DMagazine

Ám ảnh lời kêu cứu "giúp anh sống" của chồng trước khi qua đời vì Covid-19

(Dân trí) - "Bất lực, tuyệt vọng, sợ hãi, mất mát… tất cả cảm xúc trên đời tôi đã nếm trải chỉ trong vòng 1 tuần. Cảm giác khi biết chồng sắp chết nhưng không tài nào cứu, nó đau đớn tận tâm can - chị Thắm khóc.

(Dân trí) - "Bất lực, tuyệt vọng, sợ hãi, mất mát… tất cả cảm xúc trên đời tôi đã nếm trải chỉ trong vòng 1 tuần. Cảm giác khi mình biết chồng sắp chết đấy nhưng không tài nào cứu, nó đau đớn tận tâm can. Vậy mà 1 tuần sau nữa, chính tay tôi tiếp tục phải ôm 4 hũ cốt.

Vào viện 4, mất cả 4" - chị Thắm khóc.

LỜI TÒA SOẠN:

Trong gần nửa năm (từ tháng 6 đến tháng 11/2021), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 17.000 người dân sinh sống TPHCM, khiến 2.000 trẻ em mồ côi, hàng chục nghìn hộ gia đình chịu cảnh mất đi người thân thuộc…  Nhưng những con số ấy chỉ diễn tả được một phần về sự tàn khốc mà dịch Covid-19 gây ra cho thành phố đông dân nhất cả nước.

Sau 1 năm gồng mình chống đợt dịch lớn nhất, lần đầu tiên từ sau ngày thống nhất đất nước, nền kinh tế của thành phố mang tên Bác tăng trưởng âm, tạo ra những làn sóng thất nghiệp, những dòng người "tháo chạy" khỏi nơi họ từng lựa chọn để gắn bó, sinh sống, lập nghiệp. Vết cứa sâu do đại dịch chưa từng có tiền lệ gây ra khiến TPHCM chắc chắn đã và sẽ mất thêm nhiều thời gian để chữa lành.

Cũng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bất kỳ ai cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh những giao dịch triệu đô mỗi ngày của Sài Gòn hoa lệ, được thay bằng những bữa cơm nghĩa tình, phiên chợ không đồng. Chúng ta cũng không thể quên hàng triệu "người hùng không tên" từ mọi miền Tổ quốc về miền Nam để chia lửa, cứu trợ, sẵn sàng hy sinh vì 2 chữ: "ĐỒNG BÀO".

Khoảng thời gian đau thương do Covid-19 đã qua đi, nhưng những câu chuyện, ký ức về nỗi đau và tình người vẫn còn mãi. Khi vết thương do đại dịch dần nguôi ngoai, cũng là lúc chúng ta - những người ở lại - cùng nhau nhớ về những ngày TPHCM trọng thương.

Một năm sau đại dịch Covid-19 hoành hành, Báo điện tử Dân trí xin được giới thiệu với Quý độc giả tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".

Chúng tôi xin được kể lại những câu chuyện về sự mất mát, bi thương, nhưng chứa đầy hy vọng và ẩn sâu trong đó là tình người vẫn luôn hiện hữu.

"Má còn sống! Má vẫn còn sống nghen…" - Minh cầm chiếc điện thoại, cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng trên giường bệnh để quay vội hình ảnh bà Đặng Thị Thanh (63 tuổi). 

Phía bên kia đầu dây, ông Hồ Quang Thanh (65 tuổi) run lên bần bật. 

Cùng một ngày chứng kiến cả vợ và con gái bước vào cửa tử khiến ông chẳng còn biết khóc ai trước. Vài phút sau, điện thoại Minh cũng tắt ngúm.

Hôm đó là ngày thứ 7 trong hành trình tìm kiếm người vợ mất tích, sau khi cả gia đình ông Thanh đột ngột thành những ca Covid-19 đầu tiên vào đợt dịch thứ 4 ở TPHCM. Đêm nào trong khu cách ly thành phố Thủ Đức, ông đều chắp tay, cầu nguyện hai chữ: "Đoàn tụ". Thế nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn vỡ tan tành.

