1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giảm tải bệnh viện: Trên quyết liệt, dưới nửa vời

Dù vẫn kêu về tình trạng quá tải, nhưng không phải lãnh đạo bệnh viện nào cũng thẳng thắn thừa nhận rằng “nhiều bệnh viện lại thích quá tải để làm tăng thu nhập của bệnh viện”.

Có lẽ vì thế mà các biện pháp để giải quyết hết bệnh nhân đến luôn được các bệnh viện sáng kiến, áp dụng triệt để hơn là giảm số lượng bệnh nhân nhập viện ngay từ đầu vào. Và đương nhiên, khi giảm tải không được thực hiện từ gốc thì sẽ khó mà hiệu quả.

 

Giảm tải bệnh viện: Trên quyết liệt, dưới nửa vời
Quá tải và tìm cách giảm tải vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết (Ảnh: Vân Sơn) 

 

Phương châm số 1: Không từ chối bất cứ bệnh nhân nào

 

Tuy khi đăng đàn tại các cuộc hội thảo, các GĐ BV đều không nói ra, nhưng bên lề những cuộc hội thảo, nhiều bác sĩ (BS), thậm chí cả lãnh đạo các BV đều gật đầu “đúng là các BV đều thích quá tải, để tăng thu nhập cho anh em”.

 

Khi các BV kêu quá tải, phần tiếp theo của các bài trình bày mà các GĐ BV đưa ra đều hướng đến mục đích giải quyết hết bệnh nhân, chứ không để họ đi BV khác. Ví dụ như: BV tăng giờ khám, thay vì bắt đầu từ 7h30 thì BS bắt đầu từ lúc 6h, khám thông tầm đến 7h tối; giản lược bộ phận hành chính và các khu không cần thiết để kê thêm giường bệnh; khám bệnh có BHYT vào ngày thứ 7; mở khoa khám - chữa bệnh theo yêu cầu.

 

Khi kiến nghị lên Bộ Y tế, các BV cũng đều đưa ra phương án nếu không mở rộng thì cũng là “chồng tầng” cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận thêm người bệnh. Các kế hoạch này đều được BV báo cáo bằng những con số rõ ràng về số vốn đầu tư, diện tích, số giường, thời hạn. Nghĩa đây đều là những kế hoạch gần và khả thi như: Cơ sở 3 của BV Ung bướu TƯ tại Tân Triều với 1.000 giường trong năm 2012 sẽ có 300 - 500 giường đi vào hoạt động; BV Phụ sản TƯ có thêm 500 giường; khu kỹ thuật cao của BV Việt - Đức với 20 phòng mổ, trung tâm hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, ghép tạng vào năm 2015; Trung tâm Ung bướu BV TƯ Huế 300 giường vào cuối năm 2013...

 

Còn những việc có thể giảm số lượng bệnh nhân ngay từ đầu vào thì chỉ được nói rất qua loa và mơ hồ: Đó là việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đẩy mạnh công tác phòng bệnh từ địa phương. Trên thực tế, đó mới thực sự là biện pháp chống quá tải từ gốc nhưng lại chỉ được nói cho có. Trong hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị về chống quá tải BV gần đây, không có bài tham luận hoàn chỉnh, hay ý kiến tâm huyết nào về chống quá tải từ gốc được nêu ra trên diễn đàn.

 

Về vấn đề này, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh Bộ Y tế, hiện BV tuyến trên thường “vơ luôn” cả bệnh nhẹ vào chữa trị cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải. BV tuyến trên hiện làm quá nhiều việc mà BV tuyến dưới có thể làm được, gây nên tình trạng quá tải, nằm giường ghép. Hiện nay, bộ đã giao cho các đơn vị xây dựng chế tài phạt nếu BV tuyến trên khi tiếp nhận bệnh mà không sàng lọc và tổ chức điều trị cho bệnh nhân mà những bệnh này có thể thực hiện ở tuyến dưới.

  

Cơ chế tạo ra... thích quá tải

 

Tại Hội nghị nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh tại Hà Nội ngày 15/3 vừa qua, chuyện BV thích quá tải mới chỉ được Bộ Y tế đề cập gần xa. Bộ Y tế nhận định: “Nhiều BV phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất để có thể đảm bảo nguồn thu. Một số BV có dấu hiệu không quan tâm đến tình trạng quá tải, đặc biệt là ở khu khám bệnh. Chưa có cơ chế giám sát và chế tài đối với các BV duy trì quá tải hoặc không có giải pháp giảm tải”. Khi các BV mặc kệ quá tải hay không đưa ra giảm tải, lý do xác đáng nhất chỉ có thể là họ muốn tiếp tục được quá tải. Vì thế, quá tải dù đã là thực tế gần 10 năm nay ở các BV tuyến TƯ, nhưng chỉ 1 - 2 năm gần đây mới được mổ xẻ và tháo gỡ quyết liệt.  

 

ThS Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, trao đổi với Báo Lao Động bên lề cuộc hội thảo ngày 5/4 về thí điểm bảo hiểm y tế theo định suất tại Hà Nội đã nhận định: “Khó nói là nỗ lực chống quá tải của Bộ Y tế sẽ hiệu quả ngay. Thời gian qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực để chống quá tải BV như tăng cường năng lực cho tuyến dưới, khuyến cáo BV tuyến trên không nhận những bệnh nhân nhẹ, tăng số bác sĩ được đào tạo hằng năm....

 

Thế nhưng những nỗ lực này có giúp giảm tải cho BV hiệu quả hay không, còn là điều rất khó nói, bởi vì đúng là nhiều BV muốn quá tải. Khi thực hiện Nghị định 43 về tự chủ tài chính thì điều đương nhiên, BV phải tìm mọi cách để nâng cao số tiền thu được, nhờ đó tăng thu nhập của cán bộ công nhân viên trong BV. Đó là một điều bình thường, nếu đòi hỏi BV phải tự chủ tài chính nhưng lại không tạo thuận lợi cho họ được nâng nguồn thu thì quá là trói tay họ mà bắt họ bơi. Trước kia, ngành y tế đã điều phối được, nếu bệnh nhân nhẹ mà lên tuyến trên thì bác sĩ tuyến trên sẽ kê cho đơn rồi cho họ về điều trị tại địa phương. Nay sao lại không thể làm như thế được?”.

 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, nhiều BV khi thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43 đều chịu áp lực rất lớn trong việc cân đối thu chi. Bên cạnh khám - chữa bệnh, các BV này phải thực hiện nhiệm vụ xã hội là thực hiện đào tạo cho các BV tuyến dưới. Trong khi giá dịch vụ y tế hiện quá lỗi thời nếu không triển khai dịch vụ thì BV rất khó tự chủ.

 

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê: “Để giảm tải BV, bên cạnh việc xây dựng mới các BV cửa ngõ ở TP lớn thì ngành y tế phải tính đến biện pháp lâu dài và triển khai đồng bộ là: Mở rộng cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị, triển khai đề án 1816 tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, cải tiến thủ tục hành chính...

 

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên y khoa, nhưng từ năm 2013, chỉ tiêu đào tạo sẽ tăng gấp đôi. Tôi được biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo cho quy ước “Trách nhiệm xã hội của bác sĩ”, trong đó nêu ra vấn đề sau khi ra trường, bác sĩ sẽ đi xuống tuyến dưới, các vùng sâu, vùng xa làm việc một thời gian. Theo tôi, nếu điều này được thực hiện cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến dưới, và từ đó làm giảm bệnh nhân vượt tuyến như hiện nay”.

 

ĐBSCL: Chỉ mới quá tải cục bộ

 

Ở Cần Thơ (nói riêng), khu vực ĐBSCL (nói chung), tình trạng quá tải diễn ra ở hầu hết các bệnh viện (BV) công tuyến tỉnh, BV trung ương đóng trên địa bàn TP.Cần Thơ, nhưng chưa trầm trọng. Thật ra, để tình trạng quá tải ít “nóng”, bố trí được 1 BN/giường bệnh trong hầu hết thời gian/năm, các BV ở vùng ĐBSCL đã phải triển khai nhiều giải pháp chống quá tải. Phổ biến nhất là hầu hết các BV đều bố trí thêm giường so với số giường kế hoạch; quán triệt tới các khoa tinh thần điều trị tích cực để rút ngắn thời gian điều trị nội trú; BN điều trị nội trú tình trạng bệnh tương đối ổn thì chuyển sang điều trị nội trú hoặc chuyển trở lại BV tuyến trước tiếp tục điều trị theo hướng chỉ định điều trị từ BVĐK T.Ư; ứng dụng một số kỹ thuật cao (mổ hở mất bình quân 7 - 10 ngày điều trị nội trú, mổ nội soi chỉ còn bình quân 3 - 5 ngày); chuyển giao phương pháp điều trị và đào tạo nhân lực cho các BV tuyến trước…  Quang Duy - Lê Như Giang

Theo Quang Duy - Võ Tuấn

Lao động