Tết trực chiến của các "blouse trắng" trên tuyến đầu chống dịch

Minh Nhật

(Dân trí) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít y, bác sĩ đã tạm gác lại niềm vui đoàn tụ lên tuyến đầu chống dịch, để cho nhiều gia đình đón một cái Tết thật yên vui.

Chuyến này đi, hơn 1 tháng nữa mới về với gia đình

Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp hiện là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với hơn 30 trường hợp.

Để đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh nhân. 5 y, bác sĩ của Khoa đã được phân công trực chiến xuyên Tết.

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 1

Các y, bác sĩ có nhiệm vụ theo dõi sát tình hình sức khỏe của bệnh nhân Covid-19, cũng như định kì lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Nhật)

Theo BS Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, kíp trực nhận nhiệm vụ "vào trận" từ ngày 4/2 cho đến ngày 24/2.

"Sau khi xong nhiệm vụ, chúng tôi cần tiếp tục cách ly thêm 21 ngày rồi mới về cách ly tại nhà 1 tuần. Nghĩa là chuyến này đi, anh em xác định hơn 1 tháng nữa mới trở về với gia đình", BS Long chia sẻ.

Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, Tết xa nhà của các y, bác sĩ khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp năm nay cũng sẽ có nhiều điều hạn chế hơn mọi năm.

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 2

BS Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Ảnh: Minh Nhật)

"Khi chưa có Covid-19, kíp trực đêm 30 vẫn thường quây quần, cùng nhau chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Tuy nhiên, năm nay, để đảm bảo các nguyên tắc an toàn trước dịch bệnh, chúng tôi không thể thực hiện điều đó. Bữa ăn đêm 30 cũng có bánh chưng, kẹo, mứt nhưng sẽ được chia thành từng phần cho mọi người ăn riêng. Và thay vì những cái bắt tay, lời chúc đầu năm sẽ là những cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại", BS Long chia sẻ.

Nhận nhiệm vụ trực chiến xuyên Tết, mỗi y, bác sĩ lại phải hy sinh một phần nào đó cuộc sống riêng của mình. Trong 5 "blouse trắng" của kíp trực khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, có người xa quê đành gác lại cái Tết đoàn viên cùng bố mẹ; lại có người phải gửi con sang nhà ông bà suốt dịp Tết, vì cả hai vợ chồng cùng đang nhận nhiệm vụ chống dịch ở các mặt trận khác nhau.

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 3

Khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Minh Nhật)

"Thực sự không ai muốn phải xa gia đình, quê hương vào dịp Tết. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm với nghề y, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vì mục tiêu chung", BS Long cho hay.

Tết năm nay cũng rất đặc biệt với gia đình BS Long, khi đây là lần đầu tiên anh phải xa nhà suốt cả kỳ nghỉ lễ.

Vắng chồng, vợ BS Long lại thêm tất bật trong nhiệm vụ sửa soạn cho ngày Tết. Ở trên tuyến đầu chống dịch, mỗi ngày BS Long lại tranh thủ giờ nghỉ gọi về hỏi thăm tình hình chuẩn bị Tết trong nhà.

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 4

"Thực sự không ai muốn phải xa gia đình, quê hương vào dịp Tết. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm với nghề y, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vì mục tiêu chung", BS Long cho hay (Ảnh: Minh Nhật)

"Có những việc như làm lễ cúng, sửa sang lại đồ đạc trong nhà mọi năm vẫn là nhiệm vụ của tôi, thì năm nay đành nhờ cả vào tay bà xã. Cũng may, cô ấy tháo vát, thạo việc nên tôi rất an tâm", BS Long chia sẻ  

Suy nghĩ hồi lâu, BS Long tiếp lời: "Lo Tết thì ít, nhưng lo cho vợ con thì nhiều. Con trai tôi bị hen, ngày Tết thời tiết thất thường lại lo cho bệnh của cháu, rồi vợ một mình cũng thêm vất vả".

 "Xa nhà lâu quá, tôi còn bị con giận"

"Xa nhà lâu quá, nhiều lúc con tôi còn giận cả bố, thấy bố gọi điện là quay lưng bỏ đi", đó là chia sẻ của bác sĩ trẻ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực.

Là nơi chuyên tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng, khoa Hồi sức tích cực được xem là "mặt trận" ác liệt nhất trong cuộc chiến với Covid-19. Đặc biệt, kể từ làn sóng thứ hai của đại dịch, mở đầu với việc Việt Nam ghi nhận BN17 ở phố Trúc Bạch, nơi đây đã liên tục tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 ở tình trạng "cận kề cửa tử".

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 5

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực (Ảnh: Đỗ Linh)

Suốt 1 năm qua, số lần về nhà của nhiều y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chỉ đếm trên đầu ngón tay và BS Phúc cũng không phải là ngoại lệ.

"Có thời điểm tôi phải ở lại Bệnh viện liền 2 tháng. Con tôi lúc đầu gọi điện cho bố còn hào hứng, sau nghe bố chưa được về lại quay mặt bỏ đi. Trẻ con mà", anh cười nói, "Giờ lớn hơn, các bé cũng biết, gọi hỏi thăm bố nhiều hơn".

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 6

Thời điểm hiện tại khoa Hồi sức tích cực đang điều trị 12 bệnh nhân nguy kịch (Ảnh: Đỗ Linh)

Thời điểm hiện tại, khoa Hồi sức tích cực chưa tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bệnh nhân nguy kịch do các bệnh truyền nhiễm khác đang được điều trị. Do đó, vẫn có các kíp trực để đảm bảo công tác điều trị xuyên Tết.

BS Phúc cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang điều trị cho 12 bệnh nhân nguy kịch, chủ yếu là nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, viêm màng não. Trong Tết, mỗi kíp trực của khoa sẽ có 5 người, trong đó có 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng".

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 7

Các bệnh nhân chủ yếu bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi (Ảnh: Đỗ Linh)

Theo kế hoạch ban đầu, BS Phúc sẽ trực đến hết 10/2 (29 tháng chạp) sau đó được về nhà và 14/2 (mùng 3 Tết) lại vào trận.

BS Phúc chia sẻ, chuyện sắm Tết ở nhà vợ cũng đã lo xong xuôi. Hiện tại, điều anh mong ngóng nhất là được về đoàn tụ với 2 con.

Tết trực chiến của các blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch - 8

Mỗi kíp trực sẽ có 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng (Ảnh: Đỗ Linh)

Tuy nhiên, anh cũng cho biết rằng, dự định này có thể phải gác lại nếu có bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng cần chuyển lên khoa để điều trị.

"Bản thân tôi luôn sẵn sàng tâm lý để có mặt mặt bất cứ lúc nào. Chỉ thương cho 2 nhóc ở nhà vì bố đã hứa sẽ về ăn Tết", BS Phúc chia sẻ.