"Bà ấy còn thở máy, mê man thì đến lượt con gái, cháu ngoại dương tính. Minh nó bị suy thận giai đoạn cuối, tôi biết con đã đi là sẽ không bao giờ trở về. Cả đời này tôi chưa bao giờ nghĩ mất con đột ngột như vậy" - ông Thanh kể.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 1

Ngày 24/5, chị Hồ Thị Minh Minh (37 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) trở thành ca dương tính Covid-19 thứ 2 trong chuỗi lây nhiễm "Quán bánh canh O Thanh". Qua 2 ngày điều trị, người phụ nữ liên tục rơi vào tình trạng nguy kịch, buộc y bác sĩ Bệnh Nhiệt đới TPHCM phải tháo máy lọc thận trong cơ thể. Ngay thời điểm đó, bản thân Minh đã đoán định khả năng tử vong của mình, nên chị đưa ra nguyện vọng: "Tìm người mẹ mất liên lạc, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào 20/5".

May mắn, đêm 30/5, bác sĩ đã sắp xếp cho 2 mẹ con Minh đoàn tụ. Suốt đêm đó, dù thở máy, Minh vẫn tỉ mẩn quay những thước phim của mẹ gửi về gia đình.

"Sáng hôm sau, mọi người đột ngột chuyển tôi sang buồng khác. Lúc ngang qua con, tôi còn nắm tay, dặn nó: "Mẹ chuyển đi rồi nha, con ở lại cố gắng", Minh gật gật đầu. Tui đâu biết, tất cả là do nó và bác sĩ sắp xếp, vì Minh muốn nhìn thấy tôi lần cuối trước khi mất" - bà Thanh mếu máo khóc, nhớ về cái tháng 6 đen tối nhất của đời mình.

"Những giờ cuối cùng của Minh như thế nào?", tôi bất giác hỏi.

"Buổi sáng, nó gọi về nhà. Lúc này đã cắm máy, thở nặng, rất yếu" - ông Thanh nhớ lại.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 3

Thời điểm Minh nhập viện, mỗi ngày, chị đều được bác sĩ cho sử dụng điện thoại thông báo về nhà một lần. Thế nhưng, giữa trưa 1/6, chị nằng nặc đòi gặp ba thêm lần nữa.

Trong cuộc hội thoại cuối cùng, Minh đã thở nặng nhọc, gần như chỉ còn khoảng lặng được lấp đầy bằng tiếng khóc người thân. "Bác sĩ bảo con nghị lực lắm! Ba yên tâm…" - Minh động viên.

"Con mệt rồi. Con nghỉ đi…", ông Thanh an ủi con. Gương mặt hốc hác của con gái khiến ông vỡ vụn mọi cảm xúc. 

"Đến giờ này may mắn lắm rồi ba ạ! Đừng buồn! Ba giữ sức khỏe! Tạm biệt ba nghen!", Minh cười rồi xin được cúp máy.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 5

Ngày trước, chồng chị gặp tai nạn vỡ sọ não khiến tính khí anh thất thường. Rồi 7 năm trước, tới lượt chị bị chẩn đoán mắc căn bệnh suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối. "Bệnh của Minh là vô phương cứu chữa" - ông Thanh nghẹn ngào.

Sau 7 năm trời, nhiều người bạn đồng bệnh với chị đều mất. Riêng Minh bao lần cận kề cái chết, bác sĩ lắc đầu bởi "dịch đã không thể đáp ứng thải độc tố", nhưng chị vẫn khẳng định: "Chừng nào con gái em tự nấu mì gói, biết đặt shipper, em mới đi".

23h ngày 1/6/2021, Hồ Thị Minh Minh là bệnh nhân đầu tiên tử vong vì Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Chị ra đi sau hơn 1 tuần chiến đấu với virus, 7 năm chống chọi bệnh tật và 13 năm đợi con gái trưởng thành.

Nửa đêm, bác sĩ gọi điện báo tin dữ, ông Thanh gào lên tức tưởi.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 7
Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 9

Ngày 18/5/2021, con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) được xác định là ổ dịch lớn thứ 4 tại TPHCM, sau chuỗi lây nhiễm cộng đồng.

Dịch bệnh bùng phát nhanh, không xác định nguồn lây khiến cuộc sống gia đình bà Thanh và hàng trăm cư dân tại hẻm nhỏ bị đảo lộn hoàn toàn. Trong đó, 5 thành viên nhà bà Thanh lần lượt cho kết quả dương tính Covid-19 và gặp tình trạng nguy kịch.

Video: Phương Nhi.

"Sáng sớm 19/5, tiểu thương dọn chợ ra thì chính quyền đến rào chắn khiến tất cả hoảng loạn, đồ đạc chẳng biết bán cho ai. F1, F2, người đến quán, nhân viên bệnh viện đều bị cách ly, dân buôn bán bắt buộc ở ngay tại chợ. Gia đình tôi bị chửi rủa vô cùng nặng nề" - bà Thanh nhớ lại.

Đến tận bây giờ, bà vẫn không có lời giải đáp cho câu hỏi "nguồn lây từ đâu". Thậm chí, vào thời điểm đó, mỗi ngày gia đình bà Thanh đã nhận hàng chục nghìn bình luận thóa mạ trên mạng xã hội, khi xuất hiện thông tin cho rằng con gái bà đi du lịch Đà Nẵng dịp 30/4 nhưng không khai báo. 

Thế nhưng, thực tế chị Hồ Thị Minh Minh mắc bệnh hiểm nghèo, suốt 7 năm nay chưa rời khỏi TPHCM. Bà Thanh cũng hiểu quán ăn là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, nên luôn đề cao cảnh giác ngay từ đầu mùa dịch Covid-19.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 11

"Chúng tôi thuê người thu tiền riêng, bưng bê riêng. Sức khỏe tôi yếu nên chỉ ngồi một góc, có vách ngăn che chắn. Nhưng cuối cùng tôi nhiễm Covid-19 trong khi ông xã và các con không sao. Và nó còn đánh đổi bằng mạng sống của chính con gái tôi nữa" - bà Thanh nức nở.

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát (từ ca tử vong đầu tiên vào 2/6/2021 đến ngày 16/11/2021) đã cướp đi sinh mệnh của 17.263 người dân sinh sống tại TPHCM. Tỷ lệ tử vong của TPHCM chiếm 74% trong tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên cả nước (23.270 trường hợp). Trong đó, cả nghìn trẻ em trở thành mồ côi, 75.000 gia đình trở nên mất mát và 200.000 cá nhân chịu tổn thương nặng nề.

Đó là cuộc ly tán lớn và đau đớn nhất lịch sử đại dịch diễn ra tại Việt Nam!

"Chẳng bao giờ như xưa vì gia đình chị đã mất toàn bộ thành viên" - chị Nguyễn Thị Thắm (41 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) vừa khóc, vừa nhìn về phía chiếc bàn thờ đặt ngay ngắn 4 bài vị. Đối với chị, tháng 6 âm lịch năm 2021, đã lấy của chị và con gái - 2 người sống sót cuối cùng - tất cả mọi thứ.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 12

Ngày 12/8, ông Nguyễn Ngọc Năm (71 tuổi) tức ngực, đau sốt nên được con trai đưa đến Bệnh viện quận 6. Qua xét nghiệm Covid-19, toàn bộ gia đình ông liên tiếp cho kết quả dương tính ngay sau đó. Anh Nguyễn Ngọc Sơn (45 tuổi) mặc dù nhiễm virus nhưng là thành viên duy nhất trong gia đình còn khỏe, nên đã đứng ra đăng kí ở viện để chăm sóc người thân vì cơ sở y tế không đủ khả năng.

Đến 22/8, anh Sơn bắt đầu xuất hiện triệu chứng: khó thở, ho ra máu, SpO2 dưới 90 nên phải thở máy.

Hai ngày sau đó, chị Thắm mất liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Năm hoàn toàn. Đến 27/8, chị nhận tin cha chồng đã mất hơn một tuần.

Ngày 31/8, chị nhận tin thứ 2, em chồng tử vong.

Sáng 1/9, chị nhận tin thứ 3, mẹ chồng mất. Đầu giờ chiều, anh Sơn hấp hối, vội vã gọi về gia đình: "Em ơi cứu anh! Cứu anh! Làm ơn giúp anh sống". Tiếng chồng gào thét trong sự tuyệt vọng vô tận khiến chị Thắm khóc nấc. Chị ước mình có thể chết thay anh.

Đến 20h cùng ngày, anh Sơn mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy, vỏn vẹn sau 2 giờ chuyển viện.

"Bất lực, tuyệt vọng, sợ hãi, mất mát,… tất cả cảm xúc trên đời chị đã nếm trải chỉ trong vòng một tuần. Cảm giác khi mình biết chồng sắp chết đấy, nhưng mình không tài nào cứu, nó đau đớn tận tâm can. Vậy mà một tuần sau nữa, chính tay chị tiếp tục phải ôm 4 hũ cốt. Vào viện 4, mất cả 4" - chị Thắm khóc.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 14

Sức khỏe ông Trần Văn Ba (69 tuổi) đột ngột trở nặng vào đêm 30/7/2021, sau nhiều tháng ròng tích cực tham gia hỗ trợ các hộ gia đình Mả Lạng (quận 1) trong đợt dịch Covid-19.

Đến 23h, Sp02 của ông Ba tụt dốc không phanh. Sau cuộc gọi xe cứu thương không nhận hồi âm, con trai ông đành lái xe máy, vượt rào chắn để chở cha nhập viện.

"Đến bệnh viện nào cũng là đóng cửa, không thể tiếp nhận thêm. Cuối cùng, nhờ 2 anh công an dẫn đường, Bệnh viện quận 1 mới cho vào, làm hô hấp nhân tạo. Nhưng ông ấy thì đã ngưng thở từ lâu" - bà Thủy (69 tuổi, vợ ông Ba) nhớ.

0h, cậu con trai gọi điện về thông báo tin ba mất trong nước mắt. Thế nhưng, bà Thủy đã không thể buồn hơn nữa. Bởi thời điểm đó, toàn bộ gia đình bà cũng đều cho kết quả dương tính Covid-19 và sốt gần 40 độ.

"Cảm giác cận kề cái chết khiến tôi không biết suy nghĩ gì thêm. Con trai bệnh nặng nhưng ngày ngày vẫn nấu ăn nuôi cả nhà. Nuốt cơm như nuốt sạn, múc một muỗng là hớp liền 2 ngụm nước nhưng tất cả thành viên đều gắng gượng, mong mình được sống".

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 16
Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 18

"Thời điểm TPHCM bước đỉnh dịch Covid-19, Mả Lạng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Ba tháng phong tỏa, cứ cách vài ba căn lại có một gia đình có người mất" - chị Phan Phước Xuân (một cư dân Mả Lạng) kể, dắt chúng tôi đến nhà các nạn nhân Covid-19.

Đã sống cả đời người tại khu Mả Lạng, nhưng chính chị Xuân cho biết chưa bao giờ trải qua cuộc chia ly nào xót xa đến như thế, nhất là từ sau ca tử vong Covid-19 của đợt dịch trước - dịp Tết nguyên đán 2021.

"Có nhà cha mất để con gái khờ nheo nhóc cùng bầy cháu, có nhà không đủ tiền mai táng, ma chay… Sau tháng 10, Sài Gòn mở cửa, dân ở đây chuyển đi rất nhiều…" - chị nói.

Trong suốt quá trình tìm về các gia đình chịu tổn thương do Covid-19 để thực hiện bài viết này, tôi nhận ra: Tất cả nhân vật chúng tôi gặp chưa bao giờ lành thương đau. Các cuộc phỏng vấn thường kết thúc trong nước mắt dù chúng tôi đã gắng gợi mở nhiều câu chuyện tươi sáng hơn về cuộc đời. 

