sớm, còn trong niêm mạc túi mật, cắt bỏ được thì thời gian sống sót trên 5 năm lên đến 85%.
Khi ung thư chưa vượt quá lớp cơ thành túi mật thì thời gian sống sót trên 5 năm lên đến 70%, nhưng khi ung thư đã lan đến lớp thanh mạc thì thời gian sống trên 5 năm chỉ còn dưới 5% và khi ung thư đã lan đến hạch quanh túi mật thì không có trường hợp nào thời gian sống trên 5 năm.
Khi không cắt bỏ được thì tỷ lệ tử vong sau 1 năm lên đến 95%, chỉ có khoảng 5% là có thể sống sót sau 5 năm. Vì vậy, khi có polyp túi mật, tốt nhất nên kiểm tra định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần. Trường hợp khối u lớn trên 10mm cần theo dõi thường xuyên nếu phát hiện biểu hiện lâm sàng như đau, sốt thì nên cắt bỏ sớm để tránh ung thư.
Theo Khoa học và đời sống