DMagazine

"Đánh giặc" Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ

(Dân trí) - Anh hùng lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí là một trong những chuyên gia thầm lặng hỗ trợ cơ quan chức năng chống dịch Covid-19, đặc biệt trong khâu xét nghiệm.

Là một trong những chuyên gia thầm lặng hỗ trợ cơ quan chức năng chống dịch Covid-19, đặc biệt trong khâu xét nghiệm, Anh hùng lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá cách chống giặc Covid-19 của Việt Nam đang mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên cuộc chiến này còn kéo dài.

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 1

Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Medlatec là người có những đóng góp trong các hoạt động truyền máu, đặc biệt là xây dựng ngân hàng máu sống.

Ông cũng là người "khai sinh" dịch vụ xét nghiệm tại nhà, khi dịch Covid-19 bùng phát, câu chuyện về xét nghiệm giờ đây lại trở thành vấn đề thời sự.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng bốn bề là sách vở, tài liệu, GS Nguyễn Anh Trí kể lại những ngày đầu, khi ông làm quen với công nghệ xét nghiệm Y học. Thập kỷ 90, máy nhắn tin cũng chưa có, Việt Nam chưa có dịch vụ xét nghiệm tại nhà. Điều này chủ yếu do quy trình khám chữa bệnh khi đó khác với bây giờ. Một người bị ốm, thường là khi đã nặng rồi mới đi gặp bác sĩ, bác sĩ khám xong mới chỉ định xét nghiệm, chụp X-quang…, sau đó về bác sĩ mới kê đơn. 

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 2

Năm 1993, khi còn đang làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, ông Trí được Bộ Y tế cử sang Nhật học một khóa học về công nghệ y tế, học về việc tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà. 

Khi về nước, đến năm 1996, theo lời mời của một Phòng khám tư nhân, TS Trí đã cùng mấy người bạn tổ chức một phòng xét nghiệm nhỏ trong phòng khám đó. "Năm 1996, tôi thấy bạn bè nhiều người khổ, học giỏi nhưng không có công việc. Tôi đánh liều nhận lời mời của phòng khám đó - nay là BV Tràng An". Và ngay tại cái labo nhỏ ấy, tôi đã mong muốn phát triển được dịch vụ lấy xét nghiệm tại nhà như bên Nhật. "Nhưng, ngay khi đó tôi đã nhận ra là, muốn làm được việc này thì phải thay đổi văn hóa đi khám chữa bệnh của người dân. Đây là điều khó khăn nhất, bản thân mỗi người phải có ý thức đi khám sức khỏe, xét nghiệm kiểm tra máu, để phát hiện được bệnh từ sớm, chứ không phải đợi đến khi có bệnh mới đến viện", ông kể. 

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 3

"Công việc của chúng tôi phát triển dần lên. Mới đầu, mọi chuyện không hề đơn giản vì thay đổi cách thức khám chữa bệnh là cực kỳ khó khăn, nhưng chúng tôi kiên nhẫn và bền bỉ. Thay đổi ở đây không chỉ từ phía bệnh nhân mà cả cách thức khám chữa bệnh của người thầy thuốc. Nghĩa là người bệnh có thể làm xét nghiệm trước, sau đó đến bác sĩ xem lại thay vì đến bác sĩ sau đó mới làm các chỉ định về xét nghiệm". 

Thời điểm đó, xã hội chưa chấp nhận dịch vụ này, thấy kỳ lạ, thậm chí có người còn nói là "vơ bèo vạt tép". Công việc ban đầu rất khó nhưng ông Trí cùng các đồng sự có niềm tin sẽ đến một lúc người dân sẽ sử dụng dịch vụ này. Thay đổi nhận thức khám chữa bệnh bằng cách đó mới tốt cho sức khỏe, hiệu quả và đỡ tốn kém hơn so với việc để bệnh nặng rồi mới đi chữa. 

Điểm khó khăn nữa là lúc đó máy móc thiết bị cũ kỹ nà không đồng bộ, truyền thông liên lạc rất hiếm, phương tiện di chuyển thì có được xe máy đã là rất may mắn. Dù khoảng cách xa giữa hai đầu thành phố hay bị gọi vào buổi trưa, đầu giờ sáng, thậm chí nửa đêm các nhân viên vẫn sẵn sàng lên đường, với tâm thế của người đi làm dịch vụ. Có khi đang ăn trưa ở Châu Long (Hà Nội), người từ Đuôi Cá (Giáp Bát- Hà Nội) gọi là chúng tôi cũng lên đường ngay. Cuối tháng tính lại, anh em thu nhập thêm được khoảng 300 nghìn đồng/người. Sau tăng dần, nhưng người giỏi nhất cũng kiếm thêm được độ 2 triệu đồng mỗi tháng. Giai đoạn này kéo dài tới tới 5 năm.  

Khi đó người Việt chưa quen và cũng chưa có thói quen đi khám sức khỏe, vì thế những khách hàng đầu tiên của nhóm bác sĩ là những người mắc bệnh mạn tính, nhiều nhất là bệnh nhân đái tháo đường- những người cần thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết. Sau đó, nhóm khách hàng này mở rộng ra những bệnh nhân tăng huyết áp, mỡ máu, những người mắc bệnh gút, rồi bệnh gan, và cả theo dõi điều trị ung thư…, sau đó đến các bệnh cấp tính khác, đặc biệt là sốt xuất huyết, cần theo dõi liên tục chỉ số tiểu cầu, bởi nếu bị tụt thấp quá sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Con số đó tăng dần. "Tới ngày hôm nay, Medlatec có hệ thống xét nghiệm tại nhà đã "phủ sóng" tại 48 tỉnh, thành, mỗi năm thực hiện lấy bệnh phẩm cho trên 1 triệu lượt người gọi. Nhìn lại, tôi thấy quả đó là một chặng đường thực sự quá dài, quá gian khó!".

"Khi đó, tôi có niềm tin mình sẽ thành công vì hầu hết bệnh tật trước hết sẽ xuất hiện những cảnh báo từ trong máu." ông Trí nói.

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 4
Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 5

Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực huyết học, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng xét nghiệm là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng để phát hiện người mang virus Covid-19, từ đó mới đẩy lùi được đại dịch này.

Có thể nói việc xét nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong khám chữa bệnh, từ khám để chẩn đoán, đến theo dõi trong quá trình chữa bệnh, dùng thuốc, đánh giá bệnh đã ổn định chưa, có tái phát không. Chẳng hạn với bệnh ung thư, hiện vẫn khó để chữa khỏi bệnh hoàn toàn vì thế việc xét nghiệm có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đánh giá kết quả điều trị, theo dõi sự tái phát, di căn. 

Nhìn chung, xét nghiệm có ý nghĩa rất lớn với việc quản lý sức khỏe. Hầu hết các bệnh tật đều xuất hiện sớm nhất, trước nhất và rõ hơn là từ trong máu, khi đã có biểu hiện về lâm sàng thì đã muộn, nhất là với bệnh ung thư. 

Với SARS-CoV-2, bản chất nó là coronavirus đã có trên thế giới khá lâu. Đây là một dòng họ rất đông đúc, thường xuyên xuất hiện biến chủng. Đã có nhiều biến chủng khá độc hại như SARS-CoV-1, MERS-CoV… nhưng SARS-CoV-2 là gây ra vụ đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất.

"Không phải 100% những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 phát bệnh, mà chỉ có khoảng 30% là phát bệnh thôi; trong đó có khoảng 10% diễn biến nặng, còn tỷ lệ tử vong khoảng 3-9% tùy quốc gia. Vì thế, người dân không nên hoảng loạn dù xét nghiệm có kết quả dương tính. Nhưng cần nhớ, điều nguy hiểm của virus Covid-19  này là nó có thể lây lan ngay cả khi người đã nhiễm virus mà không có biểu hiện bệnh. Đây là điều vô cùng đáng sợ, vì người mang virus có thể đang có ngay trong cộng đồng mà chúng ta không hề hay biết", ông Trí nói.

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 6

Vì thế, quan trọng nhất là phải xét nghiệm, chỉ có xét nghiệm mới phát hiện mầm bệnh ngay cả khi chưa phát bệnh.

GS Nguyễn Anh Trí đánh giá việc lấy mẫu tại nhà (nơi lưu trú, cơ quan, xí nghiệp…) sẽ tạo thuận tiện rất nhiều. Tuy nhiên, cần lưu ý việc làm này là rất nguy hiểm, nguy hiểm nhất là một người không thực sự biết mình đã nhiễm bệnh hoặc là đặc biệt nghiêm trọng nếu họ giấu diếm. 

Vậy, việc đề phòng để bệnh không lây lan khi đi lấy bệnh phẩm tận nơi là vô cùng quan trọng. 

"Tại các phòng khám của Medlatec, chúng tôi phân ra 4 nhóm chi tiết để phân luồng bệnh nhân theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế: có yếu tố dịch tễ, có hoặc không có triệu chứng lâm sàng; không có yếu tố dịch tễ, có hoặc không có triệu chứng lâm sàng.

Với những khách hàng khi gọi điện đến có nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2, bằng nghiệp vụ các cán bộ y tế khai thác để biết yếu tố dịch tễ, thực hiện việc phân luồng bệnh nhân ngay từ khi họ gọi điện, nhắn tin. Nếu lấy bệnh phẩm tại nhà, chúng tôi luôn chuẩn bị rất kỹ các điều kiện, bảo hộ đầy đủ: găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ. 

Nhờ làm như thế mà cả năm vừa qua, dù đội quân của chúng tôi có mặt ở 48 tỉnh thành, đến nhà lấy cả triệu lượt nhưng chúng tôi chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh", ông Trí tự hào chia sẻ.

GS Trí còn cho biết: "Việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng cần tư vấn cụ thể để tránh xét nghiệm bừa bãi, không cần thiết, thậm chí là bị lạc hướng, nhất là những người bị hội chứng Cúm mùa hay các bệnh lý hô hấp rất dễ nghĩ là Covid".

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 7

Là một Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí đánh giá trong đợt bùng phát bệnh dịch này (bắt đầu với các ca bệnh ở Hải Dương, Quảng Ninh), Chính phủ và Bộ Y tế đã tổ chức phòng chống dịch rất tốt. Vấn đề cách ly cũng tùy theo mức độ mà quyết định cách ly diện rộng hay hẹp, cách ly đúng chỗ đáng cách ly, còn lại vẫn cho nhân dân sinh hoạt bình thường. 

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 8

"Tôi cho là cách thức đang làm là cực kỳ hay. Tôi đánh giá rất cao chủ trương 5K của Bộ y tế rất sáng tạo, rẻ tiền, mà hiệu quả. Đặc biệt là đeo khẩu trang, đã coi đó là luôn thường trực, thường xuyên luôn thực hiện. Về việc khai báo y tế theo tôi cần có điều chỉnh hợp lý, xác định khai báo vì y tế, để việc khai báo thật nhẹ nhõm, không có chuyện giấu. Công cuộc phòng chống dịch Covid thành công hay không phục thuộc vào tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng".

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 9

Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định mua vắc xin để tiêm cho nhân dân. Từ góc độ chuyên gia, GS Trí đánh giá rất cao nhưng theo ông, chúng ta không vì thế mà chờ đợi hay hy vọng quá nhiều vào vắc xin. Vắc xin là giải pháp rất tốt nhưng chậm, vì còn mua, còn tiêm, còn có thời gian để sinh kháng thể.  Theo Bộ Y tế đến tháng 6/2021 mới có vắc xin dùng cho nhân dân. Bệnh tật thì đang bủa vây vòng trong vòng ngoài rồi. Vì thế, việc quan trọng là thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Thông điệp 5k đúng với mọi biến chủng virus Covid. Còn vắc xin là câu chuyện bền vững, lâu dài. 

GS Trí cho rằng, công cuộc phòng chống dịch thành công hay không phụ thuộc lớn vào tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng, điều đó quan trọng hơn cả thuốc. Làm sao để tinh thần đó vượng lên, ai cũng thực hiện được thì mới chống được dịch. Hơn bao giờ hết, lúc này người dân còn phải phát huy lòng yêu nước, xây dựng xã hội bình thường mới. "Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ. Nếu cần tổ chức xã hội như thời chiến, cũng phải làm. Đây chính là điều kiện "bình thường mới", chúng ta cần khai báo, cách ly giữ gìn cho tất cả. Cơ quan chức năng cũng cần có chế tài giống như việc phạt không đeo khẩu trang. Không khai báo, hoặc khai báo không trung thực là phải phạt tiền, thậm chí là truy tố". 

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 10

Tháng 3/2020, GS Nguyễn Anh Trí đề xuất Bộ Y tế xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu. Hiểu đơn giản, gộp mẫu là gộp nhiều mẫu bệnh phẩm vào để làm chung một xét nghiệm. Gộp mẫu đã áp dụng nhiều năm nay để sàng lọc tác nhân virus trong các đơn vị máu, phương pháp này đã được tất cả các cơ sở y tế của VN sử dụng. Nhờ đó mà chất lượng đơn vị máu truyền của Việt Nam đã không kém gì các nước tiên tiến như Mỹ, Singapore. Việc gộp bao nhiêu mẫu vào chung một xét nghiệm dựa trên các nghiên cứu, đánh giá. 

