Khó như cấm bệnh nhân vượt tuyến!

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh việc dân cứ “hắt hơi, sổ mũi”, đẻ thường… là ào ào vượt tuyến gây quá tải và phải ngăn ngừa tình trạng này. Nhưng cấm sao nổi khi chính ngành y vẫn còn tồn tại quá nhiều bất cập.

 
Bệnh nhân vượt tuyến: Lỗi tại ai?

 Tỷ lệ vượt tuyến là 50 - 80%, trong đó có nhiều bệnh tuyến dưới làm được nhưng dân không tin tưởng, dẫn đến BV tuyến trên quá tải trầm trọng. Ảnh: H.Hải

 

Tuyến dưới: Chưa tạo được niềm tin

 

Tại cuộc họp chiều 13/7 về chuyển tuyến bệnh viện do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên chủ trì cùng với đại điện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình… nguyên nhân của tình trạng quá tải là do người dân không tin tưởng tuyến dưới tiếp tục được đề cập.

 

“Cùng là chẩn đoán viêm họng, nhưng khám ở nhà, uống thuốc 5 - 7 ngày mới khỏi. Nhưng đến bệnh viện T.Ư khám, bác sĩ cho thuốc “nhạy” lắm, thậm chí sau một ngày uống đã hết sốt, hết ho”, chị Nguyễn Thu Hường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lý giải nguyên nhân lặn lội đưa con xuống Hà Nội khám chỉ vì bé sốt, nôn khi ăn…

Bà Xuyên cho rằng, tâm lý người bệnh như trường hợp này là rất phổ biến. Trên thực tế, chỉ các bệnh đơn giản từ ho, sổ mũi, viêm họng, nhiều bệnh nhân từ các vùng xa xôi lên tuyến TƯ chỉ vì sự yên tâm này và có rất nhiều bệnh chữa được ở tuyến huyện như mổ ruột thừa nhưng bệnh nhân vẫn cứ phải vượt tuyến.

Tuyến trên: Chưa có quy định về trách nhiệm “chuyển ngược”!

 

Theo Phó giám đốc Viện K, giải pháp mà nhiều người bàn đến, chỉ mới tính đến chuyện làm sao ngăn được bệnh nhân dù bệnh rất nhẹ vẫn tự ý vượt lên tuyến trên mà chưa nghĩ đến chiều ngược lại. Chẳng hạn tuyến dưới khó phân biệt u vú lành thì ở trên hoàn toàn có thể xác định rõ ràng. “Khi đã xác định u lành, thậm chí chỉ là nang sữa, nang nước bình thường thì tuyến trên phải có trách nhiệm chuyển ngược lại bệnh nhân đó về cho tuyến dưới điều trị”, ông Toàn nói.

 

Trên thực tế Bộ trưởng Y tế Bộ trưởng cũng từng đề xuất nếu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân không thuộc tuyến của mình mà mình điều trị thậm chí có thể hạ bậc bệnh viện xuống nhưng “một vướng mắc cũng được đặt ra, đó là cần có khái niệm cụ thể quy định vuợt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật là như thế nào để tránh tình trạng tuyến dưới thì bảo tôi vẫn làm được nhưng đến khi xảy ra vấn đề thì lại tranh luận”, một đại biểu nói. 

 

Ngành y: Lúng túng trong phân tuyến

 

Ông Bùi Công Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho rằng, Bộ Y tế đã có phân tuyến kỹ thuật nhưng thực tế trình độ của bác sĩ các tuyến chưa đúng như mức độ Bộ Y tế phân. Ví dụ u lành, u thường tuyến huyện có thể làm được nhưng chẳng hạn nếu là polyp đại trực tràng thì ranh giới u lành của nó rất mỏng manh. Bình thường biết là u lành, nhưng khi đã có polyp thì luôn luôn hướng tới có khả năng ung thư. Thế nhưng một đằng thì nó thuộc tuyến dưới, một đằng thuộc tuyến trên, việc xác định tương đối khó.

 

Đại diện của Viện Chiến lược và chính sách y tế thì cho rằng ngành y tế có thể phân tuyến kỹ thuật rõ ràng nhưng không thể cấm người bệnh lên tuyến trên khám vì đó là quyền của họ.

Ngoài ra muốn phân tuyến thì phải xem bác sĩ đã chẩn đoán được đúng bệnh chưa. Điều này thực sự cũng rất khó. Lấy ví dụ căn bệnh ung thư vú ở nữ hiện rất nhiều, có u nhỏ nửa cm thôi nhưng mổ rồi 5-6 tháng sau di căn thế là hỏng, trong khi tuyến trên có thể xử lý dễ dàng. Trong khi có u lớn 5-7cm lại là u lành tính.

 

Ngoài ra, với bệnh viện đa khoa việc phân tuyến không phải phức tạp lắm nhưng với bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt chuyên khoa sâu thì không có tuyến để phân. Bởi “Số bệnh viện chuyên khoa trên cả nước có thể đếm trên đầu ngón tay. Không có bệnh viện chuyên khoa thì không có tuyến, không có tuyến thì nhất thiết phải lên trên. Thậm chí u nhỏ tí xíu, lành tính người bệnh cũng sẵn sàng đi từ Điện Biên lên Hà Nội điều trị. Vì thế việc phân tuyến phải căn cứ trên cơ sở hệ thống mạng lưới sẵn có”, ông Toàn nói.

 

Xem ra, bài toán chuyển tuyến như thế nào cho phù hợp vẫn làm đau đầu các nhà quản lý nhưng việc sửa đổi luật là điều chắc chắn phải làm bởi đây là một trong 4 giải pháp giảm tải bệnh viện của Bộ Y tế.

 

Mặc cho Bộ trưởng Y tế nhiều lần “kêu gọi”: “Bệnh viện tuyến trên không được nhận bệnh nhân lẽ ra chỉ cần điều trị tuyến dưới. Ngược lại bệnh viện tuyến dưới cũng không được chuyển bệnh nhân lên trên nếu có khả năng chữa trị” hay “BV Bạch Mai là một bệnh viện hạng đặc biệt, việc nhận bệnh nhân điều trị cũng phải sao cho xứng tầm của một bệnh viện hạng đặc biệt, những bệnh nhẹ khác hãy để tuyến dưới xử lý” nhưng tỉ lệ vượt tuyến vẫn 50 - 80%. Hậu quả là đẩy các bệnh viện tuyến TƯ vào tình trạng quá tải đến mức “chưa từng có ở tất cả các nước trên thế giới”…

Hồng Hải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm