Nạn nhân ngộ độc pate Minh Chay của Hà Nội tử vong
(Dân trí) - Qua quá trình điều trị, tình trạng ngộ độc của bệnh nhân này đã được cải thiện, nhưng vì tuổi đã cao nên bệnh nhân bị mắc thêm các bệnh cơ hội dẫn đến biến chứng nặng.
Liên quan đến vụ ngộc độc pate Minh Chay, đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã có một bệnh nhân tử vong. Trường hợp này là cụ ông 70 tuổi, là người chồng trong hai bệnh nhân đầu tiên phải nhập viện vì nhiễm độc botulinum, sau khi cùng ăn pate Minh Chay.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã được cho sử dụng loại thuốc cực hiếm Botulism antitoxin heptavalent để giải độc và sau đó tình trạng của bệnh nhân có cải thiện. Tuy nhiên, do tuổi cao nên cụ ông này đã mắc kèm các bệnh cơ hội dẫn đến biến chứng nặng.
Khi tình trạng ngày càng xấu, gia đình đã chủ động xin cho bệnh nhân ra viện. Sau đó, người này qua đời tại nhà riêng. Trong khi đó, vợ của bệnh nhân đã khỏi và xuất viện trước đó.
Như đã đưa tin, ngày 18/8, bệnh nhân này cùng vợ được đưa vào Trung tâm Chống độc, với tình trạng liệt ngoại biên đối xứng toàn thân kiểu lan xuống, đồng tử giãn. Sau đó, cụ ông diễn biến nặng hơn và phải thở máy.
Botulinum là chất độc sinh học mạnh nhất
Botulinum được xem là chất độc sinh học mạnh nhất mà con người từng biết đến. Chỉ cần hấp thụ với liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng cũng đã có thể gây chết người.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, botulinum được sản sinh bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Clostridium botulinum là loại vi khuẩn kị khí, có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm đóng hộp, lọ, túi, chai kín. Vi khuẩn sẽ phát triển khi các yếu tố môi trường trong thực phẩm không đủ để kiềm chế chúng, ví dụ như không đủ độ chua (độ pH), không đủ độ mặn. Đặc biệt, các loại thực phẩm chế biến tại hộ gia đình, thủ công, vốn thường không được kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ cao nhiễm loại vi khuẩn này.
Theo thống kê trên thế giới, có khoảng 50% các trường hợp ngộ độc botulinum phải đặt ống nội khí quản để thở máy xâm nhập.
Theo BS Nguyên, với bệnh nhân ngộ độc botulinum, thời gian thở máy trung bình từ 1,5 đến 2 tháng. Thời gian thở máy càng dài, bệnh nhân càng đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.