DMagazine

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19

(Dân trí) - Từ tháng 6 đến 9/2021, trong khi cái chết đang diễn ra, con số tử vong có lúc vượt qua nghìn ca/ngày, bi thương bao trùm khắp TPHCM… thì nhiều đội quân thầm lặng sẵn sàng lao vào tâm bão Covid-19.

(Dân trí) - Từ tháng 6 đến tháng 9/2021, trong khi cái chết đang diễn ra, con số tử vong có lúc vượt qua nghìn ca/ngày, bi thương bao trùm khắp TPHCM…  thì vẫn có nhiều đội quân thầm lặng sẵn sàng lao vào tâm bão Covid-19. Chấp nhận gia đình li tán, không nhìn mặt cha mẹ lần cuối để hoàn thành nhiệm vụ… Họ chính là những dấu gạch nối đặc biệt trong hành trình "HÀN-GẮN" vẫn đang tiếp diễn.

***

"Thỉnh thoảng đi làm về, nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh cha mẹ, tôi vẫn không chịu nổi. Tới giờ, vẫn còn nhiều người chưa biết ba tôi đã mất, gọi điện thoại đặt xe. Mọi thứ cứ như một giấc mơ, một cơn ác mộng…" - điều dưỡng Nguyễn Thị Như Thủy trải lòng.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 1

25 năm công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM với bao vất vả, áp lực, nhưng điều dưỡng Thủy không thể tin bi kịch đau lòng có thể xảy đến với mình chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, khi cả cha và mẹ đều trút hơi thở cuối cùng ngay tại bệnh viện nơi con gái làm việc, do Covid-19.

Đó là khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội tại TPHCM vào tháng 6/2021, chồng chị phải tạm thời dừng công việc chạy xe cho một trường học, chấp nhận mất thu nhập để ở nhà lo cho các con thay vợ. 

Đến ngày 13/6/2021, bệnh viện bị phong tỏa do nhiều nhân viên bị nhiễm Covid-19. Là F1, chị Thủy cũng bị cách ly. Sau khi bệnh viện được dỡ phong tỏa, nữ điều dưỡng tình nguyện ở lại trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khoa Nhiễm E, nơi có rất nhiều trường hợp nặng phải thở máy, thở oxy dòng cao (HFNC). Có thời điểm, chị Thủy cùng đồng đội phải gồng mình chăm sóc cả trăm F0.

Giữa lúc đang tập trung mọi sức lực cho công tác chống dịch, chị Thủy nhận tin báo cha mẹ ruột ở huyện Bình Chánh xuất hiện triệu chứng sốt. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, chị tức tốc về để test cho gia đình. Kết quả, có đến 4 thành viên trong nhà dương tính với SARS-CoV-2.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 3

"Lúc đó tôi rối lắm. Ba má đã lớn tuổi, đều có bệnh nền, chưa kịp tiêm vaccine thì đã nhiễm Covid-19. Hôm đó là ngày 27/7" - nữ điều dưỡng nhớ như in. 

Ngày đưa cha vào viện, chị Thủy thấy ông vẫn "tỉnh bơ", còn dặn dò con gái phải chú ý giữ gìn để công tác tốt. Nhưng mấy ngày sau, con virus ác nghiệt đã làm ông nhanh chóng rơi vào biến chứng nặng. 

"Lúc mới vào, ba còn nằm ở trên lầu, chỗ khoa tôi làm việc nên tranh thủ gặp mặt được. Sau đó ba chuyển xuống dưới thì hai cha con đã tách biệt nhau, vì công việc lúc đó nặng nề lắm". 

10 ngày sau, người cha tiếp tục xuống khoa điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng vì đã suy hô hấp, suy đa cơ quan.

Hay tin, chị Như Thủy tức tốc xuống khoa và nghẹn ngào vì không còn nhận ra cha nữa. "Bình thường ba ốm, mũi cao, mặt thanh tú lắm. Còn lúc đó người ông trương phù lên, nhìn như già đi 20 tuổi. Đã xử lý cấp cứu nhiều trường hợp, tôi biết ba sắp lành ít dữ nhiều. Vào viện nằm hơn một tháng thì ông mất" - kể đến đây, nữ điều dưỡng đã không kìm được nước mắt. 

3 ngày sau, đến lượt người mẹ trút hơi thở sau cùng, ngay tại bệnh viện con gái làm việc. Nỗi đau giằng xé tâm can nữ điều dưỡng dữ dội hơn, khi từ lúc mẹ nhập viện điều trị đã phải đặt nội khí quản, nên cô không thể nói chuyện với bà tiếng nào.

"Mẹ vào viện sau ba một ngày, vô Khoa Cấp cứu trước 3 ngày, mất sau ba 3 ngày. Bà cũng qua đời vì biến chứng suy thận, suy hô hấp…" - chị Thủy nghẹn ngào.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 5

Nửa đêm, giữa nhà xác bệnh viện lạnh lùng, có bóng một nữ nhân viên y tế bước vội vàng xuống nhìn mặt cha mẹ, trước khi thi thể được chuyển giao cho quân đội lo việc hậu sự. Cô khóc nức nở, nhưng không ai nhận ra, vì cả người đang mặc đồ bảo hộ kín mít. Nỗi đau mất người sinh ra mình ngay trước mắt giữa thời điểm đại dịch bao trùm, cô biết phải một mình chịu đựng.

Điều chị Như Thủy xót xa nhất, là dù cha mẹ ở ngay cạnh bên, mà bản thân cô không thể chăm sóc chu đáo được. Đến những thứ cơ bản nhất như lon sữa, tô phở, cái bánh ngon, đứa con gái cũng không thể đáp ứng, khi xung quanh nơi đâu cũng là khu vực phong tỏa.

Cha mẹ mất, điều dưỡng Như Thủy cũng chẳng thể buồn lâu khi xung quanh cô còn quá nhiều F0 nguy kịch cần chăm sóc. Nhưng mỗi lần vô tình bước ngang qua chiếc giường cha mẹ đã từng nằm, nước mắt cô bất giác tuôn trào không dừng được. 

Vậy là với tâm thế xem mọi bệnh nhân như cha mẹ của mình, điều dưỡng Như Thủy lao vào làm việc không quản ngày đêm. Có lúc sút đến 10kg, nhưng cô hạnh phúc vì giúp được nhiều bệnh nhân Covid-19 thoát được cửa tử.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 7

Thoắt cái đã gần đến ngày giỗ đầu của cha mẹ. Điều dưỡng Như Thủy đã ít nhiều nguôi ngoai. Cô tâm sự, có suy nghĩ đau buồn nhiều thế nào thì mọi chuyện cũng xảy ra rồi. Cô không thể gục ngã vì con, vì gia đình và cả những bệnh nhân, đồng nghiệp bên cạnh. Nhưng những lúc mệt mỏi, tranh thủ chợp mắt, hình ảnh cha mẹ lại ập về trong vô thức.

"Hồi gần Tết, tôi có thấy má về. Má kể, hôm rày má đi du lịch nước ngoài, nay má về chơi thăm con. Má nói rồi đi luôn, không để cho tôi ôm ấp, hỏi han gì hết. Trong mơ, tôi cũng không kịp nói chuyện với má.

Còn ba thì đến gần đây vẫn có người gọi điện đặt xe. Họ chưa biết ông đã mất" -  điều dưỡng Thủy ngậm ngùi.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 9

Buổi chiều trời lất phất mưa, anh Trần Thiện Huy Kim (35 tuổi) tranh thủ hút đàm cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trước khi tiếp chuyện chúng tôi.

Nam điều dưỡng kể, ngày anh được nhận vào bệnh viện, mẹ là cô Lưu Thị Kim Hương (SN 1954), vẫn còn công tác tại khoa Nhiễm D. Chính bà là người đã truyền lửa để anh đeo đuổi ngành y từ những ngày theo chân mẹ chăm sóc người bệnh.

Ai ngờ chính tại nơi hai mẹ con cùng làm việc, chuyện buồn thương giáng xuống đầu họ.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 12

Cuối tháng 7/2021, khi dịch bùng phát dữ dội, anh Kim được phân công xuống khoa Nhiễm E "trợ chiến". Mỗi ngày sau khi điều trị, anh phải về khách sạn cách ly, trong khi vợ làm chung ở khoa thường được về nhà với các con. 

