Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí:

Nhiều trường hợp nhiễm nhưng không phát bệnh, cần mở rộng xét nghiệm cả F2

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng nếu có điều kiện thì nên xét nghiệm đến F2, vì nhiều trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không biểu hiện bệnh. Đó chính là biện pháp để thực hiện truy vết triệt để hơn.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ ngày 27/1/2021. Đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. Ổ dịch lớn nhất hiện nay là TP Chí Linh (Hải Dương) hiện đã được phong tỏa 21 ngày. Bộ Y tế đã huy động tổng lực để chi viện cho Hải Dương, Gia Lai, Điện Biên, Hà Giang…  

Chia sẻ với Dân trí, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Medlatec- cho rằng trong công tác phòng chống dịch bệnh, quan trọng nhất là phải xét nghiệm để phát hiện mầm bệnh ngay cả khi chưa phát bệnh. 

Nhiều trường hợp nhiễm nhưng không phát bệnh, cần mở rộng xét nghiệm cả F2 - 1

Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí.

- Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực huyết học, theo ông xét nghiệm có vai trò như thế nào, đặc biệt là với đại dịch Covid-19?

SARS-CoV-2, bản chất của nó là coronavirus đã có trên thế giới trên 100 năm. Đây là một dòng họ rất lớn, thường xuyên biến chủng, nhưng không phải tất cả các biến chủng đều gây bệnh nặng. 

Nhiều trường hợp nhiễm nhưng không phát bệnh, cần mở rộng xét nghiệm cả F2 - 2

"Chúng ta không nên hoảng loạn dù xét nghiệm dương tính"- GS Nguyễn Anh Trí

Điều nữa là, không phải 100% những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 là đều phát bệnh, mà có đến khoảng 70% là không phát bệnh. Và trong số phát bệnh thì khoảng 10% - 15 % là có diễn biến nặng; còn tỷ lệ tử vong khoảng 3-9% tùy quốc gia. 

Biết thế, để chúng ta không nên hoảng loạn dù xét nghiệm dương tính; kể cả khi đã bị mắc bệnh Covid-19. 

Nhưng phải thấy, điều nguy hiểm của SARS-CoV-2 là có thể lây lan ngay cả khi bệnh nhân không có biểu hiện bệnh. Đây là điều rất đáng quan ngại, có thể virus đang ẩn ngay trong cộng đồng mà chúng ta không hề hay biết. 

Vì thế, quan trọng nhất trong phòng ngừa đó là đeo khẩu trang, là tránh tiếp xúc gần gũi, là rửa tay… Và quan trọng nhất để phát hiện virus là phải xét nghiệm để phát hiện mầm bệnh ngay cả khi chưa phát bệnh. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là "Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm!". Bộ Y tế cũng đang triển khai phát hiện virus SARS-CoV-2 theo đúng tinh thần đó.

- Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, ông có khuyến cáo gì trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xuất hiện nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng?

- Theo tôi, trong đợt dịch bùng phát lần này Chính phủ và Bộ Y tế đã tổ chức phòng chống dịch rất tốt. Hiện nay "lõi" dịch đã được khống chế. Đó là một thành công cơ bản bước đầu. Vấn đề cách ly cũng đang được tổ chức rát linh hoạt: Tùy theo mức độ mà quyết định cách ly diện rộng hay hẹp, cách ly đúng chỗ đáng phải cách ly, còn lại vẫn sinh hoạt bình thường. Tôi cho rằng cách thức đó của Việt Nam làm cực kỳ hay. Tôi đánh giá rất cao biện pháp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo và không tụ tập) là rất sáng tạo, rẻ tiền, mà hiệu quả cao. Dù biến chủng virus SARS-CoV-2 nào thì biện pháp 5 K cũng vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều trường hợp nhiễm nhưng không phát bệnh, cần mở rộng xét nghiệm cả F2 - 3

GS Nguyễn Anh Trí đánh giá cách thức Việt Nam chống dịch cực kỳ hay.

Tuy nhiên việc khai báo y tế thì cần có sự quán triệt lại ở một số ý sau:

- Trước hết, phải hiểu đây là "khai báo y tế" để phòng chống dịch Covid-19, vì vậy phải tổ chức việc khai báo hết sức đầy đủ các nội dung y tế, nhưng không xâm phạm đến đời tư, đến các hoạt động ngoài "y tế" của mọi người. Đặc biệt phải phê bình, thậm chí là nghiêm trị những ai đã lợi dụng khai báo y tế để bôi nhọ, nói xấu người đã khai báo.

- Mặt khác, phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý những người đã khai báo không trung thực, dấu diếm, khai sai… dẫn đến các hoạt động truy vết, xét nghiệm, cách ly, thậm chí phong tỏa sai, gây tốn công tốn của mà vẫn không ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.

- Phải động viên cả xã hội, từng khu phố, làng xã, thôn xóm, từng gia đình vào cuộc. Chỉ có làm như vậy thì việc chỉ ra được người lạ, người đi từ vùng dịch về…mới triệt để. Và cũng cần có chế tài để xử phạt đối với các gia đình nếu che giấu; các cấp chính quyền nếu lơ là quản lý.

Ngoài ra, được biết Chính phủ cũng quyết định mua vắc xin để tiêm ngừa cho nhân dân. Tôi đánh giá rất cao quyết định này của Chính phủ.

Nhưng, tôi muốn nói chúng ta không vì thế mà chờ đợi hay hy vọng quá nhiều vào vắc xin. Vắc xin là một giải pháp tốt nhưng không kịp thời. Vắc xin mua chưa về, về rồi thì còn tổ chức tiêm, tiêm rồi thì phải có thời gian mới sinh kháng thể, sinh kháng thể rồi thì phải có thời gian mới đủ nồng độ (hiệu giá cao) thì mới phòng được bệnh. Vậy thời gian nhanh cũng một hai tháng, thậm chí ba bốn tháng mà dịch Covid-19 thì đang bủa vây vòng trong vòng ngoài, đang ở khắp nơi rồi. Bởi vậy, dù sao thì cũng phải thực hiện 5K ngay để ngăn chặn sự lây lan; phải xét nghiệm để truy vết "thần tốc".

Còn vắc xin là câu chuyện loại trừ dịch Covid-19 bền vững, lâu dài.

- Hiện nay rất nhiều người thuộc diện F2 lo lắng mong muốn được xét nghiệm. Theo ông, nên xét nghiệm đến F mấy và nếu kết quả âm tính thì đã có thể yên tâm?

- Trước hết, cần lưu ý, kết quả xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính là âm tính tại thời điểm lấy mẫu, không có nghĩa sau này bệnh nhân sẽ không dương tính. Vì có thể, bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng cơ thể có sức chống đỡ hoặc vì điều kiện nào đó virus không nhân lên bình thường, nếu bản copy của virus chưa đủ thì có thể âm tính giả. Ngoài ra, chưa loại trừ việc người đó lúc lấy mẫu để làm xét nghiệm thì chưa nhiễm, nhưng ngay sau đó thì mới bị nhiễm. Vì thế không được chủ quan khi ai đó đi từ vùng dịch về.

Nhiều trường hợp nhiễm nhưng không phát bệnh, cần mở rộng xét nghiệm cả F2 - 4

GS Nguyễn Anh Trí là chuyên gia đầu ngành về huyết học.

Và đã xét nghiệm thì tối thiểu là 3 lần; mà những người phải cách ly thì lần cuối là phải là âm tính mới được hết cách ly.

Như trên tôi có nói, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phải "xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm". Ở ta, hiện nay F0 và F1 đã được tổ chức xét nghiệm tốt rồi. Còn với các trường hợp thuộc diện F2, F3 hiện một số tỉnh thành đã có chủ trương cũng cho làm xét nghiệm. Tôi ủng hộ quyết định này, vì nhiều trường hợp bị nhiễm virus nhưng không thể hiện bệnh. Xét nghiệm mở rộng được là tốt nhất, đặc biệt là với F2. Điều này là cần thiết, phù hợp với chiến lược của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị "các hoạt động phòng chống dịch phải cao hơn một mức" nhất là với các biến thể mới. 

Với việc Bộ Y tế cho phép gộp mẫu để xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong cộng đồng, thì đã làm tăng được năng lực xét nghiệm (cả nhân lực, kinh phí, hóa chất, thiết bị và nhất là thời gian) thì việc mở rộng đối tượng xét nghiệm là hoàn toàn có thể làm được. 

- Ông dự đoán diễn biến dịch trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Cá nhân tôi dự đoán, dịch sẽ dịu đi vào vào khoảng quý 4 năm 2021. Vì cả thế giới hiện nay đang còn dịch, mà thậm chí còn rất nặng, nên dịch Covid-19 sẽ còn tái đi tái lại một vài lần nữa ở nước ta. Và phải đến giữa năm 2022 trở đi mới có thể hết dịch. Nói thế để chúng ta đừng dễ dãi hy vọng ngày một ngày hai sẽ hết dịch.

Cần phải xây dựng cho được cuộc sống trong hoàn cảnh "bình thường mới" - bình thường nhưng vẫn còn có dịch. Không sợ sệt, hoảng loạn; nhưng tuyệt đối không được chủ quan, mà phải nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế thường xuyên và bền bỉ. 

- Trong tình hình dịch Covid-19 xuất hiện ngoài cộng đồng như hiện nay, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thế nào, thưa ông?

Việc chúng ta có thể làm ngay chính là tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo của Bộ Y tế, chỉ thị của Chính phủ. Cần thấy, quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, giữ cho người khác cũng chính là giữ cho mình, quan tâm đến người khác cũng chính là quan tâm đến chính mình. Đồng tâm hiệp lực và đoàn kết thật sự để chống lại đại dịch Covid-19 nguy hiểm này. 

- Trân trọng cảm ơn, xin kính chúc GS mạnh khỏe!