Thời gian đầu tiên, họ liên tục sử dụng lời nói dối để giấu cái chết với người thân, tỏ ra lạc quan, viện lý do "cố vui để con cháu không buồn, không nặng nề trong cuộc sống" như bà Thủy… Thế nhưng, khoảnh khắc hồi tưởng về ký ức đại dịch, nỗi đau vẫn hiện hữu qua khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười héo hon. Thậm chí, nhiều gia đình đã chuyển chỗ ở, quyết định rời thành phố nhằm trốn tránh "món nợ" đau lòng.

Tháng 10/2021 không bao giờ trở về "bình thường" với bà Thanh, mặc cho TPHCM đã bắt đầu trạng thái "bình thường mới". 

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 20

Cái chết của Minh là cú đánh chí tử vào tâm khảm bà khi "người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh". Và giờ đây, quá khứ khổ hạnh 14 tuổi một mình vào Sài Gòn làm lụng nuôi bố mẹ, các em cùng chuỗi ngày bệnh tật của Minh khiến người mẹ không thể hoàn thành nghĩa vụ che chở con như bà Thanh... càng thêm đau đớn.

Đầu tháng 10, vợ chồng bà Thanh quyết định rời con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu. Quán bánh canh từng là kế sinh nhai đã được bà chuyển cho con trai. Cả ngày, 2 vợ chồng chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ tại quận Bình Tân.  

"Lúc Minh bệnh, cô bán quán là để kiếm tiền chạy chữa. Nó đã đi thì mọi thứ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Sau mất mát, cô yếu lắm! Mắt mờ, chân đau, 2 tuần phải vào viện một lần. Làm mẹ mà, sẽ không bao giờ quên được, không niềm vui nào bù đắp được" - bà Thanh giải thích.

Rất lâu sau khi chồng mất, chị Thắm vẫn chưa dám quay lại những địa điểm vợ chồng hay tới, mặc con gái vòi vĩnh. Xung quanh chị, đâu đâu cũng lấp đầy kí ức anh!

"Có hôm chị tạt vào chợ lại thấy anh giữa đám đông, vụt qua rồi biến mất. Lúc ngồi ăn phở ở quán quen, chị chảy nước mắt không ngừng vì anh ngồi đối diện. Hồi xưa đi đâu 3 người tụi chị đều dính nhau, giờ  không quen được. Thậm chí, đôi lúc chị không muốn sống trong căn nhà này nữa" - chị Thắm nói.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 22

Khác với trường hợp có sự chuẩn bị cho việc chia xa, cái chết đột ngột là một sang chấn tâm lý khủng khiếp đối với người ở lại. Mất chỗ dựa an toàn, trụ cột tinh thần, khiến nhiều nạn nhân cảm giác bơ vơ, lạc lõng trong chính tổ ấm của mình.

Giữa tháng 11, chị Thắm quyết định rời khỏi TPHCM. Chị chấp nhận mình là kẻ thua cuộc, đã đầu hàng trước sự thiếu vắng không hồi kết. Căn nhà chật chội từng góp mặt 6 thành viên, ông bà quấn quýt cùng cháu mỗi buổi chiều… Bao nhiêu ký ức bây giờ là nỗi ám ảnh.

Chị nhanh chóng vay mượn tiền, thuê chiếc xe cứu thương và đưa ra sự lựa chọn liều lĩnh: Ôm 4 hũ cốt cùng trở về quê nhà.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 24

Hôm đó, trên chuyến xe "trốn chạy", Thắm không ngừng cầu nguyện: "Anh còn thương, còn phù hộ cho con và em bình an". Đến sáng sớm, chiếc xe dừng lại tại khu nghĩa trang Tú Sơn 2 (Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Giữa những ô đất đã lắp sẵn, họ hàng nội ngoại đã đứng thành hàng. Buổi tang lễ đầu tiên sau 4 tháng Covid-19 bắt đầu bằng tiếng tiễn đưa ai oán và giọng khóc sụt sùi, khi Thắm lần lượt đặt tro cốt vào lòng đất.

