TPHCM:

Khó triển khai bệnh viện vệ tinh vì bệnh viện thích... quá tải

Trước áp lực quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế TPHCM đã có phương án sử dụng BV tuyến quận, huyện mới sử dụng 50% công suất để làm BV vệ tinh... Tuy nhiên, khó có thể thực hiện phương án này khi nhiều BV tuyến trên vẫn thích... quá tải.

Khó triển khai bệnh viện vệ tinh vì bệnh viện thích... quá tải

Quá tải trầm trọng tại các BV tuyến trên ở TPHCM. Ảnh: V.T
 
Ỳ ạch triển khai

 

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM TS. BS Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết, toàn thành phố hiện có 13 BV thuộc bộ ngành, 31 BV đa khoa và chuyên khoa thuộc sở, 23 BV quận, huyện, 322 trạm y tế xã, phường. Ngoài ra, số BV ngoài công lập đã lên đến 34 và 13.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh, y học cổ truyền.

 

Tổng số giường bệnh của toàn thành phố hiện nay là 31.088. Tính bình quân có 42 giường và 12,2 bác sĩ trên 10.000 dân.

 

Chỉ tính riêng trong năm 2011, số lượt bệnh nhân đến khám lên đến 30 triệu, trong đó số lượng nội trú gần 1,3 triệu và điều trị ngoại trú gần 5,2 triệu (152% so với kế hoạch đề ra).

 

Các BV quá tải nặng nhất phải kể đến BV Nhi Đồng 1 (công suất 123%), Từ Dũ: 126,3%, Hùng Vương: 111,4%, Ung bướu: 247%, Chấn thương chỉnh hình: 129,1%. Không chỉ BV chuyên khoa sâu, nhiều BV đa khoa có thương hiệu lớn trực thuộc TPHCM cũng rơi vào cảnh tương tự như: BV Nhân dân 115 (114%), BV Nguyễn Trãi (100%), Nguyễn Tri Phương (101%), Cấp cứu Trưng Vương (104%), Nhân dân Gia Định (106,5%).

 

Nguyên nhân quá tải theo ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đó là số giường bệnh của TP chưa đáp ứng nhu cầu (dân số tăng, bệnh nhân tăng, số BV không tăng); BV chưa được tái cấu trúc kịp thời, chưa được xây mới nên vẫn còn chật hẹp...

 

Điều đáng nói, trong khi các BV tuyến trung ương, thành phố đang quá tải, thì nhiều BV tuyến quận/huyện lại chưa sử dụng hết 50% số giường bệnh như quận 2, 7, 9, quận 12... Trước thực tế trên, chờ đợi đến năm 2015, TP mới có thêm 5.000 giường bệnh, ngành y tế đã nhanh chóng đưa ra phương án “chữa cháy” chuyển các BV quận, huyện trở thành BV vệ tinh cho các BV tuyến trên...

 

Lý thuyết thì thế, tuy nhiên, các BV cả tuyến trên và tuyến dưới đều ỳ ạch, miễn cưỡng triển khai mặc dù trong các cuộc họp các BV đều “kêu la” quá tải cần phải giảm tải nhanh chóng. BV tuyến trên muốn BV tuyến dưới giao hẳn còn BV tuyến dưới lại... dại gì giao hết. Đó là chưa kể đến, nhiều BV tuyến quận, huyện vẫn còn đắn đo có hợp tác hay không?

 

BV tuyến trên: Muốn lấy trọn, BV tuyến dưới: 1 - 2 khoa!

 

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM mới đây, lãnh đạo BV quận 2 cho rằng với 150 giường bệnh, BV vẫn chưa khai thác hết công suất do chưa triển khai được kỹ thuật, chưa có BS giỏi và hơn hết là chưa thu hút được bệnh nhân. Đơn cử như các khoa Nội - Nhi, Phụ sản... vẫn còn lèo tèo lượng bệnh nhân. Trước thực tế trên, BV Ung bướu TPHCM đã kiến nghị với BV quận 2 giao lại khoảng 50 giường bệnh để triển khai khám sàng lọc và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 cho rằng: “Đến thời điểm này, kiến nghị của BV Ung bướu đưa ra, BV quận 2 chỉ mới ghi nhận và đang trong giai đoạn bàn bạc thôi chứ chưa làm được. Còn nhiều thủ tục phải bàn”. Do đó, theo BS Khanh, nếu thực sự giao cho BV tuyến TP làm cơ sở 2 thì giao 1 hoặc 2 khoa thôi chứ không thể giao hết cả BV...

 

Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, khi khảo sát tại BV quận 2 và quận 9 cho rằng, nếu BV quận/huyện giao toàn bộ cho BV Ung bướu làm cơ sở 2 thì BV Ung bướu chắc chắn sẽ giảm tải. “Chúng tôi sẽ đưa nhân sự xuống để phát triển nội khoa, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...”, BS Minh khẳng định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BV Ung bướu vẫn chưa chọn được BV vệ tinh vì nếu các BV quận, huyện giao khoảng 50 - 100 giường tập trung thì BV Ung bướu mới nhận, còn phân tán mỗi nơi vài giường thì rất khó. BS Minh kiến nghị: “BV quận 2 và quận 9  rất gần nhau nhưng chỉ sử dụng khoảng 50% công suất thì rất lãng phí. Do đó, các BV gần nhau nên tập trung lại khám bệnh tại một quận cho người dân khu vực hai quận này. BV còn lại dùng làm BV vệ tinh cho Ung bướu là tốt nhất”.

 

Trong khi đó, lãnh đạo BV quận 2 lại cho rằng, không thể giao cả BV được vì quận 2 có số dân đông. Mặt khác, BV quận 2 cũng đang có dự án nâng cấp, sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để thu hút người bệnh. Còn BS Trần Dư Đông, Giám đốc BV quận 7 lại kiến nghị, thành phố cần phải xem xét cụ thể nên lấy một số khoa, phòng, giường bệnh vì hằng năm BV quận 7 điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân có bệnh mạn tính, bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân là công nhân...

 

Giải pháp BV vệ tinh để giảm tải BV hiện là lựa chọn số một mà ngành y tế đưa ra hiện nay. Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM cũng cho rằng nếu các BV của thành phố như Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi Đồng... chờ xây mới rồi mới giảm tải thì phải chờ 2 năm nữa. Ông Hùng kiến nghị: “HĐND thành phố thấy rằng, những BV quận/huyện không làm hết công năng thì nên giao lại cho BV tuyến trên làm cơ sở 2 hoặc chi nhánh để BV tuyến trên chuyển êkíp BS  xuống khám và điều trị, đào tạo nhân lực cho BV. Như vậy vừa giải quyết được cả mục tiêu trước mắt và lâu dài”. Tuy nhiên, nếu Sở Y tế không đưa ra danh sách BV rõ ràng mà cứ để cho các BV tự thỏa thuận hợp tác thì khó có thể triển khai BV vệ tinh được.

 

Chúng tôi xin mượn câu nói của ông Phó Chủ tịch UBND TPHCM tại cuộc họp bàn về giảm tải BV mới đây với Bộ Y tế để dẫn chứng việc giảm tải cần phải nhìn ở một góc độ khác đó là nhiều BV thích quá tải để tăng thu nhập: “BV ở VN lúc nào cũng “la” quá tải, nhưng liệu có muốn giảm tải hay không?”.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm