Đồ ăn, thực phẩm gây béo phì tràn ngập trong căng tin trường học

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng, các thực phẩm bán trong căng tin trường học cho học sinh ít có thực phẩm lành mạnh, mà đa phần là món mặn như mì tôm, thịt xiên nướng, nước ngọt...

Báo động học sinh béo phì, thừa cân

Tại buổi tọa đàm về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ dưới 16 tuổi diễn ra tại Hà Nội ngày 25/12 do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức, PGS.TS Bùi Thị Nhung đánh giá, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường tăng lên đáng báo động. 

Theo PGS Nhung, trong 10 năm, giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em giảm từ 23,4% xuống 14,8%. Ngược lại, tình trạng thừa cân, béo phì tăng vọt, từ 8,5% lên 19%.

Đồ ăn, thực phẩm gây béo phì tràn ngập trong căng tin trường học - 1

PGS.TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng cảnh báo tình trạng béo phì ở lứa tuổi học đường tăng vọt hơn 2 lần sau 10 năm (Ảnh: H.Hải).

Trong một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện Hà Nội trong năm 2023 cho thấy, có những trường tỉ lệ học sinh béo phì, thừa cân vượt 50%.

Như Trường Tiểu học La Thành (Đống Đa), tỉ lệ trẻ béo phì là 55,7%. Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm), tỷ lệ này là 51,4%. Các trường còn lại là Tiểu học dịch vọng B (Cầu Giấy) là 45,5%; Tiểu học Lê Lợi (Hà Đông) là 49,5%; Tiểu học Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng) là 46,5%.

Ở các trường tiểu học vùng ngoại thành, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì giảm hơn. Trong 5 trường được khảo sát, trường thấp nhất là 20.9% tỉ lệ béo phì, cao nhất là 31,1%.

PGS Nhung thông tin thêm, điều tra trong 500 trẻ béo phì ở Hà Nội, có tới 35% có rối loạn mỡ máu. Bệnh đái tháo đường túyp 2, có em mới 8,5 tuổi đã bị. "Nguyên nhân của thừa cân béo phì là chế độ ăn thừa năng lượng, chất lượng, thiếu vi chất", PGS Nhung nói.

Theo chuyên gia này, hầu hết bữa cơm gia đình không làm trẻ béo lên, mà các bữa phụ ở căng tin trường học, trước cổng trường, những món ăn vặt như bim bim, nước ngọt có đường... là thủ phạm gây dư thừa năng lượng, tích tụ lâu ngày gây béo.

Đồ ăn vặt cho trẻ: Thiếu thực phẩm lành mạnh

PGS Nhung cho biết, một đề tài nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng phối hợp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về tỉ lệ tiêu thụ các nhóm thực phẩm ở căng tin trường học, rất ít thực phẩm lành mạnh.

Đồ ăn, thực phẩm gây béo phì tràn ngập trong căng tin trường học - 2

Các món trái cây tươi, sữa chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp, còn lại là bánh kẹo, món ăn mặn (như mì tôm, thịt xiên nướng), nước ngọt có ga.

Trong khi đó, bữa phụ theo tiêu chuẩn chỉ chiếm 5-10% năng lượng. Nếu sau giờ tan trường trẻ ăn một bánh mì tôm xúc xích, năng lượng đã 300-400 kcal, phải chạy ít nhất 2 tiếng mới tiêu hao hết số năng lượng đó. Bữa tối về nhà lại ăn thêm bữa chính, năng lượng nạp vào là rất lớn.

Sau giờ tan trường, bố mẹ hay mua bánh bao, bánh giò cho trẻ, với hơn 400kcal phải chạy 2 tiếng. Một chai nước ngọt có ga uống ực cái hết, trẻ đã nạp vào 200-300kcal, chạy 1,5 tiếng mới hết.

"Những bữa phụ giàu năng lượng rất không tốt cho trẻ. Các loại bánh kẹo, đồ chiên rán, xúc xích, mì tôm... có năng lượng cao vượt quá mức khuyến nghị của bữa ăn phụ. Trẻ béo phì không phải từ bữa ăn trường học, bữa chính trong gia đình, mà thường từ những món ăn phụ này", PGS Nhung nói.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng, các thực phẩm như bánh kẹo, đồ ăn chiên rán và đồ uống ngọt có ga... đều là những thực phẩm này chứa nhiều chất béo và đường, làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe như tăng cân, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa.

Vì thế, các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm bán ở căng tin trường học. Đồng thời, đưa chỉ tiêu giảm tỉ lệ thừa cân béo phì thành chỉ tiêu thi đua của các cơ sở giáo dục. Xây dựng các chính sách kiểm soát sớm tình trạng rối loạn chuyển hóa do béo phì ở trẻ em thông qua BHYT.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm