TPHCM: Cô gái 26 tuổi nặng 161kg, phải cắt ruột vì "siêu béo phì"

Biên Thùy

(Dân trí) - Mới 26 tuổi nhưng cô gái nặng đến 161kg, chỉ số BMI được xếp vào loại "siêu béo phì", kèm theo nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ độ 3, huyết áp cao, viêm dạ dày và tá tràng...

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa, một bệnh viện tại TPHCM cho biết, thời gian qua, nơi này ghi nhận các trường hợp trẻ tuổi nhưng mắc nhiều bệnh do hậu quả béo phì.

Điển hình là trường hợp của chị L., mới 24 tuổi nhưng nặng đến 130kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức 46,1 (thuộc nhóm "siêu béo phì"). Chị L. chia sẻ, nguyên nhân khiến mình tăng cân là do ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tổng thể cho thấy, ngoài béo phì, bệnh nhân còn cao huyết áp, tiền tiểu đường.

Trước tình trạng trên, L. được bác sĩ phẫu thuật nội soi thu hẹp dạ dày hình ống. Sau 2 tuần phẫu thuật kèm ăn uống, luyện tập theo hướng dẫn của người điều trị, bệnh nhân đã giảm 12kg.

Một trường hợp khác là chị H., mới 26 tuổi đã cân nặng 161kg, chỉ số BMI lên đến 56,48 (siêu béo phì). Ngoài cân nặng khủng, cô gái mắc nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ độ 3, huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa lipoprotein, tăng mỡ máu, viêm dạ dày và tá tràng.

Vì từng thử giảm cân bằng nhiều cách nhưng không kết quả, nay bệnh nhân quyết định phẫu thuật thu gọn dạ dày hình ống. Trước phẫu thuật, cô gái trẻ được điều trị ổn định tình trạng viêm dạ dày do vi khuẩn HP gây ra.

TPHCM: Cô gái 26 tuổi nặng 161kg, phải cắt ruột vì siêu béo phì - 1

Một ca phẫu thuật nội soi thu gọn dạ dày thực hiện cuối năm 2023 tại TPHCM (Ảnh: BV).

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, toàn cầu có hơn một tỷ người béo phì. Trong đó, có 650 triệu người trưởng thành, 340 triệu thanh thiếu niên.

Bác sĩ Hùng cho biết, béo phì là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật. Ở người béo phì, lượng mỡ bọc kín tim, khiến tim khó co bóp hoặc làm tăng dung lượng máu tuần hoàn, tăng gánh nặng cho tim. Người béo phì cũng dễ dẫn đến mắc bệnh tiểu đường type 2.

Người béo phì thường bị huyết áp cao, lượng đường và cholesterol bất thường - những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu não, đột quỵ. Kết quả 25 nghiên cứu với 2,3 triệu người tham gia tại Mỹ trong năm 2010 cho thấy, người béo phì có nguy cơ đột quỵ cao đến 64%.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ ba người béo phì có một trường hợp viêm xương khớp. Tăng 5kg cân nặng, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối tăng lên 36%.

Béo phì cũng tác động xấu đến hoạt động của hormone sinh dục. Hàm lượng chất béo lớn trong cơ thể phụ nữ có thể suy giảm chức năng của buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

"Thai phụ bị béo phì nguy cơ cao sẩy thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, biến chứng khi chuyển dạ và sinh nở. Nam giới thừa cân dễ rối loạn cương dương, vô sinh hơn do lượng testosterone giảm", bác sĩ Hùng phân tích.

Phẫu thuật thu gọn dạ dày là phương pháp giảm cân sau cùng, khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp tập luyện, ăn kiêng, điều trị nội khoa thất bại. Phẫu thuật này được chỉ định cho người có chỉ số BMI từ 40 trở lên (hoặc BMI từ 35 có kèm theo ít nhất một bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, xương khớp...

Khi bệnh nhân điều trị béo phì, giảm cân thành công còn đồng thời cải thiện các chỉ số sức khỏe đi kèm như huyết áp, đường huyết, cholesterol… Dù vậy, bệnh nhân cũng cần tiếp tục ăn uống, luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, đánh giá các chỉ số sức khỏe khác.