Chủng cúm mới gây viêm phổi nặng, diễn biến nhanh giống cúm H5N1

(Dân trí) - “Ngay khi Trung Quốc ghi nhận ca đầu tiên nhiễm chủng cúm mới A/H7N9, chúng tôi đã liên lạc với nước bạn và được biết, bệnh cảnh của chủng cúm này diễn biến rất nhanh giống như cúm A/H5N1, tổn thương phổi rất nặng, bệnh nhân khó thở ngay khi có dấu hiệu cúm”.

Tổn thương phổi nặng nề

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại cuộc họp “nóng” tại Sở Y tế Hà Nội diễn ra sáng 5/4 để hoàn tất và sớm thông qua Dự thảo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh này trên người.

TS Kính cho biết, các đồng nghiệp Trung Quốc chia sẻ ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 diễn biến rất nhanh giống H5N1 với tổn thương phổi rất nặng, vừa có dấu hiệu hội chứng cúm bệnh nhân đã có hiện tượng khó thở. Bệnh án của bệnh nhân cũng thể hiện bệnh nhân bị tổn thương phổi nhanh, tim và thận ít tổn thương, có tiêu cơ và tăng men gan.
 
Chủng cúm mới gây viêm phổi nặng, diễn biến nhanh giống cúm H5N1
Việt Nam tăng cường kiểm dịch y tế tại cửa khẩu để ngăn chặn chủng cúm mới có thể xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh: T.A

“Các bác sĩ Trung Quốc cũng trả lời không có bằng chứng cúm A/H7N9 lây từ người sang người. Đến nay, đường lây truyền cũng chưa rõ ràng”, TS Kính nói.

Tuy diễn tiến cúm A/H7N9 nhanh, gây tổn thương phổi nặng nề nhưng đến nay, cả thế giới mới có Trung Quốc công bố các ca bệnh đầu tiên. Việc kiểm soát các chuyến bay từ Trung Quốc về Việt Nam cũng sẽ được tăng cường. Hơn nữa, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới thì đến nay, Tamiflu vẫn là thuốc nhạy cảm trong điều trị và dự phòng cúm, vì thế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt liên quan đến yếu tố ho, sốt, khó thở.

TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, theo thông tin cập nhật mới nhất, tại Trung Quốc đã có 6 ca tử vong trong 14 ca bệnh được ghi nhận. “Bệnh dịch vẫn tăng lên hàng ngày, lại xuất hiện rải rác ở các địa phương khác nhau cho thấy dịch bệnh này rất phức tạp. Hơn nữa đến nay chưa rõ bệnh có lây truyền từ gia cầm sang người không, cũng chưa ghi nhận lây từ người sang người nhưng cũng cần phải chứng minh. Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại cho thấy tỉ lệ tử vong chủng cúm mới này cũng rất cao, cho thấy dịch bệnh rất phức tạp”, ông Phu nói.

Cũng theo TS Phu, vi rút cúm chuyển gen rất nhanh, tích hợp gen thì rất nặng và có thể thành đại dịch nên Việt Nam phải quyết liệt chỉ đạo phòng chống, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Sẵn sàng đối phó với vi-rút cúm nguy hiểm

Để đối phó với dịch cúm, Bộ Y tế đã chỉ đạo đặc biệt tăng cường hệ thống giám sát tại cửa khẩu và xây dựng kế hoạch phòng chóng cúm. Chủ động phòng dịch, lấy mẫu bệnh nhân viêm phổi vi rút nặng xét nghiệm. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các vụ, cục liên quan cần chuẩn bị về thuốc, máy thở, trang thiết bị… sẵn sàng cho điều trị bệnh nhân khi phát hiện. Đồng thời cần xây dựng phác đồ điều trị chủng cúm mới này, cần ban hành và hướng dẫn ngay trong tuần tới. Cần nâng cao năng lực xét nghiệm cho các viện, đào tạo tập huấn trang bị cho các tỉnh vê PCA, xét nghiệm phát hiện sớm các ca viêm phổi nặng.

Tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã họp nóng, chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với dịch cúm nguy hiểm này.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trong trong giai đoạn này Hà Nội cần tập trung giám sát ở các cửa khẩu. Theo đó, để giám sát, phát hiện sớm người mắc chủng cúm mới, sẽ giám sát chặt các ca nguy cơ qua hệ thống máy đo thân nhiệt tại cửa khẩu, lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ. Đồng thời cần chuẩn bị sẵn điểm tiếp nhận, cách ly, điều trị, xây dựng tờ rơi tuyên truyền cho hành khách.

Bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện đã có khu vực cách ly cúm A/H5N1 cần thiết lập lại, củng cố trang thiết bị, quy trình khám, điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng, máy thở…Việc giám sát ca cúm mới không chỉ tập trung ở khu vực sân bay, cửa khẩu mà yêu cầu tất cả các quận, huyện cùng tăng cường giám sát ca bệnh. Đồng thời cần đảm bảo duy trì các đội cơ động để sẵn sàng đối phó khi dịch xảy ra. Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ có 5 đội cơ động, mỗi quận huyện có 2 đội cơ động, sẵn sàng ứng phó khi có dịch.

Hồng Hải