Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Những dấu hỏi thách thức với phiên tòa giám đốc thẩm
(Dân trí) - Liên quan tới vụ án tử tù Hồ Duy Hải, Viện KSND tối cao chỉ ra hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ, cần giải quyết trong phiên tòa giám đốc thẩm.
Đã 12 năm trôi qua nhưng vụ án mạng xảy ra tại bưu điện Cầu Voi vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, một số tình tiết chưa được làm rõ, nhiều tình tiết bị sửa chữa, biến mất khỏi hồ sơ vụ án. Các vấn đề này đang đặt ra cho phiên tòa giám đốc thẩm vào ngày 6/5 sắp tới.
Dấu vân tay tại hiện trường chưa được xác định là của ai
Theo Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu những nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn nhiều mâu thuẫn.
Theo bản án, sau khi cắt cổ chị H. và chị V. , Hải ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa con dao cho sạch máu. Quá trình khám nghiệm hiện trường đã phát hiện, thu giữ một số dấu vết “đường vân tay ở mặt trong của cửa kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo”. Tuy nhiên, bản kết luận giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận, các dấu vết vân tay thu tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với 10 điểm chỉ in trên chỉ bản. Như vậy, những dấu vân tay thu được tại hiện trường là của ai chưa được làm rõ.
Cùng với việc dấu vân tay tại hiện trường chưa được xác định là của ai, thông tin về đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol cũng không được điều tra làm rõ.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đã bỏ sót nhiều chứng cứ của vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của một số người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, việc khám nghiệm hiện trường kết thúc lúc 13h10 ngày 14/1/2008, khám nghiệm thi thể chị H. bắt đầu lúc 12h10 ngày 14/1/2008, khám nghiệm tử thi chị V. lúc 11h40 cùng ngày đều do 1 điều tra viên thực hiện. Điều này có nghĩa cùng một người, cùng một lúc vừa thực nghiệm hiện trường vừa khám nghiệm 2 tử thi.
Cơ quan điều tra chưa lấy lời khai của nhân chứng Phùng Phụng Hiếu là người đầu tiên phát hiện ra vụ án.
Biên bản hỏi cung bị sửa chữa
Theo hồ sơ vụ án, Hồ Duy Hải khai sau khi gây án 1 tuần, sợ bị công an phát hiện nên đã đốt một số vật chứng của vụ án. Từ lời khai của Hải, cơ quan điều tra đã thu giữ đống tro do Hải đốt.
Viện KSND Tối cao khẳng định, mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án.
Theo Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra khám xét nhà Hải và thu giữ đống tro tàn trước lời khai đầu tiên của Hải. Điều này có nghĩa lời khai của Hải ghi sau khi cơ quan thu giữ đống tro chứ không phải do Hải khai với cơ quan điều tra.
Theo lời khai của mẹ Hải thì Hải có thói quen đốt quần áo cũ, thời gian từ khi vụ án xảy ra đến khi Hải bị bắt không thấy Hải đốt gì. Kết luận của phân viện khoa học kỹ thuật hình sự tại TPHCM xác định mẫu tàn tro trên có thành phần vải và nhựa polyster, không đủ yếu tố kết luận có thành phần nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo.
Ngoài ra, cơ quan điều tra không điều tra làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có theo lời khai của Hải. Qua xác minh, các nhân chứng làm việc tại cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng vàng bạc tại Quận 5, TPHCM đều khẳng định không mua số nữ trang và điện thoại di động như lời khai của Hải.
Viện KSND Tối cao xác định, một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai. Lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản lời khai này và lời khai một số nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án nhưng lại có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Chưa hết, bản giám định pháp y ghi nhận, dạ dày nạn nhân có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít nhưng không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân, không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để 4 tháng sau mới giám định. Tuy nhiên lúc này không xác định được nhóm máu do các thi thể đã bị phân hủy. Ngoài ra, cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể các nạn nhân cũng chưa được giải thích, làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ diễn ra thế nào?
Theo điều 386 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án.
Các thành viên khác của hội đồng sẽ hỏi thêm về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.
Sau đó, các thành viên phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Cuối cùng, Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Hồng Lĩnh