Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay hiện nay ra sao?
(Dân trí) - Nạn nhân bị ngộ độc pate Minh Chay đang có dấu hiệu bình phục tốt. Bác sĩ kỳ vọng người bệnh sẽ có bước đột phá, sớm hồi phục sức cơ, trở về với cuộc sống bình thường.
Các bệnh nhân đang dần hồi phục
BS Nguyễn Ngọc Sang, khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại khoa đang còn một trường hợp bị ngộ độc pate Minh Chay tiếp tục điều trị tại khu Hồi sức Cấp cứu. Đó là bệnh nhân nam sinh năm 1966, ngộ độc botulinum, tình trạng sức khỏe đã có cải thiện khá tốt.
Bệnh nhân đã có thể mở mắt được hơn 1/2, há được miệng, sức cơ tay chân đã có thể cử động được khoảng 3/5. Hiện bệnh nhân đang phải tiếp tục thở máy, tuy nhiên tình trạng viêm phổi cải thiện tốt. Các bác sĩ đang hướng dẫn tập vật lý trị liệu, tăng cường dinh dưỡng để sớm cai máy thở cho bệnh nhân.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhân là chị em ruột được chuyển đến từ Long An cũng có diễn biến khả quan.
Sau khi dùng thuốc giải độc clostridium botulinum người chị đã có thể cử động được chân tay. Trong khi đó người em đã hoàn toàn tỉnh táo, sức cơ hồi phục, sẽ được chuyển sang điều trị phục hồi chức năng.
Tính riêng khu vực phía Nam, các bệnh viện tại TPHCM đã tiếp nhận, điều trị cho 10 trường hợp bị ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay. Đến nay dù chưa có trường hợp nào tử vong nhưng việc điều trị phải thở máy kéo dài rất tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, người bệnh có nguy cơ đối mặt với các di chứng yếu liệt sau xuất viện.
Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, triển khai việc thu hồi. Tuy nhiên, tiến độ thu hồi rất chậm, trong số 1.101 khách hàng từng mua sản phẩm của Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới (tại Hà Nội) Ban liên hệ được, đến nay chỉ thu hồi được 289 sản phẩm từ 163 khách hàng.
Ban quản lý an toàn thực phẩm đã gửi danh sách các khách hàng chưa giao nộp sản phẩm và những người không liên lạc được qua điện thoại sang cơ quan công an để có giải pháp phối hợp xử lý.
Vụ việc nghiêm trọng nhưng phản ứng chậm
Liên quan đến việc thu hồi, xử lý các sản phẩm pate Minh Chay gây ngộ độc cho khách hàng, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho biết: “Nếu đứng ở góc độ quy trình, cơ quan chức năng đã đáp ứng được các quy trình xử lý theo cơ sở pháp lý, các bước tiến hành cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, nếu xét theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố botulinum ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của người dân thì có cảm giác cơ quan chức năng đã phản ứng hơi chậm. Cơ quan chức năng đã làm hết sức nhưng chưa đáp ứng được sự mong mỏi mang tính khẩn cấp về mặt thời gian”.
Theo PGS Phong Lan, việc xử lý, thu hồi chậm phút nào, giờ nào, ngày nào thì nguy cơ những người dân không biết và tiếp tục sử dụng sản phẩm sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua mọi quy trình vì dễ dẫn đến nhầm lẫn, oan sai nên cần cân nhắc. Nếu oan sai cho doanh nghiệp chắc chắn sẽ thiệt hại về kinh tế, nếu chậm cảnh báo thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Trong trường hợp pate Minh Chay với độc tố rất nặng của vi khuẩn gây ra, đe dọa tính mạng của nạn nhân thì cần cảnh báo sớm ngày nào tốt ngày đó. Tuy nhiên, cảnh báo cần có nhiều mức độ, khi khẳng định 100% vi khuẩn xuất phát từ quy trình của công ty thì phải căn cứ trên các dữ liệu.
Thực tế khi đã có những trường hợp trùng hợp được báo cáo thì ít nhất cũng đã có dữ liệu để cơ quan quản lý nhà nước ra lệnh ngừng sản xuất và thực hiện thu hồi, xử lý vi phạm liên quan theo chế tài cho các lỗi sai chủ quan hay khách quan. Trong tình huống sự việc đã xấu thì cần chọn những tình huống ít xấu nhất, thiệt hại kinh tế có thể đền bù, có thể làm bù nhưng sức khỏe, tính mạng người dân không có gì bù đắp được.
Để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra, PGS Phong Lan cho rằng: “Ý thức của cơ sở sản xuất là điều rất quan trọng, cần phải hoàn thiện nâng cao năng lực sản xuất. Nếu không có ý thức từ chính người sản xuất thì không có lực lượng thanh tra nào có thể kiểm soát được hết yếu tố nguy cơ cũng như các sai phạm mang tính cố ý".
"Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và sự vào cuộc của người dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất thực phẩm kém chất lượng, nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ”, PGS Phong Lan nói.