Nhưng hôm đó, Thắm không khóc. Chị kể, trong giây phút cuối cùng, chị vẫn thấy anh Sơn. Anh đứng cạnh, nhìn chị, mỉm cười an yên.

Chị và con gái ở lại quê ăn Tết. Được ở cạnh gia đình, tận hưởng không khí trong lành khiến mẹ con chị tươi tắn hơn. Một đêm, con gái quay sang thủ thỉ: "Con với mẹ phải cố gắng mạnh mẽ lên nha!". Bất giác, chị Thắm thấy mình đã giải thoát.

"Như thể quyết định của chị đã làm đúng di nguyện còn dang dở của anh và ba mẹ. Đó cũng là lần cuối chị gặp lại anh, rất bình thản. Qua Tết, chị chọn quay về TPHCM" - chị Thắm nói.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 26

Vào dịp 49 ngày của con gái, bà Thanh chỉ nhờ mua được 2 quả xoài, 1 trái cam, và chiếc khăn tang để trưng lên bàn thờ. "TPHCM đang vào đỉnh dịch nên vô cùng khó khăn. Đến lúc mất, Minh vẫn chưa có cái đám nào đàng hoàng".

2/6/2022 - cái giỗ đầu tiên của Minh, là ngày vô cùng đặc biệt với bà Thanh. Bà làm một mâm cỗ để quây quần toàn bộ thành viên gia đình, đồng thời đưa cháu ngoại về thắp nhang cho mẹ.

Ám ảnh lời kêu cứu giúp anh sống của chồng trước khi qua đời vì Covid-19 - 28

"Lúc còn sống Minh nó lạc quan lắm! Nó dặn sau này mất phải làm di ảnh hình nó cười, cháu ở bà nội vì bà còn mỗi một mình. Dù sau này ra sao chăng nữa, chúng tôi vẫn sẽ thực hiện tốt di nguyện của con" - bà Thanh nói.

4 chiếc bàn thờ nghi ngút khói trong căn nhà nhỏ của chị Thắm bây giờ đã ấm áp hơn nhiều. May mắn, tháng 1/2022, qua bài viết "Ông, bà, cha, chú mất vì Covid-19, bé gái 8 tuổi ám ảnh trong cả giấc mơ" đăng tải trên Báo điện tử Dân trí, chị Thắm đã nhận được hàng nghìn sự quan tâm giúp đỡ từ bạn đọc và chính quyền.

Sắp tới ngày giỗ đầu các thành viên gia đình, chị quyết định sẽ tổ chức ở cả hai nơi. Một là nghĩa trang quê nhà, hai là trong căn nhà tại TPHCM để chính chị và con gái có thời gian tưởng nhớ.

Đó là niềm an ủi an lành!

***

Trong suốt cuộc phỏng vấn cùng tôi, dù nước mắt, bất lực, tuyệt vọng, nhưng cuối cùng bà Thanh vẫn nhắc đi nhắc lại 2 chữ: May mắn.

May mắn vì vào thời khắc cuối đời của Minh, bà và con đã được bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sắp xếp cho một cuộc chia ly đặc biệt.

May mắn vì Minh mất lúc dịch Covid-19 chỉ mới nhen nhóm. Chị được hỏa táng và đưa về nhà ngay trong ngày, vài người bạn vẫn đến thăm hỏi. Sau này, dịch bùng phát nặng nề, hàng trăm, hàng nghìn ca bệnh tử vong/ngày, mỗi lần nghe tin ở đâu có gia đình cả tháng trời mới được nhận tro cốt, bà Thanh lại đứt từng đoạn ruột.

Và may mắn rằng suốt 7 năm chiến đấu với bệnh tật, Mai Loan - con gái Minh, cuối cùng đã "biết chế mì tôm, tự đặt shipper", hoàn thành di nguyện cho mẹ!

Bài tiếp: Cơn "bão ngầm" trong lòng một thế hệ mồ côi sau Covid-19

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh/Video: Phương Nhi

Thiết kế:  Thủy Tiên.