1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bên trong các "trại" giảm cân kỷ luật thép ở Trung Quốc

Biên Thùy

(Dân trí) - Khủng hoảng béo phì gia tăng tại Trung Quốc khiến ngày càng nhiều người tìm đến các trại giảm cân với mục tiêu "bóp miệng, siết cân".

Những năm gần đây, các trại giảm cân ngày một phổ biến tại Trung Quốc khi quốc gia này phải vật lộn với khủng hoảng béo phì. Những cơ sở này nổi tiếng với chế độ tập luyện và dinh dưỡng nghiêm ngặt, giúp nhiều người béo phì giảm cân thành công.

Song, cũng có nhiều ý kiến tranh cãi, khi năm ngoái, một người đã tử vong tại "trại", sau khi giảm 100kg.

Kỷ luật thép trong trại giảm cân

Bên trong một trại giảm cân tại Thành Đô (Trung Quốc), Yang Chi'ao là một trong 60 người đến phòng tập sớm, đang chờ được gọi tên báo danh. Cô gái 23 tuổi đến đây từ tháng 7/2024, sau khi tạm nghỉ công việc giảng dạy. 

Bên trong các trại giảm cân kỷ luật thép ở Trung Quốc - 1

Yang (áo hồng) tập boxing, một trong nhiều bài tập phổ biến tại trại giảm cân (Ảnh: AFP).

Sau 4 tháng "nhập trại", Yang đã giảm gần 30kg, sức bền cũng cải thiện đáng kể. Cha mẹ cô phải trả khoảng 3.000 nhân dân tệ (hơn 10,5 triệu đồng)/tháng để con gái mình được lưu trú trong căn phòng 4 người tại đây. 

"Những học viên tại đây không được phép rời khỏi trại từ thứ hai đến thứ bảy, trừ trường hợp quá đặc biệt", Yang chia sẻ với AFP. 

Không ai có thể lẻn ra ngoài vì nơi này có sự giám sát ở khắp nơi. Nếu bị bắt gặp khi đang cố bỏ trốn, học viên có thể bị phạt chạy 5km hoặc tập burpee (bài tập thể dục kết hợp một chuỗi các động tác nối tiếp nhau).

Ngoài ra, khi luyện tập, những người tham gia sẽ luôn được theo sát nhằm tránh tối đa việc họ ngừng tập để mua đồ ăn vặt bên ngoài hàng rào. 

Tại một trại giảm cân ở Thượng Hải, học viên được theo dõi cân nặng sát sao hàng ngày. Số cân sẽ được công khai tại các bảng hiển thị treo khắp nơi trong trại để kích thích động lực giảm cân của họ. 

Theo một huấn luyện viên, tại đây, cân nặng được xem là một thang đo của thành công. Mỗi học viên phải tập tối thiểu 5-7 giờ/ngày. Ai có thể giảm nhiều cân nhất trong một ngày có thể được thưởng một bữa ăn với hamburger và gà rán.

Ngược lại, các học viên không đạt mục tiêu giảm cân chỉ được ăn tối với một hộp sữa chua có dung tích 350ml trong một tuần. 

Tại Trung Quốc, béo phì là yếu tố nguy cơ gây tử vong đứng thứ 6. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ người thừa cân và béo phì tại nước này đang gia tăng đều. 

Theo ông Charles Poon, Giám đốc y khoa tại Bệnh viện Raffles Bắc Kinh, xu hướng này có thể liên quan đến việc tăng thu nhập và thay đổi thói quen chi tiêu của người dân. Ông cho hay hiện nay, người Trung Quốc chi nhiều tiền để mua thực phẩm có hàm lượng calo cao và nhiều dầu mỡ.

Ngoài ra, môi trường làm việc ngày một khắt khe khiến nhiều người gặp tình trạng căng thẳng, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố và góp phần gây ra béo phì.

Bên trong các trại giảm cân kỷ luật thép ở Trung Quốc - 2

Ngày càng nhiều trại giảm cân được mở ra ở Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân (Ảnh: AFP).

Mặt trái của trại giảm cân 

Tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch kéo dài 3 năm nhằm giải quyết tình trạng béo phì đang ngày một nghiêm trọng tại quốc gia này.

Chính phủ khuyến khích người dân giảm tiêu thụ các thực phẩm nhiều muối, đường và chất béo cũng như tăng cường vận động tại nơi làm việc lẫn trường học. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở cần tham gia ít nhất 2 giờ hoạt động thể chất/ngày. 

Song, việc Trung Quốc mở ra ngày một nhiều cơ sở ép cân thu hút người dân tham gia lại là điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại. 

Theo Chen Hang, huấn luyện viên tại một trại giảm cân, số người gia nhập cơ sở của ông liên tục tăng. Nhiều người đến đây do không có động lực kiểm soát chế độ ăn uống hay tập luyện. 

Chia sẻ về vấn đề này, PGS Pan Wang, chuyên gia về Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales (Australia), cho rằng chính phủ cần theo dõi và hạn chế các biện pháp giảm cân tiêu cực như tập luyện quá mức hay ăn kiêng quá đà. 

"Ngành công nghiệp làm đẹp đang bùng nổ… Gầy dần trở thành một tiêu chuẩn của xã hội. Các doanh nghiệp như trại giảm cân có thể kiếm lợi từ nó", ông nhận định.

Chia sẻ với Sixth Tone, Amy Yao (29 tuổi), gia nhập trại giảm cân khi cân nặng đạt mốc 105kg. Sau 2 tháng, cô giảm 14kg. Dù hài lòng với kết quả đạt được, Yao cho hay phương pháp ép cân tại các cơ sở này không thực sự lành mạnh như quảng cáo.

Theo cô, các trại giảm cân chỉ đang chú trọng vào con số thay vì tình trạng thể chất của học viên. 

"Các trại giảm cân thường ưu tiên cho những người có cân nặng khổng lồ vì sự thay đổi của họ có thể mang lại kết quả ấn tượng về mặt thị giác. Thời gian đầu nhập trại, nhóm này bị cắt rất nhiều đồ ăn, dẫn đến giảm cân nhanh chóng", cô tiết lộ. 

Bên cạnh đó, khẩu phần ăn cho các học viên tại các trại giảm cân đều tương đương, bất chấp sự khác nhau về chiều cao và cân nặng.

Bên trong các trại giảm cân kỷ luật thép ở Trung Quốc - 3

Yao (áo đỏ ngoài cùng) giảm 14kg sau khi tham gia một khóa tại trại giảm cân (Ảnh: Sixth Tone).

Trao đổi với Sixth Tone, bà Chen Chu, một chuyên gia dinh dưỡng thể thao được chứng nhận từ Hiệp hội dinh dưỡng thể thao quốc tế (CISSN), cũng bày tỏ lo ngại về chế độ tập luyện tại các trại này.

"Những người tham gia trại giảm cân thường không có thói quen tập thể dục. Họ dễ dàng bị quá sức khi được yêu cầu tập thể dục mỗi ngày trong 5 giờ. Thậm chí, các vận động viên chuyên nghiệp cũng không có khả năng tập luyện như vậy", bà nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho biết chế độ ăn uống tại các trại giảm cân có thể khiến cơ thể "bị sốc". Mỗi học viên nên được thiết kế chế độ dinh dưỡng riêng dựa trên quá trình trao đổi chất của từng người. 

"Thật nguy hiểm khi bạn đã đốt cháy nhiều calo nhưng không bù lại đủ năng lượng trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn trao đổi chất, gây hại cho cơ thể", bà nhận định.

Cũng theo bà Chen Chu, cách giảm cân chỉ chú trọng vào kết quả này là không bền vững. Nó khiến mọi người ăn nhiều hơn sau khi ra trại, dẫn đến tăng cân và phải quay lại các trại này để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Diệu Linh