Ngày 28/7/2021, khi vừa tan ca trực, anh nhận tin báo mẹ sốt cao, test Covid-19 ra kết quả dương tính. Ba ngày sau, cả vợ và 2 con anh cũng phát hiện nhiễm bệnh. Vậy là 4 người trong gia đình được đưa vào viện. 

Chỉ 1 tuần sau đó, cô Hương biến chứng nặng, phải thở oxy. Dù có con dâu cận kề chăm sóc, nhưng người mẹ với bệnh nền cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ và liên tục tiêu chảy nên xuống sức dần. Sau đó, bà phải thở oxy qua mặt nạ. Cả tháng trời, anh Kim cứ chạy tới chạy lui, vừa theo dõi mẹ, vừa chạy về xem cha ở nhà có nhiễm không.

Thêm 1 tuần sau nữa, đồng nghiệp ở khoa ICU gọi báo cho anh Kim biết, mẹ anh chuyển nặng lắm rồi, đã có triệu chứng mê sảng và suy hô hấp nặng. Bà phải đặt ống nội khí quản, lâm dần vào suy thận, phải lọc máu.

"19h ngày 28/8/2021, tôi đang ăn cơm thì các chị ở khoa ICU kêu vào gấp. Đến nơi, tôi đã thấy người mẹ tím ngắt, phù lên dữ dội. 1h sáng thì mẹ mất, đúng 1 tháng sau khi vào viện. Mẹ làm ở đây hơn 40 năm, nghỉ hưu ở đây rồi chết cũng ở đây. Tôi là người chở mẹ vào viện, cũng tự tay đẩy bà xuống từng khoa, rồi đưa bà vô nhà xác. Đau lắm" - anh Kim cay đắng, bất lực khi nhìn mẹ bị Covid-19 đoạt mạng ngay trước mắt.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 13

Ngày mất mẹ, tay người con Huy Kim cứ văng vẳng lời của cha: "Vô bệnh viện điều trị tưởng đâu hết, mà giờ về bằng hũ tro…". Cha anh Kim dạy học ở Long An, chỉ có 2 mẹ con ở cùng nhau mấy chục năm nay. Mất mẹ, giống như mất đi một phần thân thể. Mất mẹ, còn ai tâm sự chuyện nghề, còn ai đưa đón, chăm sóc 2 cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Lâu lâu có bệnh nhân lớn tuổi, nằm đúng giường của bà, anh Kim lại dâng trào cảm xúc. Anh kể lúc ấy lại thấy hình bà hiện về, thấy những cô chú đang nằm như là mẹ ruột.

"Chăm sóc đến ngày họ ổn định, tôi vui lắm. Tôi nói chúc mừng cô chú đã khỏe hơn, sắp được xuất viện rồi. Ngày xưa mẹ con cũng nằm ở giường này, mà không được may mắn như cô chú…" - anh Kim nói tiếp.

Sau một năm của đợt dịch thứ 4 với bao mất mát đau thương, anh Kim thấy chuyện sinh tử thật quá nhanh. Thỉnh thoảng đi làm về, nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh mẹ, anh vẫn khóc.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 15

Những ngày này, cô Trần Ngọc Huyền (52 tuổi, quê Tây Ninh) vẫn đang phải tập vật lý trị liệu kèm uống thuốc trị suy thận, liệt bàn chân bên phải. Đó là biến chứng để lại sau khi cô giành giật mạng sống với con virus quái ác.

Một năm trước, mẹ con cô Huyền vẫn còn thuê nhà ở quận 6, mưu sinh bằng nghề bán nước ép trái cây. Rồi đợt bùng dịch thứ 4 ập đến, kéo theo các biện pháp phòng dịch bị siết chặt, khiến mọi hàng quán phải đóng cửa. Tiến thoái lưỡng nan, cô Huyền lâm vào cảnh mắc kẹt tại TPHCM. Và… điều gì đến cũng đến.

Một ngày cuối tháng 8, cô Huyền bất ngờ thấy mệt mỏi, lên cơn sốt cao. Sau khi nấu nồi xông để giải cảm, cô lấy que test thì phát hiện mình dương tính với SARS-CoV-2.

"Chỉ từ chiều đến tối là tôi lịm đi. Trong cơn mê, tôi nghe loáng thoáng thấy tiếng con gái đưa mình lên chiếc xe cấp cứu từ thiện, chạy thẳng vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Sau đó thì ngất hẳn…" - người phụ nữ kể. 

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 17

Một tháng sau ngày hôn mê, được lọc máu, thở máy, thậm chí chạy ECMO (hồi sinh tim phổi nhân tạo) vì tình trạng quá nguy kịch, cô Huyền tỉnh lại trong tình trạng mệt nhoài, đến ngồi dậy cũng không nổi. Xung quanh là các y bác sĩ, tình nguyện viên.

Không còn đủ sức khỏe để tự sinh hoạt, người nhà lại không cận kề, trong trí nhớ của cô là hình ảnh những người xa lạ, trong đó có một nhân viên y tế tên Thủy mỗi lần tới ca trực lại lấy sữa, bón cho mình từng muỗng cơm, miếng nước.

"Có lúc tôi mệt mỏi, khó chịu không ăn nổi, điều dưỡng Thủy và bác sĩ tới ca trực lại ân cần, năn nỉ tôi ráng ăn cho lại sức. Chị Thủy hỏi han, lo lắng tôi giống như là người thân ruột thịt. Y bác sĩ lúc ấy còn phải mặc đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại dính rơi đầy trên mặt mà vẫn phải cố gắng lo cho bệnh nhân" - cô Huyền nhớ lại.

Sau ngày xuất viện, điều dưỡng Thủy và cô Huyền vẫn giữ liên lạc. Những ngày sức khỏe cô bị biến chứng "hậu Covid-19", chị Thủy lại hướng dẫn cách tự chăm sóc, giới thiệu nơi điều trị cho bệnh nhân. Thấm thoắt đã 10 tháng kể từ ngày lâm đại nạn, cô Huyền giờ vẫn không thể tin mình có thể trở về từ cõi chết, nếu không có những "thiên thần áo trắng" tận tâm giúp mình qua cơn nguy kịch.

Đến giờ khi nghe chúng tôi tiết lộ, cô Huyền mới giật mình khi biết điều dưỡng Thủy mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19… ngay thời điểm chị chăm sóc bà.

"Lúc trước tôi biết ơn 2-3 lần, còn giờ tôi biết ơn gấp 10 lần. Tôi không nghĩ cô ấy hy sinh và chịu mất mát lớn như vậy. Mong chân mình mau ổn, sức khỏe sớm ổn định, tôi sẽ lên Sài Gòn ôm Thủy, ôm những người đã hồi sinh mình. 

Cảm ơn điều dưỡng Thủy và các y bác sĩ, tình nguyện viên rất nhiều" - người phụ nữ nói trong xúc động.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 19

Đã 7 tháng kể từ ngày bị Covid-19 tấn công nhưng thầy giáo Phong (39 tuổi) vẫn chưa thể nói chuyện tròn vành rõ chữ, cơ thể vẫn còn các vết sẹo loét tì đè vì nằm viện quá lâu. Nhưng với anh, việc bình an sau 2 lần "chết hụt" đã là một diễm phúc lớn. 

Tháng 11/2021, thời điểm TPHCM đã "bình thường mới", ít ai nghĩ người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine như anh Phong lại nhiễm bệnh nặng như thế.

Vị thầy giáo nhớ lại, ngày 20/11 anh bắt đầu lên cơn sốt ho. Một tuần sau, anh được người thân đưa vào Bệnh viện quận 11 kiểm tra. Khi ảnh chụp X-quang hiện ra hai lá phổi thủng lỗ như tổ ong, anh cũng hôn mê và được chuyển khẩn vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Anh Phong hôn mê 2 tháng 9 ngày, phải lọc máu, chạy ECMO, miệng cắm dày đặc ống điều trị. Có lúc tình trạng người đàn ông bất ngờ trở nặng, chảy máu ở miệng ồ ạt tưởng không qua khỏi. Bằng sự nỗ lực không ngừng của e-kíp điều trị với 2 lần chạy ECMO, phép màu dần xuất hiện.

Ngày thầy giáo Phong tỉnh lại, hơi thở anh mệt nhọc, người không thể cựa quậy. Thấy mình như kẻ tàn phế, anh suy sụp tinh thần trầm trọng. Lúc này, văng vẳng bên tay anh là tiếng điều dưỡng Huy Kim, vừa động viên, thúc giục, rằng đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất nên phải nhất ráng sống.

Những ngày sau đó, nhờ được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình như người thân, anh Phong dần hồi phục, nói chuyện và cũng cử động tay chân được. Lúc này, anh mới biết chiếc giường hồi sức mình nằm lại chính là nơi cách đó không lâu, mẹ điều dưỡng Kim từng chống chọi với lằn ranh sinh tử.

"Kim nói anh may mắn lắm, mẹ em ngày xưa nằm đây mà không cứu được. Tôi không biết diễn tả sao cho hết nỗi xúc động, vì mình được tái sinh nhờ sự hy sinh to lớn của các bác sĩ. Thương mọi người, càng thương Kim nhiều hơn" - thầy giáo Phong tâm sự.

Anh Phong tiết lộ, đã nhiều lần mời các y bác sĩ cứu mình đi uống nước. Nhưng đến nay, lời mời ấy vẫn chưa thực hiện được, khi họ vẫn đang căng mình với những cuộc chiến chống dịch mới.

Bác sĩ cứu sống hàng trăm F0 bất lực nhìn cả cha lẫn mẹ qua đời vì Covid-19 - 21

LỜI TÒA SOẠN:

Trong gần nửa năm (từ tháng 6 đến tháng 11/2021), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 17.000 người dân sinh sống TPHCM, khiến 2.000 trẻ em mồ côi, hàng chục nghìn hộ gia đình chịu cảnh mất đi người thân thuộc…Nhưng những con số ấy chỉ diễn tả được một phần về sự tàn khốc mà dịch Covid-19 gây ra cho thành phố đông dân nhất cả nước.

Sau 1 năm gồng mình chống đợt dịch lớn nhất, lần đầu tiên từ sau ngày thống nhất đất nước, nền kinh tế của thành phố mang tên Bác tăng trưởng âm, tạo ra những làn sóng thất nghiệp, những dòng người "tháo chạy" khỏi nơi họ từng lựa chọn để gắn bó, sinh sống, lập nghiệp. Vết cứa sâu do đại dịch chưa từng có tiền lệ gây ra khiến TPHCM chắc chắn đã và sẽ mất thêm nhiều thời gian để chữa lành.

Cũng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bất kỳ ai cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh những giao dịch triệu đô mỗi ngày của Sài Gòn hoa lệ, được thay bằng những bữa cơm nghĩa tình, phiên chợ không đồng. Chúng ta cũng không thể quên hàng triệu "người hùng không tên" từ mọi miền Tổ quốc về miền Nam để chia lửa, cứu trợ, sẵn sàng hy sinh vì 2 chữ: "ĐỒNG BÀO".

Khoảng thời gian đau thương do Covid-19 đã qua đi, nhưng những câu chuyện, ký ức về nỗi đau và tình người vẫn còn mãi. Khi vết thương do đại dịch dần nguôi ngoai, cũng là lúc chúng ta - những người ở lại - cùng nhau nhớ về những ngày TPHCM trọng thương.

Một năm sau đại dịch Covid-19 hoành hành, Báo điện tử Dân trí xin được giới thiệu với Quý độc giả tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".

Chúng tôi xin được kể lại những câu chuyện về sự mất mát, bi thương, nhưng chứa đầy hy vọng và ẩn sâu trong đó là tình người vẫn luôn hiện hữu.

Quý độc giả có thể đọc thêm các bài đã khởi đăng trong tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".

Bài 1: Ám ảnh lời kêu cứu "giúp anh sống" của chồng trước khi qua đời vì Covid-19

Bài 2: Cơn "bão ngầm" trong lòng thế hệ mồ côi do Covid-19

Nội dung: Hoàng Lê