Ung thư đại tràng, nói 1.000 lần "ăn nhiều rau ít thịt" vẫn không thừa

(Dân trí) - Khoa học nhận định bệnh ung thư đại tràng liên quan tới yếu tố lối sống và di truyền. Chế độ ăn uống, vận động khoa học được khuyến cáo là giải pháp để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Ung thư đại tràng là gì, ai có nguy cơ mắc?

Ung thư đại tràng, nói 1.000 lần ăn nhiều rau ít thịt vẫn không thừa - 1

Ung thư đại tràng không "tha" cho bất cứ ai.

Đại tràng hay dân gian thường gọi là ruột già, là phần cuối của ống tiêu hóa sau đoạn ruột non. Ung thư đại tràng là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, gây tử vong cao thứ tư trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Những ai có nguy cơ mắc ung thư đại tràng?

- Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm đại tràng mạn tính

- Bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh polyp đại tràng, đặc biệt là đa polyp có tính chất gia đình.

- Có chế độ ăn không hợp lý: nhiều chất béo, đạm, ít chất xơ, hay ăn đồ chiên xào, nướng.

- Ít hoạt động thể chất, hút thuốc, béo phì.

- Người trên 50 tuổi.

Triệu chứng ung thư đại tràng

Đau bụng

Đây là một trong những triệu chứng sớm nhất và có ở 70 - 80% bệnh nhân ung thư đại tràng, đau không liên quan đến bữa ăn, thường đau ở vùng bị ung thư. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ. Đặc biệt ở giai đoạn muộn khối u phát triển lớn thường gây triệu chứng tắc ruột hoặc bán tắc ruột, đau bụng từng cơn, sau khi trung tiện được thì hết đau.

Rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu này thường có ở 60% bệnh nhân ung thư đại tràng. Biểu hiện bằng táo bón, phân lỏng hoặc xen kẽ giữa táo bón và phân lỏng. Phân lẫn máu, tùy từng vị trí của u và mức độ mà có thể máu đen, đỏ tươi, có thể kèm theo chất nhầy, thường xuất huyết  rỉ rả.

Triệu chứng toàn thân

Sụt cân nhanh (sụt 3-5kg trong 1 tháng), kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, có thể có thiếu máu, sốt.

Sờ thấy khối u 

Ở giai đoạn muộn có thể sờ thấy khối u

Các giai đoạn của ung thư đại tràng

Các biện pháp điều trị ung thư đại tràng gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, liệu pháp miễn dịch tự thân. Việc lựa chọn phương pháp nào là phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. 

Ung thư đại tràng gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, các tế bào ung phát triển trong các lớp của đại tràng.

- Giai đoạn II: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan ra và xâm lấn tới các khu vực khác trong đại tràng, nhưng chưa di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

- Giai đoạn III: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

- Giai đoạn IV: Đây là ung thư đại tràng giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm khi mắc ung thư đại trực tràng lên tới 85- 90%. Nếu phát hiện ở giai đoạn 2, tỉ lệ sống sau 5 năm còn khoảng 80%, giai đoạn 3 còn khoảng 40-60% nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 10%.

Phòng bệnh ung thư đại tràng bằng ăn uống, vận động

Chế độ ăn uống, vận động khoa học được khuyến cáo là giải pháp để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh thường phát triển âm thầm trong nhiều năm, nó khởi đầu bằng một tổn thương gọi là polyp, khoảng 5 đến 10 năm sau, polyp phát triển trở thành ung thư. Trên 95% các ung thư đại tràng là loại ung thư tế bào tuyến, 5% còn lại là ung thư hiếm gặp xuất phát từ các loại tế bào ở đại tràng.

Ung thư đại tràng không lây nhiễm, song những năm gần đây bệnh được phát hiện ngày càng nhiều. Ung thư đại tràng thường diễn tiến âm thầm nên khi có dấu hiệu rõ ràng như: táo bón, tiêu chảy, đau quặn bụng, đi cầu ra dịch nhầy lẫn máu... thì đã chuyển sang giai đoạn nặng. Ung thư đại trạng nếu không được phát hiện sớm sẽ gây biến chứng tắc ruột, viêm phúc mạc, di căn dẫn tới tử vong.
Ở những người có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt heo (lợn), thực phẩm chiên nướng, uống rượu bia nhưng ăn ít chất xơ, rau củ quả có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Các yếu tố khác như hút thuốc lá, ít vận động, béo phì cũng tăng tình trạng mắc bệnh này. Bên cạnh đó, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thường có nguy cơ cao hơn người bình thường.
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, cộng đồng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một chế độ ăn hợp lý giàu chất xơ như rau củ quả, hạn chế chất béo, giảm thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động; những người có tiền sử thân nhân trong gia đình mắc bệnh, người có yếu tố nguy cơ cần chú ý thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Bảo Khánh
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm