Bệnh viện không muốn giảm tải?

Đó là nhận định của TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

Bệnh viện không muốn giảm tải? - 1

Theo TS Lý Ngọc Kính, nhiều bệnh viện không muốn giảm tải vì quá tải mang lại thu nhập. Ảnh: Ngọc Dung

 

Thưa ông, Bộ Y tế đang nỗ lực giảm quá tải các bệnh viện (BV) bằng cách kê thêm giường, giảm ngày điều trị, tăng giờ làm việc… nhưng dường như tình trạng này vẫn rất trầm trọng?

 

Hiện nay, các giải pháp giảm tải mà chúng ta đang thực hiện chỉ là tình thế chứ chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề. Tôi cho rằng các BV đang tồn tại 2 tình trạng là quá tải thật và quá tải “ảo”.

 

Quá tải thật là do các BV tuyến dưới thiếu chuyên khoa như ung thư, nhi, chấn thương chỉnh hình, tim mạch… nên bệnh nhân phải lên BV tuyến trên để điều trị. Quá tải “ảo” là do người bệnh vượt tuyến điều trị trong khi bệnh tình không đáng phải vậy. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các BV tuyến tỉnh, đặc biệt là tuyến Trung ương.

 

Do chất lượng tuyến dưới quá yếu nên dù không muốn, người bệnh vẫn phải vượt tuyến?

 

Đúng là chất lượng y tế cơ sở còn nhiều hạn chế nhưng qua các nghiên cứu cho thấy chất lượng không phải là yếu tố trước tiên mà người bệnh tính đến. Tâm lý người bệnh bao giờ cũng muốn chọn nơi điều trị gần nhất rồi mới đến chất lượng. Nếu y tế cơ sở được đầu tư đầy đủ thì chắc chắn người bệnh sẽ không “chạy” lên tuyến trên, vừa xa xôi vừa tốn kém.

 

Nhiều BV tuyến TƯ đang bị quá tải cả những bệnh thông thường, nguyên nhân do đâu? 

 

Phải thẳng thắn nói rằng giá dịch vụ không chênh nhau, đường giao thông thuận lợi, kinh tế khá lên nên nhiều người chấp nhận lên tuyến trên cho dù phải chịu cảnh nằm ghép. Lẽ ra, những bệnh thông thường như viêm họng, cảm sốt hay phổ biến nhất là sinh đẻ, các trạm y tế ở tuyến cơ sở hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng bệnh nhân lại thích điều trị ở BV tuyến trên, dẫn đến quá tải.

 

Cũng phải thừa nhận rằng ở tuyến cơ sở, từ trang thiết bị đến con người đều thiếu. Có huyện chỉ hơn chục bác sĩ nhưng đến 3 trung tâm nên họ phải chia nhau về phụ trách. Do ít người nên đều là lãnh đạo, chẳng ai làm chuyên môn. Vừa rồi, ở tỉnh Cà Mau có một bác sĩ bị kỷ luật “treo dao” vì sai sót trong chuyên môn, lập tức khoa bác sĩ này công tác phải đóng cửa vì chẳng còn ai.

 

Nói như vậy thì tình trạng quá tải ở BV sẽ mãi là vòng luẩn quẩn, không có hướng giải quyết, thưa ông?

 

Điều chỉnh người bệnh là không thể vì họ có quyền muốn được chữa bệnh ở nơi tốt nhất.

Với tình trạng quá tải thật, cần tập trung đầu tư hạ tầng, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến dưới. Còn với tình trạng quá tải “ảo”, phải điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp. Thực tế, nhiều BV không muốn giảm tải vì quá tải mang lại thu nhập. Do vậy, Bộ Y tế cần phải phân tuyến kỹ thuật và danh mục khám chữa bệnh. Từ đó, quy định rõ danh mục cơ bản mà tuyến trên phải làm, những danh mục còn lại thuộc tuyến dưới. Nếu tuyến trên nhận làm những kỹ thuật thông thường thì cũng chỉ được trả phí như tuyến dưới. Bên cạnh đó, giá của các tuyến cần chênh lệch cao để người bệnh phải cân nhắc trong việc khám chữa bệnh ở đâu.

 

Vậy những việc mà ngành y tế thực hiện để giảm tải trong thời gian qua chỉ là làm cho có?

 

Bài toán giảm tải cần cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Bộ Y tế làm như vậy chỉ giải quyết phần trước mắt, còn về lâu dài cần phải tìm nguyên nhân và có chiến lược để xử lý một cách triệt để. Các BV tuyến trên phải thực sự quyết tâm trong việc chống quá tải, chấp nhận rằng thu nhập sẽ giảm đi nhưng bù lại, người bệnh sẽ bớt khổ.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động