Tại cuộc họp của Bộ Y tế, các chuyên gia đã tập trung tất cả tài liệu quốc tế để đánh giá về việc gộp bao nhiêu mẫu, cùng với kinh nghiệm thực tế để đề xuất nên gộp bao nhiêu mẫu một lần. Mẫu chung nếu âm tính thì tất cả âm tính, nếu dương tính thì sẽ tách ra để làm đơn từng mẫu. Thông thường kết quả xét nghiệm RT-PCR sẽ có sau 3- 4 tiếng sau khi được lấy mẫu. Thời gian trả kết quả phụ thuộc vào số mẫu, năng lực của phòng xét nghiệm, đội ngũ cán bộ, số lượng máy móc… 

Việc Bộ Y tế cho phép gộp nhiều mẫu trong xét nghiệm SARS-CoV-2 đã làm tăng được năng lực xét nghiệm ( bao gồm năng lực con người, máy móc, thiết bị, hóa chất, kinh phí và thời gian) lên rất nhiều lần, từ đó rút ngắn thời gian truy vết bệnh tật, nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch. Đây là một sáng tạo lớn trong công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 11

Bệnh viện Medlatec là một trong những đơn vị tư nhân được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm SARS-CoV-2 từ rất sớm. GS Trí kể lại: "Theo gợi ý của Gs. Nguyễn Thanh Long - lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế - chỉ sau 2 tuần là Medlatec đã lắp đặt xong một phòng xét nghiệm chuẩn để làm xét nghiệm SARS-CoV-2. Sau khi thẩm định, Bộ y tế đã cấp phép để MEDLATEC được làm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2". 

Hiện nay, năng lực của phòng xét nghiệm ở MEDLATEC này một ngày có thể thực hiện được hơn 2.500 lượt xét nghiệm, nếu gộp 4 mẫu sẽ là trên 1 vạn mẫu bệnh phẩm. "Chúng tôi có đội ngũ chuyên nghiệp, tổ chức liên tục, các ê kíp thay phiên nhau. Nếu cần chúng tôi có thể tiếp tục tăng công suất lên, chỉ trong vòng 2 tuần chúng tôi có thể nâng cấp được  hệ thống labo xét nghiệm SARS-CoV-2 của Medlatec". GS Nguyễn Anh Trí cho biết.

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 12

"Chi phí một lần xét nghiệm RT-PCR nếu không gộp mẫu là 2,2 triệu đồng- tính đúng, tính đủ ở một cơ sở tư nhân như Medlatec. Nếu thu theo giá của Bộ Y tế là hơn 700.000 đồng thì chúng tôi không làm được. Tuy nhiên khi có cơn bùng phát dịch, khi được Bộ y tế yêu cầu thì Medlatec sẵn sàng tham gia mà không nhận thù lao". Ông nói thêm: "Trong đợt dịch bùng phát lần thứ nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đã gửi chúng tôi đã xét nghiệm gần 1.000 mẫu".

Theo dự đoán của GS Nguyễn Anh Trí, dịch sẽ dịu đi vào vào khoảng tháng 9-12 của năm 2021, mà có thể có một vài lần dịch bùng phát trở lại; và tới giữa năm 2022 trở đi thì mới có thể hết dịch. Vì thế, chúng ta không thể hy vọng ngày một ngày hai sẽ hết dịch. Điều quan trọng là phải tổ chức cuộc sống trong "điều kiện mới", đó là luôn sẵn sàng phòng và quyết tâm chống dịch. 

Đánh giặc Covid-19, mỗi người dân phải là một chiến sĩ - 13

"Việc mọi công dân có thể làm ngay, đó là tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo của Bộ Y tế, chỉ thị của Chính phủ. Quan trọng nhất là tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân, giữ cho người khác cũng chính là giữ cho mình. Mỗi người dân phải là một chiến sỹ! Phải đảm bảo thành công mục tiêu kép, nhưng trước hết bây giờ là ưu tiên chống dịch. Vì chỉ có chống dịch thành công mới có thể thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế!" - GS. Nguyễn Anh Trí khẳng định.